Đường dẫn truy cập

Thổ Nhĩ Kỳ không đảo ngược quyết định mua vũ khí Nga, bất chấp cấm vận Mỹ


Phi cơ vận tải Nga chở các bộ phận của các hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 của Nga tại phi trường quân sự Murted bên ngoài Ankara, Thô Nhĩ Kỳ, ngày 27/8/2019. (Turkish Defence Ministry via AP, Pool)
Phi cơ vận tải Nga chở các bộ phận của các hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 của Nga tại phi trường quân sự Murted bên ngoài Ankara, Thô Nhĩ Kỳ, ngày 27/8/2019. (Turkish Defence Ministry via AP, Pool)

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không đảo ngược quyết định mua các hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 của Nga, và sẽ trả đũa bằng các hành động tương đương, sau khi đánh giá các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này mua vũ khí của Nga, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu khẳng định hôm 17/12.

Hôm thứ Hai 14/12, Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Ban Giám đốc Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB), gồm Giám đốc SSB Ismail Demir, và ba nhân viên khác vì đã mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nước thành viên NATO.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 16/12 nói các biện pháp cấm vận là một "cuộc tấn công thù nghịch" chống lại công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, ông nói và chắc chắn sẽ thất bại.

Ông Cavusoglu cho biết phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được định hình bởi một cuộc tái thẩm định mà khu vực quốc phòng cùng với Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao đang tiến hành để xem xét tác động của các biện pháp trừng phạt.

“Chắc chắn chúng tôi sẽ đề ra các bước hành động phù hợp với kết quả cuộc thẩm định”, ông nói với đài truyền hình Kanal 24. “Các biện pháp cấm vận có khắc nghiệt hay không, không quan trọng, mà tự nó, các biện pháp trừng phạt là điều sai trái”, ông nói.

“Xét nội dung của các biện pháp trừng phạt, đây không phải là những biện pháp có thể lay chuyển chúng ta đến cốt lõi hoặc tác động nhiều đến chúng ta”.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này mua hệ thống S-400 của Nga vì không thể thủ đắc các hệ thống phòng thủ của một đồng minh NATO với các điều kiện thỏa đáng.

Hoa Kỳ nói rằng S-400 là mối đe dọa đối với máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ và các hệ thống phòng thủ rộng lớn hơn của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ quan tâm này và nói rằng S-400 sẽ không được tích hợp vào NATO.

Phát biểu với hãng thông tấn nhà nước Anadolu, Chủ tịch SSB Ismail Demir cố tình giảm thiểu tác động của các biện pháp cấm vận, nói rằng chúng không ảnh hưởng đến các hợp đồng hiện có và chỉ áp dụng cho một số công ty Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ tung ra các biện pháp trừng phạt vào thời điểm nhạy cảm trong mối quan hệ căng thẳng giữa Ankara và Washington, khi mà Tổng thống đắc cử Joe Biden, người thuộc đảng Dân chủ, đang chuẩn bị lên nhậm chức vào ngày 20/1/2021, thay thế Tổng thống đương nhiệm Donald Trump của đảng Cộng hòa.

Trả lời câu hỏi liệu mối quan hệ có thể bình thường hóa dưới quyền ông Biden hay không, ông Cavusoglu nói Washington phải xét tới lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ, đó là phản đối sự hậu thuẫn mà Mỹ dành cho các chiến binh người Kurd ở Syria, và yêu cầu của Ankara đòi dẫn độ một giáo sĩ ở Hoa Kỳ bị Ankara cáo buộc là đã tổ chức một âm mưu đảo chính năm 2016.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG