Thổ Nhĩ Kỳ dự định sẽ phóng thích 38.000 tù nhân còn chưa đầy hai năm nữa là mãn án tù. Loan báo này là một phần trong một sắc luật được công bố hôm 17/8, để dọn chỗ cho hàng ngàn người bị bắt giữ trong những tuần gần đây vì bị cáo buộc tham gia vào cuộc đảo chính bất thành.
Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag loan báo lệnh này trong một loạt những dòng tin đăng trên Twitter vào sáng hôm 17/8. Ông cảnh báo rằng những người được thả không phải là được ân xá mà là thả có điều kiện.
"Biện pháp này không phải là ân xá. Hình phạt sẽ được thi hành bên ngoài thông qua sự phóng thích có giám sát," ông Bozdag nói trên Twitter. "Tôi hy vọng rằng sự sắp xếp này có lợi cho tù nhân, người thân của họ, người dân của chúng ta và đất nước của chúng ta.''
Ngoài những tù nhân còn chưa đầy hai năm nữa là mãn án tù, những tù nhân đã thi hành hơn phân nửa bản án của họ sẽ hội đủ điều kiện để được thả trước thời hạn. Sắc luật này sẽ không áp dụng với những tù nhân bị giam giữ về cáo buộc giết người, khủng bố, bạo hành trong gia đình hoặc tấn công tình dục.
Vào ngày 15 tháng 7, ít nhất 270 người đã thiệt mạng trong cuộc đảo chính bất thành mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói là do giáo sĩ Hồi giáo Fetullah Gulen, người đang sinh sống ở Mỹ, chủ mưu và do hàng ngàn cảnh sát và nhân viên quân sự thực hiện. Sau cuộc đảo chính bất thành, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tình trạng khẩn cấp và bắt đầu lùng bắt những người bị buộc tội âm mưu đảo chính.
Tổng cộng hơn 35.000 người bao gồm những thẩm phán, học giả và nhà báo đã bị câu lưu để thẩm vấn, với hơn 17.000 người trong số này bị bắt giữ chính thức.
Ông Bozdag không nêu rõ bất kỳ lý do đặc biệt nào đằng sau quyết định này, nhưng hành động này có thể sẽ dọn chỗ trong những nhà tù Thổ Nhĩ Kỳ để giam giữ những người bị kết án trong cuộc đảo chính bất thành.
Ông Bozdag công bố một sắc luật thứ hai hôm 17/8, sẽ loại bỏ hơn 2.300 nhân viên khỏi lực lượng cảnh sát, cũng như 136 sĩ quan quân đội và 196 nhân viên chính phủ khỏi cơ quan công nghệ thông tin của nước này.
Nỗ lực trấn áp của chính phủ sau cuộc đảo chính bất thành đã khơi lên chỉ trích từ một số nước châu Âu và những tổ chức nhân quyền đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế.