Các thị trường tài chính thế giới rớt giá mạnh sang ngày thứ tư liên tiếp, tình đến ngày 6/2, khiến 4 ngàn tỉ đôla tan biến trên thị trường mà mới cách đó 8 ngày đã lập giá trị kỷ lục.
Các thị trường chính của châu Âu hôm 6/2 giảm khoảng 2%, khiến các nhà đầu tư phải chuyển vốn sang những chọn lựa truyền thống và an toàn như vàng và một trong những chứng khoán đã gây ra tình trạng bán tháo này, đó là trái phiếu chính phủ.
Các hợp đồng kỳ hạn của Phố Wall có được một ít hy vọng khi giá tăng được đôi chút ở châu Âu, nhưng thị trường thương phẩm vẫn mù mịt, với giá dầu, giá kim loại tiếp tục giảm sau những tín hiệu hồi đầu năm là giá sẽ nhanh chóng tăng cao.
Các kinh tế gia ở Ngân hàng Robobank nói rằng thời kỳ thị trường tăng liên tục đã chấm dứt, “thị trường biến động nhắc các nhà đầu tư một kinh nghiệm đắt giá là con đường một chiều tăng mà thôi không hiện hữu.”
Việc bán tháo chứng khoán được một số nhà phân tích xem là một cách điều chỉnh giá trị trường lành mạnh sau một năm giá tăng quá nhanh ở châu Á và châu Âu.
Chỉ số Dow Jones và S&P 500 của Wall Street giảm 4,6% và 4,1% trong ngày 5/2. Đây là vụ rớt giá lớn nhất kể từ tháng 8 năm 2011. Đây còn là vụ mất điểm lớn nhất lịch sử của chỉ số Dow Jones.
Các thị trường châu Âu rớt giá khiến chỉ số STOXX 600 của châu lục này rơi xuống mức thấp nhất so trong 6 tháng qua.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản mất 4,7%, mức rớt giá nặng nhất kể từ tháng 11/2016.
Nguyên nhân ban đầu gây ra tình trạng bán tháo chứng khoán là lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng đột biến hồi cuối tuần trước sau khi các số liệu cho thấy mức lương ở Mỹ tăng với tốc độ cao nhất kể từ năm 2009. Đó là những dấu hiệu cảnh báo lạm phát sẽ tăng và lãi suất cũng sẽ tăng.