Cộng đồng người Việt khắp nơi ở Mỹ đang chuẩn bị chào đón Tết nguyên đán với những hoạt động có quy mô lớn hơn và tưng bừng hơn hai năm trước trong bối cảnh những lo ngại về đại dịch COVID-19 đã giảm đi nhiều. Nhưng niềm vui năm mới có phần bị lu mờ bởi những thiệt hại mà một số người hứng chịu do thiên tai xảy ra dồn dập trong những tháng cuối năm từ Bờ Đông sang Bờ Tây.
Trong năm qua ở Mỹ có 18 hiện tượng khí hậu khắc nghiệt được ghi nhận với thiệt hại tổng cộng là 165 tỉ đôla, theo tính toán mà các nhà khoa học của chính phủ liên bang công bố hôm thứ Ba.
Dù năm 2022 không phải là năm nóng kỉ lục đối với Mỹ, đây là năm có số lượng những hiện tượng khí hậu khắc nghiệt nhiều thứ ba, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia cho biết trong một báo cáo được công bố tại hội nghị của Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ.
Những thiên tai này dẫn tới ít nhất 474 trường hợp tử vong.
Trận cuồng phong Ian quét qua vùng đông nam của Mỹ vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 là cơn bão gây tổn thất nặng nề thứ ba từng được ghi nhận, với tổng thiệt hại là 112,9 tỉ đôla. Nó cũng là cơn bão gây chết chóc nhất từng ập vào bang Florida kể từ trận cuồng phong xảy ra vào Ngày Lễ Lao Động hồi năm 1935.
Ông Jimmy Bùi, chủ Vườn Trái Cây La Vang được nhiều người biết tới ở Florida, cho biết kể từ khi bão Ian quét qua thì vườn đóng cửa không đón khách tham quan nữa vì “không còn bất cứ trái nào trên cây.”
“Ảnh hưởng cũng nhiều lắm. Cây ngã xuống khoảng 80 phần trăm, gãy chết thì 20 phần trăm. Bây giờ sống lại khoảng 70 phần trăm. Nó ngã thì mình đỡ lên lại, chống trụ, cột lại xong rồi vun đất, tại khi nó ngã xuống thì cái rễ đưa lên rồi,” ông nói về những cây xoài, sapôchê, nhãn, và mãng cầu na trồng trong khu vườn rộng khoảng 12 hectare của mình trên một hòn đảo ở phía tây nam bang Florida.
“Thiệt hại cũng khá nhiều đó, mất đi khoảng trên 100.000 đôla.”
Ông cho biết cây trong vườn của ông ra trái quanh năm và vườn luôn mở cửa cho khách vào hái, nhưng trận bão dữ dội đã gây gián đoạn nghiêm trọng cho công việc kinh doanh của ông vì cây cối bị hư hại nặng nề. Mùa tết là dịp mà nhu cầu trái cây tăng cao nhưng năm nay ông không còn gì để bán và buộc phải đợi sang mùa thu hoạch kế tiếp trong mấy tháng nữa.
“Thậm chí mọi lần cóc ăn không hết, sapôchê cũng nhiều lắm, nhưng mà bây giờ kiếm một trái cóc để ăn còn chưa có. Đâu có trái cây gì đâu để bán, phải chịu thôi. Mà phải trả tiền công nhân. Khổ vậy đó,” ông chua chát nói.
“Ước nguyện cho năm mới, mình mong rằng cây sớm được phục hồi. Đó là đam mê của mình, mình rất thích nhìn cây được tươi tốt trở lại, ra hoa ra trái, đó là niềm vui của mình,” ông chủ vườn cây 10 năm này chia sẻ.
Trong khi đó tại California, những cơn bão từ Thái Bình Dương ập vào từ cuối tháng 12 đã mang theo mưa ào ạt góp phần làm dịu bớt cơn hạn hán kéo dài ở bang đông dân nhất của Mỹ nằm ở Bờ Tây, nhưng cũng gây ra lũ lụt và mất điện. Ở một số nơi ở Bắc California, xe cộ ngập dưới nưới, cây bị bật gốc và mái nhà bị thổi bay. Tới nay đã ghi nhận được ít nhất 18 trường hợp tử vong, theo AP.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia của Mỹ ngày thứ Sáu cho biết thời tiết giông bão sẽ kéo dài qua hết cuối tuần này và sang cả tuần sau.
Tại khu trung tâm thương mại Phước Lộc Thọ ở thành phố Westminster thuộc miền nam California, bà Châu Diệp, chủ một quầy ngoài trời bán những mặt hàng trang trí ngày Tết nhận thấy số lượng khách đến mua sụt giảm rõ rệt năm nay vì mưa bão.
Bà nói mọi năm những tuần giáp tết là khoảng thời gian làm ăn khấm khá nhất vì nhu cầu mua sắm tăng cao ở khu vực mà cộng đồng người Việt tập trung đông đảo nhất ở Mỹ. Khí hậu thường khô ráo của California càng giúp cho việc mua bán thuận lợi hơn, nhưng đợt mưa bão đầu năm nay khiến một số nơi bị ngập lụt và phần nào cản trở những hoạt động mua sắm.
“Tụi tôi chuyên bán Tết mười mấy năm rồi nên có số lượng khách riêng, bão hay không bão thì họ cũng tới, nhưng số người tiêu thụ mua lẻ thì bị ảnh hưởng nhiều hơn. Còn những khách mà họ cần số lượng lớn thì chỉ có tụi tôi mới có liền cho họ thôi, cái đó thì không bị ảnh hưởng,” bà nói.
“Mình thấy tội cho những người năm đầu tiên ra bán mà bị bão như vậy. Một cái tiệm nhỏ như vậy tiền thuê cũng mắc, mà nếu tình hình như vậy thì chắc chắn họ lỗ.”
Các hoạt động đón Tết không chỉ được tổ chức xôm tụ ở những nơi đông người Việt như ở California mà còn ở những nơi mà cộng đồng thưa hơn, chẳng hạn như ở khu vực thành phố Buffalo sát biên giới Canada.
Một trận bão mùa đông trước Giáng sinh đã ập xuống thành phố đông dân thứ hai của bang New York ở Bờ Đông khiến giao thông tê liệt và nhiều người bị mắc kẹt trong tuyết dày, dẫn đến cái chết của ít nhất 44 người.
Một số cư dân gốc Việt sinh sống lâu năm ở khu vực Buffalo nói họ không nghe nói có trường hợp tử vong nào là người Việt, dù lưu ý rằng có những trường hợp được giải cứu vì mắc kẹt trên đường hoặc nhà cửa hư hại.
Một người chủ gốc Việt của một cửa hàng tạp hóa bên trong Buffalo chia sẻ với VOA những hình ảnh cơ sở kinh doanh của gia đình ông bị đập phá hôi của trong bão tuyết. Vụ việc buộc cửa hàng phải đóng cửa vài tuần và giờ đã mở trở lại. Ông từ chối tiết lộ thêm chi tiết vì muốn tránh sự chú ý và vì vụ việc hiện đang được cảnh sát điều tra.
Dù vậy, cộng đồng người Việt ở khu vực Buffalo sẽ đến với nhau để đón mừng Tết Quý Mão vào Chủ nhật tuần sau trong sự kiện tụ tập năm mới đầu tiên của cộng đồng sau hơn hai năm đình chỉ do đại dịch, Mạnh Lê, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Buffalo và Vùng Phụ cận, cho biết. Chương trình bao gồm cúng ông bà tổ tiên, đốt pháo, múa lân, lì xì, ẩm thực và dạ vũ.
Tết nguyên đán là một trong những dịp lễ không chính thức lớn nhất của người gốc Á ở Mỹ. Các hoạt động đón mừng năm mới âm lịch diễn ra đặc biệt tưng bừng trong các cộng đồng có đông sắc dân người Hoa, người Hàn Quốc, người Nhật Bản và người Việt Nam.
Một cuộc khảo sát người Mỹ gốc Á của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm 2012 cho thấy tới 93% người Mỹ gốc Việt đón mừng dịp lễ này, cao nhất trong bốn nhóm sắc dân nêu trên.
Diễn đàn