Đường dẫn truy cập

Thời cơ và chiến lược


Cảnh sát biển Việt Nam theo dõi tàu Trung Quốc ở Biển Đông, ngày 15/5/2014.
Cảnh sát biển Việt Nam theo dõi tàu Trung Quốc ở Biển Đông, ngày 15/5/2014.
Trên blog VOA, anh Nguyễn Hưng Quốc đưa ra nhận định “Trung Quốc đã thắng ở biển Đông”. Tôi hơi băn khoăn dè dặt về nhận định ấy, nay có đôi lời trao đổi.

Trước hết nhận định này hơi sớm. Sự kiện Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan cực lớn HD-981 vào vùng biển Việt Nam còn mới, các phản ứng qua lại ở các phía còn đang diễn ra, chưa nên kết luận một cách dứt khoát.

Xét về mặt chiến thuật đây có thể là một thắng lợi, mà thắng lợi có thể là tạm thời. Nhưng xét về mặt chiến lược, chưa thể cho là Trung Quốc đã thắng, trái lại. Chiến lược luôn có vị trị quan trọng, lâu dài hơn là chiến thuật.

Về mặt chiến lược, nên nhớ lời căn dặn tâm huyết của nhà mưu lược Đặng Tiểu Bình trước khi đi xa với nhóm lãnh đạo kế tiếp Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo là “Thao Quang Dưỡng Hối“, 4 chữ cô đọng, được giải thích là kiên trì bốn hiện đại trong bóng tối, chớ vội phô trương thanh thế, hết sức nhũn nhặn mềm dẻo, che dấu mưu đồ bá chủ, chờ đợi khi đã đủ nanh vuốt hãy hành động. Đã có nhiều bài và cuốn sách ở Bắc Kinh tán rộng lời di chúc này, rằng: cần ẩn mình chờ thời, giấu kín miếng võ hiểm, nằm gai nếm mật, khi cần thì vờ ngu giả dại, để lừa cả thế giới, không bị cản phá, phải nín thở qua sông ít ra là 25, 30 năm (theo g/s Đặng Duật, tạp chí Học tập /Bắc kinh, tháng 10/2012).

Gây sự với Nhật Bản, rồi với Philippines, nay với Việt Nam, Trung Quốc tự phơi bày ra toàn thế giới dã tâm thầm kín, còn gì là lời cam kết “trỗi dậy hòa bình”, “là thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc”. Trung Quốc ngang nhiên chà đạp lên Luật Biển về tôn trọng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng, trở thành một nhà nước phạm pháp, bị Philippines kiện ra trước Tòa án Quốc tế La Haye. Việt Nam rất nên khởi kiện khi lẽ phải, pháp luật thuộc về ta.

Với các nước ASEAN mà Trung Quốc cố mua chuộc lôi kéo từng nước một, Philippines đã trở thành đối kháng, Malaysia lạnh nhạt, Indonesia e ngại vì họ có lý khi nghĩ rằng sẽ đến lượt mình bị Trung Quốc vươn lưỡi bò bành trướng đến liếm rồi gặm nhấm. Singapore còn nhớ tại cuộc họp ASEAN mở rộng tháng 8/2010 ở VN, sau khi ngọai trưởng Hillary Clinton khẳng định: “Hoa Kỳ coi vùng biển Đông với đường hàng hải quốc tế là vùng quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ và của tất cả các nước. Hoa Kỳ trở lại vùng này trên thế mạnh”, ngoại trưởng TQ Dương Khiết Trì chạm nọc mặt hầm hầm bỏ ra ngoài phòng họp. Khi trở vào ông ta hướng vào đại diện Singapore nói: “Các ngươi là nước nhỏ, chúng tôi là nước lớn” (trên Chuyển Hóa, tháng 8/2010).

Việc huy động gần 100, nay là hơn 120 tàu phòng vệ bờ biển, tàu an ninh, cảnh sát biển, trong đó có 7 tàu chiến, với hàng chục máy bay do thám, trực thăng võ trang hoạt động thị uy quanh giàn khoan HD-981, Trung Quốc sẽ phải trả giá rất đắt về uy tín thể diện quốc gia của mình, khi tự phơi bày bản chất bành trướng, hung hăng hiếu chiến, chà đạp luật pháp quốc tế, chà đạp Luật biển, vi phạm những cam kết quốc tế của chính mình.

Nghị quyết đại hội đảng CS TQ lần thứ 17 và 18 đều nhấn mạnh đến giữ vững sự ổn định trong nội bộ cũng như sự ổn định trong quan hệ quốc tế là điều kiện sống còn để xây dựng đất nước phồn vinh, thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”. Với các sự kiện như đại án Bạc Hy Lai, rồi đại hồ sơ Chu Vĩnh Khang với hơn 200 tay chân thân tín phần lớn là quan chức cấp cao đảng CS thuộc ngành dầu khí và ngành công an đã bị bắt chờ ngày ra tòa; rồi sự nổi dậy của nhân dân Tây Tạng, Tân Cương, của người theo Pháp Luân Công ngày càng quyết liệt. Vụ giàn khoan HD-981 tạo thêm bất ổn mới sẽ kéo dài và phức tạp. Các công ty làm ăn với VN, với Philippines, cả với các nước ASEAN khác sẽ gặp khó khăn mất ổn định, thị trường xuất nhập khẩu bị đảo lộn, đầu tư kinh doanh bị rối lọan.

Có thể nói tuy khủng hoảng mới ở biển Đông diễn ra có 2 tuần, TQ xem ra đã thua thiệt về mặt chiến lược không phải là nhỏ. Thể diện quốc gia bị xấu đi, uy tín quốc tế bị giảm sút, niềm tin chiến lược với toàn thế giới bị bào mòn rõ, nội bộ vốn mất ổn định càng mất thêm. Liên minh Hoa Kỳ - Nhật Bản - Nam Triều Tiên - Đài Loan - Thái Lan - Philippines ở châu Á tăng bao vây ngăn chặn cô lập TQ bành trướng. Dầu thăm dò chưa thấy tăm hơi đâu đã tốn phí bao công của, còn bị nhìn nhận là nhân tố gây rối, khó chơi. Hình ảnh người khổng lồ cô đơn bị tai tiếng thêm đậm nét. Đặng Tiểu Bình nếu còn sống chắc sẽ đau buồn lắm.

Tuy cuộc họp ASEAN không lên án đích danh Trung Quốc, nhưng Philippines và Indonesia qua phát ngôn chính thức đã lên án nghiêm khắc Bắc Kinh; Liên Âu cũng lên án công khai Bắc Kinh về chuyện này. Bộ chỉ huy Hạm đội 7 của Hoa Kỳ đang làm nhiệm vụ ở Thái Bình Dương tỏ ý có quan hệ thân hữu hơn với VN, mong muốn có thêm tàu chiến Mỹ đến thăm hải cảng VN. Soái hạm Hạm đội 7 đậu ngay trước tầu Trung Quốc (tin AP và AFP- 17/5).

Nhà bình luận Brad Glosserman trên báo The National Interest (20/5/2014) cho rằng uy tín TQ đã bị sút giảm nghiêm trọng, TQ bị coi là nhân tố khiêu khích gây bất ổn trong vùng. Nhà bình luận có tín nhiệm quốc tế Bill Hayden nhận định “Bắc kinh đã đi sai một nước cờ”, khi tự phơi bày chất bành trướng bất chấp trật tự và luật pháp, tự dấn thân vào thế bị e ngại, nghi ngờ và ngăn chặn (theo Viet-studies-18/5). G/s Hà Anh Tuấn từ Úc cho rằng Bắc Kinh đã tự mình kết thúc quá sớm cuộc “trỗi dậy hòa bình “, tự phô ra hình ảnh một đế chế thực dân mới lạc lõng giữa thế kỷ XXI, còn nhà báo Ấn độ Vikram Singh nhận xét “lửa TQ gây ra ở biển Đông cuối cùng đã gây ra nạn cháy ở Bắc Kinh” (đều trên Viet-Studies-20/5).

Tổn thất của Bắc Kinh về thể diện, uy tín quốc gia, về mong muốn làm bạn với tất cả các nước, về duy trì sự ổn định trong ngoài nước để thực hiện 4 hiện đại hóa tuy không đo đếm được nhưng có thể nhìn thấy rõ, cứ như tự mình vác đá nện vào chân mình khi đang muốn đi nhanh, như con hổ to xác nhưng nanh vuốt chưa kịp mọc đủ và nhọn đã xông ra gây sự.

Có thể chỉ vì muốn lấy sự kiện đối ngoại che lấp những rối ren nội bộ đảng CS và những xung đột chủng tộc ở trong nước mà tập đoàn Tập Cận Bình đã có quyết định sai lầm về chiến lược, quên phắt lời rỉ tai tâm huyết của nhà mưu sĩ Đặng Tiểu Bình. Họ sẽ phải trả giá khá cao và lâu dài. Thắng về chiến thuật nhưng thất bại về chiến lược thì tổng kết lại là thua.

Cũng giống như con gấu Nga tuy ngoạm được vùng Crimea, nhưng thua thiệt về uy tín quốc tế, mất bạn bè, nội bộ thêm mất ổn định, kinh tế lao đao, cũng là bại về chiến lược.

Huống chi cuộc khủng hoảng biển Đông ở VN chưa thể coi là kết thúc. Hy vọng và cầu mong sự kiện HD-981 rồi sẽ đi đến một 'Happy ending- Kết thúc tốt đẹp'.

Sự cao ngạo khinh miệt “các đồng chí đàn em” đến độ quá đáng của Bắc Kinh làm cho đàn em dù nhẫn nhục vẫn không sao chịu nổi. Con giun xéo mãi cũng quằn. Chả lẽ toàn ban lãnh đạo CS đã mất hẳn gốc dân tộc, mất sạch lương tri, bạc nhược đến tận cùng rồi ư!

Đàn em mềm yếu bị dồn đến tận cùng ô nhục có thể tỉnh ra, đứng thẳng dậy nói: “Không!”
với ông anh quá đáng. Không! Không còn 4 tốt, không còn 16 chữ vàng. Xin trả lại đàng ấy.

Từ nay quan hệ giữa 2 nước là không thân cũng không sơ, nên là láng giềng bình đẳng biết sống tử tế với nhau, thế là đủ.

Sự phân hóa trong nhóm lãnh đạo của VN là bình thường, tất yếu, chỉ chưa rõ là phân hóa đến mức nào. Cú hích từ phương Bắc đến quá mạnh, quá phũ phàng chỉ làm cho sự thức tỉnh giật mình của số người còn có lòng yêu nước, còn có lương tri thêm mạnh mẽ, dứt khoát. Rất có thể một bộ phận lãnh đạo được giới trí thức tiền phong tận lực hỗ trợ, được toàn dân cổ vũ sẽ bật dậy nhận trách nhiệm gắn bó với nhân dân đương đầu với cuộc khủng hoảng biển Đông, thực hiện một cuộc bẻ lái chiến lược có tính chất quyết định.

“Đi Với Nhân Dân” là 4 chữ vàng nguyên chất vĩnh cửu của nhóm lãnh đạo tỉnh ngộ ấy.
Đi với nhân dân để xây dựng nền Dân chủ / Pháp quyền tiến bộ, tạo sức chống ngọai xâm.

Đi với nhân dân để tự do kết bạn thân thiết với các nước dân chủ tiến bộ, tạo nên thế ngoại giao và quốc phòng vững chắc trên cơ sở Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Không ai có thể cấm nước ta kết bạn thân thiết, kết liên minh toàn diện với những nước đáng tin cậy vì quyền lợi chung khớp với nhau. Chỉ có dở hơi mới cam kết không liên minh với ai, tự trói tay mình.

Đi với nhân dân để cùng nhân dân và quân đội nhân dân bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, vùng biển đặc quyền của Tổ Quốc bằng mọi biện pháp chính đáng. Một khí thế mới sẽ bật dậy.

Lãnh đạo hãy nối tay với toàn dân cùng xuống đường đòi TQ phải rút ngay giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển VN, đó là hành động của nước lớn biết tự trọng, biết giữ danh dự, thể diện của một cường quốc “trỗi dậy trong hòa bình”, “là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc”, giữ ổn định trong quan hệ quốc tế cũng như ổn định trong nước họ.

Nếu như ước muốn tốt đẹp trên đây không thành, chuyện gì sẽ xảy ra nếu như toàn thể bộ sậu lãnh đạo đảng CS vẫn một mực duy trì cái gông “4 tốt – 16 chữ vàng” tròng vào cổ dân ta, chỉ giả vờ lên án bọn bành trướng để xoa dịu phẫn nộ của nhân dân, còn lệnh cho công an đàn áp tàn bạo công dân yêu nước, thì thế tắc ắt thông, tức nước ắt vỡ bờ, sự phẫn nộ như sấm sét của quần chúng sẽ bùng nổ, quét sạch mọi kẻ bán nước hại dân, dựng nên cơ đồ mới, mở ra kỷ nguyên hòa bình, hòa hợp, dân chủ, những khát vọng nóng bỏng thiêng liêng của toàn dân Việt Nam.

Đây không phải là kết thúc lý tưởng. Nhưng nếu như phải qua một cuộc nổi dậy quyết liệt của đông đảo quần chúng, từ trí thức, sinh viên, học sinh, đến lao động, nông dân, tầng lớp trung lưu, bà con các tôn giáo, dân tộc…chung sức mà từ bỏ được chế độ độc đảng phi dân chủ, tạo nên kỷ nguyên dân chủ tiến kịp thời đại, thì dù cho có bị căng thẳng, xáo trộn dữ dội một thời gian ngắn cũng là hy sinh chung cần thiết, một cuộc đau đẻ để cho ra đời một nước Việt Nam Dân chủ Tự do Hiện đại khỏe khoắn đầy sinh lực.

Nam Triều Tiên, Đài Loan, Philipines, Indonesia, rồi gần đây Tunisia, Ai Cập, Libya, Miến Điện…làm được như thế, chưa nói đến các nước XHCN cũ như Ba Lan, Đông Đức, Tiệp …đều tiếp nối nhau làm được như thế, tại sao VN lại không làm nổi. Thời cơ chiến lược là lúc này đây.

Như vậy cú hích thô bạo của bành trướng lại vô tình tạo thời cơ cho đất nước Việt Nam tiến một bước nhảy vọt, và giàn khoan HD-981 đi vào lịch sử theo một kiểu cách rất độc đáo vậy.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ
  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG