Lo lắng đang tăng về tình trạng sức khỏe của Quốc vương được sùng kính Bhumipol Adulyadej của Thái Lan ảnh hưởng đến thị trường tài chánh của nước này và niềm tin của các nhà đầu tư. Các nhà phân tích nói rằng những lo lắng đó làm tăng yếu tố ảnh hưởng đến viễn cảnh kinh tế Thái Lan.
Chỉ số đầu tư chính của thị trường chứng khoán Thái Lan tiếp tục dao động hôm thứ Ba: tăng vào đầu phiên, nhưng giảm trước giờ đóng cửa, tiếp theo sau một ngày rớt giá hôm trước.
Đồng baht của Thái cũng mất giá trên thị trường ngoại hối, sau khi Văn phòng Hoàng gia Thái Lan hôm Chủ nhật cho biết các bác sĩ điều trị cho Quốc vương Thái Lan đã phải dùng máy thở do huyết áp của nhà vua tuột xuống khi chuẩn bị lọc máu và thay ống rút dịch tủy sống.
Những lo ngại về bệnh tình của nhà vua 88 tuổi khiến kinh tế Thái Lan càng dao động hơn nữa giữa lúc công chúng bất đồng về ai sẽ là người lên nối ngôi. Con trai của Quốc vương Bhumipol, Thái tử Maha Vajralongkorn, về mặt chính thức là người kế vị. Nhưng các nhà phân tích nói rằng Thái tử Maha Vajralongkorn thiếu uy tín đạo đức mà vua cha đã gầy dựng trong suốt 70 năm trị vì.
Các nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu Capital Economics nói trong một báo cáo rằng những lo ngại về tình trạng sức khỏe của Quốc vương Bhumibol “đặt nền kinh tế của Thái Lan vào tình trạng rủi ro.”
Thiếu ổn định
Các nhà phân tích nói: “Tình trạng sức khoẻ suy sụp của Quốc vương Thái Lan tăng thêm một yếu tố bất ổn nữa cho nền kinh tế vốn đã trong tình trạng bấp bênh của Thái Lan.”
Thái Lan bị đặt dưới quyền cai trị của chế độ quân sự từ tháng 5 năm 2014 tiếp theo sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, chấm dứt mâu thuẫn chính trị kéo dài nhiều tháng trước đó. Nhưng các nhà phân tích nói rằng từ đó các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đứng ngoài cuộc để chờ cho đến khi thấy được một viễn cảnh kinh tế rõ ràng hơn ở nước này.
Viện Capital Economics nói rằng những khó khăn chính trị trong thập niên qua ở Thái Lan đã “phương hại tới các định chế quốc gia, làm giảm khả năng cạnh tranh và ảnh hưởng tới đầu tư.”
Báo cáo của viện nghiên cứu này nói thêm rằng những thay đổi liên tục trong chính phủ cũng làm giảm tiến độ của các dự án hạ tầng cơ sở khi các nhà đầu tư tư nhân không muốn cam kết vốn đầu tư “vào một môi trường đầu tư bất định.”
Tăng trưởng đầu tư đạt mức trung bình 3% trong suốt thập niên qua, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế chính khác ở Ðông Nam Á. Viện Capital Economics nhận định thiếu đầu tư sẽ tác động tới sản lượng kinh tế của Thái Lan trong tương lai.
Viễn ảnh lẫn lộn
Nhưng một số nhà phân tích khác nói với VOA rằng một số nhà đầu tư vẫn lạc quan về nền kinh tế Thái Lan, họ nhận định rằng bất cứ ảnh hưởng nào liên quan tới tiến trình kế thừa ngai vàng tại Thái Lan cũng chỉ có tính cách tức thời.
Ông Vikas Kawatra, một nhà phân tích kỳ cựu của công ty chứng khoán SCB Securities, vẫn lạc quan về viễn cảnh trung hạn của Thái Lan, bất chấp những bất ổn ban đầu.
Ông Kawatra nói: “Chúng tôi sẽ không bị rơi vào suy thoái trở lại vì sự ngai vàng đổi chủ. Theo tôi điều đó sẽ không xảy ra. Và chế độ cai trị quân sự hiện nay đã chuẩn bị cho một kế hoạch thay thế theo đó, họ đã từng bước giải quyết nhiều hợp đồng, và phát hành những hợp đồng mới để thay thế.”
Ông Supavud Saicheua, Tổng giám đốc của công ty chứng khoán Phatra Securities, miêu tả viễn cảnh kinh tế của Thái Lan là “lẫn lộn”.
Ông Saicheua nói: “Có một số yếu tố có thể thúc đẩy tăng trưởng đôi chút, đang có hy vọng xuất khẩu sẽ tăng. Ngoài yếu tố đó ra, thì có quá nhiều rủi ro ở phía trước. Chúng ta thấy đầu tư tư nhân không thực sự khởi sắc, bất chấp việc chính phủ cố xây dựng niềm tin nơi công chúng.”
Về tăng trưởng kinh tế, ông Saicheua nói GDP của Thái Lan đang trượt về mức 3%.
Ông Supavud nói rằng yếu tố then chốt nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài và những sự đánh giá của họ về những thay đổi chính trị sẽ diễn ra ở Thái Lan. Ông nói: “Điều đó đã được phản ảnh qua sự kiện đầu tư tư nhân trên cơ bản đã chững lại, và tôi nghĩ điều đó nói lên rằng chúng ta cần phải chờ xem.”