Đường dẫn truy cập

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gây áp lực đối với truyền thông trong nước


Nghiệp đoàn ký giả Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có 22 nhà báo đã bị đình chỉ công tác vì tường thuật các cuộc biểu tình chống chính phủ, trong khi 37 ngưòi khác bị buộc phải từ chức.
Nghiệp đoàn ký giả Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có 22 nhà báo đã bị đình chỉ công tác vì tường thuật các cuộc biểu tình chống chính phủ, trong khi 37 ngưòi khác bị buộc phải từ chức.
Báo chí chính mạch Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chỉ trích kịch liệt ở trong cũng như ngoài nước về việc tường thuật về tình trạng bất ổn chính trị ở nước này - việc tường thuật bị quy trách phần lớn do hiện tượng tự kiểm duyệt dưới áp lực của chính phủ. Tuy nhiên, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục làm áp lực đối với giới truyền thông trong nước. Từ Istanbul, thông tín viên Dorian Jones gửi về bài tường thuật sau đây.

Nghiệp đoàn ký giả Thổ Nhĩ Kỳ nói có 22 nhà báo đã bị đình chỉ công tác vì tường thuật các cuộc biểu tình chống chính phủ, trong khi 37 ngưòi khác bị buộc phải từ chức.

Các nhật báo tả khuynh đã bị cảnh sát bố ráp và các ký giả đã bị bắt giữa theo luật chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần tố cáo giới truyền thông trong và ngoài nước là đứng sau những vụ bạo động trong khuôn khổ một âm mưu chống lại ông và đảng AK cầm quyền. Nhưng việc trấn áp cũng đã mở rộng qua giới truyền thông chính mạch, theo bà Asli Aydintasbas, người dẫn một chương trình truyền thông trên kênh truyền hình CNNTurk.

“Tôi nghĩ giới truyền thông đã bị chính phủ nhắm làm mục tiêu vì đã tường thuật các diễn biến. Cách đây vài tuần, chính phủ đã nắm quyền kiểm soát một nhật báo và một hệ thống truyền hình, và họ đã bổ nhiệm một cựu dân biểu thuộc đảng AKP làm chủ bút mới, tuy cũng là cựu ký giả, nhưng đường lối rõ ràng đã thay đổi và 9 nhà bỉnh bút đã ra đi. Tờ báo nay biến thành thêm một cơ quan thân chính, đó chỉ là trong vòng vài tuần lễ. Ðúng thế, có những người đã mất việc, cũng ở trong các cơ quan thân chính, vì kêu gọi một chủ trương bớt hiếu chiến hơn trong các cuộc biểu tình ở Công viên Gezi.”

Các cuộc biểu tình chống chính phủ đã được châm ngòi bởi các kế hoạch tái phát triển Công viên Gezi thành một thương xá. Cũng trong tháng này, chủ của một tạp chí nổi tiếng mà số mới nhất dành riêng nói về vụ bạo động ở công viên Gezi đã khiến cho tờ báo phải đóng cửa, gây ra tình trạng ngày càng lo ngại về quyền tự do truyền thông.

Ðiều trớ trêu là trong những ngày đầu bạo động, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đã bị nhiều người chỉ trích, kể cả Liên hiệp châu Âu, vì đã không chịu tường thuật các diễn biến. Một đêm vào cao điểm của các vụ bạo động, một kênh truyền hình tin tức đã chiếu một phim tài liệu về chim cánh cụt, khiến nhiều người ở Thổ Nhĩ Kỳ lên án và chế giễu. Những người biểu tình nay đã lấy loài chim cánh cụt làm một biểu tượng.

Ðó là mức độ chỉ trích giới truyền thông mà ông Kadri Gursel, một nhà bỉnh bút chính trị của tờ báo Milliyet của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng đã có một tác động đáng kể đối với giới truyền thông.

“Nó giống như một cú điện giật đối với giới truyền thông chính mạch; Giới này đã tìm ra ý chí và lòng can đảm. Bởi vì họ đã đối diện với những người gọi là khách hàng, hay độc giả, hay khán giả. Trước khi xảy ra vụ Công viên Gezi, giới truyền thông đã tính tới một khán giả là chính Thủ tướng. Nay lần đầu tiên, chúng ta thấy các dấu hiệu khích lệ, nhưng tôi không thể lấy làm lạc quan một cách dứt khoát.”

Sự dè dặt của ông Gursel một phần là do sự kiện phần lớn giới truyền thông thuộc khu vực tư nhân của Thổ Nhĩ Kỳ thuộc quyền sở hữu của các tập đoàn doanh nghiệp lớn mà lợi ích vươn ra ngoài địa hạt báo chí. Ông tin rằng nhiều sở hữu chủ truyền thông lúc này sẵn sàng để cho các ký giả của họ được tự do hơn trong việc tường thuật. Nhưng ông Gursel cảnh báo rằng lập trường đó có thể thay đổi.

“Chính phủ lúc nào cũng có đủ công cụ để làm áp lực đối với các sở hữu chủ truyền thông, các cơ quan truyền thông. Ðe dọa đến lợi ích kinh tế của họ bởi vì những người này còn đầu tư vào các lãnh vực khác trong nền kinh tế…và việc thu lợi nhuận phụ thuộc vào các luật lệ và quyết định của chính phủ.”

Nhưng nhà khoa học chính trị Cengiz Aktar thuộc trường Ðại học Bahcesehir của Istanbul tin rằng giới truyền thông cổ truyền ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị mất uy tín quá nhiều về việc tường thuật vụ bạo động ở Công viên Gezi đến độ họ ngày càng trở thành vô hiệu đối với nhiều người, trong khi truyền thông xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn.

“Giới trẻ không quan tâm đến các phương tiện truyền thông; họ thông tin liên lạc qua Facebook, qua Twitter, và qua các phương tiện khác. Họ không coi TV, không đọc báo, vì thế mà các cơ quan truyền thông này là cổ hủ và hoàn toàn không còn hợp thời nữa và liệu họ có viết ra sự thực hay không, thì họ đã lỗi thời rồi.”

Cùng với việc lên án giới truyền thông chính mạch, Thủ tướng Erdogan cũng kịch liệt đả kích truyền thông xã hội, mô tả nó là một mối đe dọa xấu xa cho xã hội, và ông đã hứa sẽ có biện pháp. Với các cuộc biểu tình tiếp diễn tại nhiều thành phố, các quan sát viên cảnh báo rằng có nhiều phần chắc trận chiến sẽ tiếp tục, cả trên đường phố lẫn trong giới truyền thông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG