Trân Văn
Miền Trung Việt Nam lại lũ, lại lụt, lại sạt lở. Lương dân lại chết. Hàng triệu người lại phải sống cảnh màn trời, chiếu đất, nhiều gia đình lại trắng tay. Trên mạng xã hội, người Việt lại nhắn nhau chung tay giúp đỡ đồng bào… Thiên tai vốn là điều không thể tránh nhưng chẳng lẽ ở đâu tại Việt Nam cũng vậy và năm nào cũng thế. Thậm chí hậu quả của thiên tai năm sau luôn có khuynh hướng thảm khốc hơn năm trước.
***
Mỗi lần lũ, lụt nói chung và lũ, lụt tại miền Trung nói riêng, người Việt lại nghĩ, lại nhắc tới thủy điện. Mai Quốc Ấn – một phóng viên chuyên viết về môi trường - tâm tình: Đã làm thủy điện thì phải phá rừng, chỉ khác là ít hay nhiều. Phá rừng làm lũ tăng nhanh, khó lường hơn nên tài sản, sinh mệnh nhân dân cũng bấp bênh hơn. Lãnh đạo ngành điện luôn khẳng định xả lũ đúng quy trình nhưng năm nào cũng có người chết, có thiệt hại tài sản thì chỉ có thể suy luận: Quy trình không đúng.
Ấn nhận định: Làm sao có thể gọi là đúng quy trình khi thực tế tang thương như vậy? Chỉ một bộ phận nhỏ đầu tư vào thuỷ điện giàu có còn số phận nhân dân thì như những cánh rừng sau khi làm thuỷ điện, là tiếng gào thét tuyệt vọng tìm người thân sau mỗi trận lũ?.. Dẫn lại một ý của ông Nguyễn Văn Phụng (Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế) về chuyện “ăn mất phần con cháu”, Ấn than: Trong cuộc “ăn” ấy, đại đa số nhân dân không được phép dự phần nhưng hậu quả thì tất cả chúng ta đều gánh chịu và không thể vô can. Nếu ai cũng vô cảm, cũng im lặng, cũng thoả hiệp với thứ hiện thực tàn khốc thì nghĩ về tương lai hẳn chỉ có những chuyện đau lòng (1)...
Trương Châu Hữu Danh – một nhà báo khác – cũng nghĩ như thế về thủy điện: Hình ảnh người chồng, người cha ở Thừa Thiên Huế gào thét, vái lạy thủy thần trả lại vợ và đứa con chưa kịp chào đời cho thấy hậu họa sau khi tàn phá thiên nhiên đau thương thế nào. Bất chấp địa hình hẹp, dốc, lượng nước đổ về dồn dập, các thủy điện vẫn đồng loạt xả lũ khiến hạ du không kịp trở tay. Vì sao lượng nước đổ về dồn dập? Đó là do tình trạng xây dựng thủy điện tràn lan, bạt núi làm dự án và phá rừng, là ẩu tả trong chuyển đổi rừng sang các mục đích khác…
Nêu lại một thắc mắc khác vốn của nhiều người: Vì sao các tỉnh thành miền Trung đều giáp biển nhưng thoát lũ lại rất chậm? Danh tiếp tục trả lời: Là do sông ngòi bị san lấp, thu hẹp, đường thoát nước tự nhiên bị “chắn” bởi hàng loạt resort, khách sạn sừng sững ven biển! Những hô hào về kiểm soát thủy điện, bảo vệ rừng, thắt chặt quy hoạch đô thị,… cứ đến hẹn lại lên, còn lũ lụt miền Trung vẫn bất ngờ, điên cuồng và rút đi rất chậm sau khi gây tang tóc (2).
Trần Vương Thuấn – đồng nghiệp của Ấn, Danh – bình luận về những những bộ đồ gỗ cầu kỳ kèm câu hỏi: Có bộ đồ gỗ khủng nào được hợp thức hóa từ gỗ phá rừng đầu nguồn góp tay vào chuyến đi định mệnh của sản phụ bị nước cuốn, chết cả mẹ lẫn con khi tìm đường đến bệnh viện do chuyển dạ? Có sự phát triển nóng, hợp tác lạnh, có lòng tham nhân danh cái đói, miếng ăn nào để phá sơn lâm, đâm hà bá, đào tróc núi, lấp cửa sông, ngăn dòng chảy,... đã đưa bàn tay đen mà bịt chặt tiếng trẻ khóc chào đời? Và, câu trả lời dành cho tất cả chúng ta. Lại thêm cái chết mà tôi và bạn có dự phần... Mong những đứa trẻ hôm nay khi lớn lên sẽ biết, thành công không phải là tuyệt diệt mọi thứ để kiếm lợi nhuận cho riêng mình, mỗi việc mình làm, mỗi thứ mình dùng đều chứa muôn vạn người khác bên trong, có khi chứa cả sinh mạng những hài nhi chưa kịp khóc (3)!
Giống như những năm gần đây, song hành với lũ lụt là sạt lở và hai vụ sạt lở xảy ra liên tục trong hai ngày đầu tuần này ở lưu vực Rào Trăng (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã lấy mạng của 30 người, bao gồm cả thường dân lẫn viên chức nhiều cấp, ngành. Hai vụ sạt lở ở lưu vực Rào Trăng là thảm họa đã được cảnh báo từ lâu khi giới hữu trách ở cả trung ương lẫn địa phương cho phép xây dựng tại đó tới bốn công trình thủy điện dạng bậc thang.
Giống như nhiều người, Nguyễn Đình Bổn than: Phá 200 héc ta rừng ở vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên để làm thủy điện sinh lời bao nhiêu? Cho đến hôm nay, về dân sự, riêng tại Huế đã có ít nhất 9 người chết, trong đó có thai phụ sắp sinh, nhiều người bị thương, gần 85.000 ngôi nhà bị ngập, hàng ngàn héc ta lúa, hoa màu bị phá hủy. Chưa kể 30 người là sĩ quan quân đội, cán bộ, công nhân thủy điện... chết, mất tích. Cái giá phải trả cho sự tàn phá thiên nhiên là quá đắt, nhưng chắc họ sẽ không chùn tay (4)...
***
Bên cạnh sự phẫn nộ vì những đau thương, mất mát do phá rừng, lấp sông, nhân danh phát triển để phê duyệt, cho phép xây dựng hàng loạt công trình thủy điện, khu du lịch, khu đô thị mới khiến mức độ thảm khốc của thiên tai không ngừng gia tăng, nhiều thường dân phát giác chỉ có họ mới nghĩ về nhau và tính đến chuyện cứu nhau, còn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thì chỉ bận tâm đến việc làm sao cho đại hội đảng cấp tỉnh, thành phố… rực rỡ cờ, hoa.
Giới thiệu lại tấm ảnh chụp “sân khấu” Đại hội đảng ở tỉnh Vĩnh Phúc, Nguyễn Thông kể rằng hàng xóm của ông phát cáu và bảo rằng: Phải lôi cổ, bắn ngay đứa thiết kế và đứa duyệt, không cho cãi như hồi cải cách ruộng đất. Giờ này mà kiểu “sân khấu” rẻ tiền về hình thức, cổ hủ về nội dung, hết sức tốn kém về tiền bạc như thế vẫn xuất hiện khắp mọi nơi, từ cấp cơ sở tới cấp trung ương có cả vạn “sân khấu” như vậy… Trách cơ sở một thì trách trung ương mười. Ngay cả ông Vương Đình Huệ còn thay mặt Bộ Chính trị đem thêm hoa về khiến nó càng sặc sỡ như cái chăn con công của Tàu (5)...
Sự mâu thuẫn giữa tang thương do thiên tai và đảng vẫn thản nhiên tổ chức các đại hội khiến Nguyễn Tiến Tường đề nghị tổ chức đảng ở các tỉnh, thành còn lại khi tổ chức đại hội đảng: Nên dành một phút mặc niệm cho nạn nhân lũ lụt. Rồi đặt một thùng ủng hộ, được bao nhiêu chứng tỏ chân thành bấy nhiêu. Được thì nói với dân đôi lời, có mất chi mà kiệm lời dữ vậy? Đang nước sôi lửa bỏng, bớt hoa hòe loè loẹt lại. Dân ngoài mưa bão, mình trong tháp ngà như vậy coi sao đặng? Đại biểu từ trung ương xuống, mang tiếng lây vì cơ sở. Phải tui, tui quạt cho nhào hồn hết. Dân đang cần giấy, lại mang giấy vẽ voi (6)!
Đỗ Cao Cường gọi sự mâu thuẫn giữa tang thương và đại hội là: Hoa và máu! Cường nhau định: Sau những bộ vest, bó hoa loè loẹt trên sân khấu là mồ hôi, máu và nước mắt của nhân dân. Năm nào cũng vậy, điệp khúc lũ - chết - từ thiện tự phát giữa những phận người bé nhỏ với nhau... cứ lặp đi lặp lại như thể vẫn còn đang trong thời kỳ ăn lông ở lỗ, loài người còn chưa biết đến khoa học kỹ thuật, chưa phát minh ra các công trình phòng và chống lũ, chưa biết đến đồng loại, đồng chí, đồng bào… Và nhắn rằng: Người dân và các chú lính chì (những quân nhân đang tham gia cứu nạn) không cần tới những tượng đài rỗng tuếch, những lời khen vô bổ.Cái họ cần là một chương trình hành động đúng nghĩa, một cuộc sống bình an, một sự công bằng, minh bạch, cần được tôn trọng giữa người với người (7).
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=138840991292721&id=103514838158670
(2) https://www.facebook.com/huudanh.truong.5/posts/3084519111648475
(3) https://www.facebook.com/thuan.tranvuong/posts/10157643521126439
(4) https://www.facebook.com/dinhbon.nguyendinhbon/posts/3657035247684100
(5) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=810418976458830&id=100024722048900
(6) https://www.facebook.com/nguyentuong.tuongnguyen.5/posts/3461679673950384
(7) https://www.facebook.com/docaocuonglieu/posts/3509718262428502