Các vị bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cho biết họ đang tiến gần tới chỗ hàn gắn những mối quan hệ đã bị sứt mẻ nghiêm trọng sau khi 9 nhân vật tranh đấu người Thổ Nhĩ Kỳ bị giết chết năm 2010 trong lúc tìm cách phá vỡ lệnh phong toả của Israel đối với Dải Gaza. Từ Istanbul, thông tín viên Dorian Jones của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Tin tức từ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong cuộc thương thuyết mới nhất để cải thiện quan hệ với Israel, các nhà ngoại giao của hai nước sẽ họp với nhau trong tháng này.
Tuần trước, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus loan báo rằng đôi bên sắp đạt được một thoả thuận.
Ông Semih Idiz, một nhà bình luận chính trị của tờ Cumhuriyet ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết nỗ lực hoà giải đang có được một đà tiến chính trị rất mạnh nhờ sự hậu thuẫn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
"Trước nhất, ông Erdogan đã tuyên bố ‘Bất kể là thích hay không thích, chúng ta phải có được thoả thuận này.’ Sau đó, nhiều vị bộ trưởng cũng nói rằng việc này sắp xảy ra, sẽ xảy ra trong nay mai. Tôi nghĩ rằng điều này sắp xảy ra. Tôi nghĩ rằng có lẽ họ đang đúc kết các chi tiết.
Israel đã thỏa mãn một đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ là xin lỗi về việc giết chết 9 hvat tranh đấu người Thổ Nhĩ Kỳ trên chiếc tàu tìm cách phá vở lệnh phong toả kinh tế của Israel đối với Dải Gaza. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đôi bên cũng đạt được thoả thuận về khoản tiền mà Israel sẽ phải bồi thường cho gia đình của những người bị giết.
Nhà bình luận Idiz cho biết đôi bên sắp đạt được thoả hiệp về vấn đề liên quan tới lệnh phong toả.
"Tôi nghĩ rằng đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề phong toả Dải Gaza sẽ được khắc phục bằng cách là lệnh phong toả không cần phải dỡ bỏ, nhưng các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ và các tổ chức cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tiếp cận Dải Gaza và vấn đề đó sẽ được giải quyết qua một cách thức như vậy."
Những nỗ lực làm hoà diễn ra trong lúc những mối bất đồng sâu sắc về mặt chính trị vẫn tồn tại giữa các nhà lãnh đạo của hai nước.
Các nhà quan sát nói cả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lẫn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều không tìm cách giấu giếm một sự thật là họ không ưa nhau.
Ông Cengiz Aktar, giáo sư chính trị học của Đại học Suleyman Sah ở Istanbul, cho rằng tinh thần thực tế đang thúc đẩy nỗ lực này trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đều bị cô lập trong khu vực.
"Thoả thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel là thoả thuận giữa hai nước cô đơn nhất ở Trung Đông. Đây là ví dụ điển hình của sự hội tụ lợi ích, và nó không có nghĩa là Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã đột nhiên cảm thấy ưa thích nhau. Không hề có chuyện như vậy."
Tuy nhiên, sự ngờ vực nhau có thể gây phương hại cho những nỗ lực hoà giải. Truyền thông Tây phương cho biết Israel đang đòi Ankara trục xuất những nhân vật cấp cao của phe Hamas để đổi lấy những sự nhượng bộ về vấn đề Dải Gaza.
Ông Atilla Yesilada, một nhà tư vấn chính trị của Công ty Global Source Partners, cho biết cuộc thương thuyết đã trở nên phức tạp hơn vì ông Avignor Lieberman, một người thường chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ, mới đây được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng Israel.
"Tôi cảm thấy bi quan vì Hamas vẫn còn ở Thổ Nhĩ Kỳ, và theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, việc bổ nhiệm ông Lieberman, một người bài xích Thổ Nhĩ Kỳ, làm bộ trưởng quốc phòng đã làm cho mọi việc trở nên khó khăn hơn. Nỗ lực hoà giải này đã được đặt vào chương trình nghị sự từ đầu năm nay. Và mỗi lần, khi được hỏi chừng nào sẽ có thoả thuận, lần nào giới hữu trách cũng đều trả lời là ‘tại cuộc họp sắp tới’, nhưng cuộc họp đó đã không diễn ra."
Nhiều người cho rằng tăng cường quan hệ kinh tế có thể là một lực đẩy khá mạnh cho mục tiêu hoà giải, vì Thổ Nhĩ Kỳ được xem là một thị trường lý tưởng cho trữ lượng khí đốt mà Israel tìm ra hồi gần đây.
Các nhà quan sát nói mối quan tâm chung về ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực cũng là một sức mạnh khá lớn để đẩy Israel và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau.