Đường dẫn truy cập

Thổ Nhĩ Kỳ bịt miệng truyền thông?


Tư liệu- Những người biểu tình hô khẩu hiệu trong một cuộc tuần hành chống lại việc bắt giữ ba nhà hoạt động nổi bật cho tự do báo chí tại trung tâm Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 21 tháng 6, 2016.
Tư liệu- Những người biểu tình hô khẩu hiệu trong một cuộc tuần hành chống lại việc bắt giữ ba nhà hoạt động nổi bật cho tự do báo chí tại trung tâm Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 21 tháng 6, 2016.

Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh đóng cửa 20 đài truyền hình và đài phát thanh, trong đó có một đài phát sóng những chương trình dành cho trẻ em, về cáo buộc "tuyên truyền khủng bố." Diễn biến này càng khơi lên nỗi lo sợ rằng tình trạng khẩn cấp đang được sử dụng để bóp nghẹt giới truyền thông.

Tổng thống Tayyip Erdogan nói rằng ông muốn tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng, được áp đặt sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng bảy, sẽ kéo dài qua tháng 10 để chính quyền có thể diệt trừ mối đe dọa của một phong trào tôn giáo bị quy trách về âm mưu đảo chính, cũng như những phần tử chủ chiến người Kurd đã phát động một cuộc nổi dậy suốt 32 năm qua.

Hamza Aktan, biên tập viên tin tức tại đài truyền hình IMC nói với hãng tin Reuters rằng vụ đóng cửa này không liên quan gì tới cuộc đảo chính, mà là một nỗ lực nhằm bịt miệng những cơ quan truyền thông độc lập cuối cùng đưa tin về vấn đề người Kurd và những vi phạm của nhà nước.

Trong số 12 kênh truyền hình bị đóng cửa có kênh truyền hình Govend phát nhạc dân gian, và kênh truyền hình Zarok chiếu phim hoạt hình trẻ em bằng tiếng Kurdish. Quyết định này cũng đóng cửa 11 đài phát thanh bị cho là gây tổn hại đến an ninh quốc gia, theo lời ông Aktan.

Một quan chức của Hội đồng tối cao Phát thanh và Truyền hình, là cơ quan giám sát của nhà nước, xác nhận 20 đài đã bị đóng cửa.

Ông Erdogan lập luận tình trạng khẩn cấp đang giúp chính quyền nhanh chóng nhổ tận gốc những người ủng hộ cuộc nổi dậy của quân đội bằng cách qua mặt quốc hội để ban hành luật, và tạm ngưng thực thi một số quyền căn bản.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG