Sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh, báo chí Việt Nam hôm 3/11 đưa tin thêm một cựu lãnh đạo của Bộ Công thương “đi nước ngoài chữa bệnh” mà không được sự chấp thuận của Bộ này. Một chuyên gia của Việt Nam nhận xét việc các lãnh đạo Việt Nam trốn ra nước ngoài là một “hiện tượng” tương tự như ở Trung Quốc.
Bộ Công thương Việt Nam hôm 3/11 xác nhận ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVtex), thuộc Bộ Công thương, đã vắng mặt nhiều ngày tại cơ quan mà không có sự cho phép của lãnh đạo tập đoàn.
Tin từ tờ Lao Động cho hay ông Duy đã vắng mặt từ đầu tuần trước, tức khoảng ngày 24/10 và 2 ngày sau có gửi giấy phép xin nghỉ ốm. Đến ngày 31/10, ông Duy lại gửi giấy xin nghỉ và nói có thể phải đi nước ngoài chữa bệnh. Bộ Công thương nói chỉ mới biết tin ông Duy “đi nước ngoài chữa bệnh” vào ngày 2/11 và hiện chưa biết ông Duy đang ở nước nào.
Trả lời trên báo chí hôm 3/11, Bộ Công thương cho biết không chấp nhận đơn xin nghỉ để đi chữa bệnh của ông Duy và yêu cầu công ty chủ quản của PVtex là Vinachem phải xem xét, xử lý ông Duy theo quy định của nhà nước.
Tiếp theo vụ ông Trịnh Xuân Thanh, cũng là một cựu quan chức thuộc Bộ Công thương và nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, bỏ trốn với lý do “đi nước ngoài chữa bệnh” mà cho đến nay vẫn chưa xuất hiện, việc thêm một cựu lãnh đạo Việt Nam lại “đi nước ngoài chữa bệnh” khiến dư luận đặt câu hỏi liệu đây có phải là con đường dọn sẵn cho các lãnh đạo bị cáo buộc phạm tội.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, một chuyên gia về chính sách công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận xét với VOA rằng đây là một “hiện tượng” tương tự như ở Trung Quốc. Ông nói:
“Hiện tượng các quan chức sau khi vi phạm kỷ luật, thậm chí là những tội cố ý làm trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, hay tham nhũng, rồi trốn chạy, thì cái này tiền lệ rất rõ ở Trung Quốc rồi. Cho nên với cơ chế, thể chế tương đồng thì cách làm cũng gần tương tự nhưng nó ở quy mô nhỏ hơn và thấp hơn, thì dư luận cũng đang phán xét theo hướng đó. Nghĩa là trong một thời gian anh buông lỏng quản lý cán bộ, cho nên rất nhiều những người có chức có quyền đã chuẩn bị sẵn một hậu phương ở một nước nào đó, ý nói là tiền, cơ sở vật chất, thậm chí tài sản ở một nước nào đó. Sau đó mà có bị động thì họ chạy ra nước ngoài”.
Hôm 3/11, báo Dân Trí cũng dân một nguồn tin riêng cho biết Bộ Công thương đang tập hợp tư liệu để báo cáo cho cơ quan chức năng về việc một số cá nhân đã lợi dụng chuyến đi “xúc tiến thương mại” của Bộ này để trốn sang Đức. Chuyến đi được cho biết diễn ra từ ngày 17/11 đến ngày 23/11/2015.
Riêng đối với vụ bỏ trốn của ông Trịnh Xuân Thanh, việc các giới chức Việt Nam liên tục phát biểu về quyết tâm bắt bằng được ông Thanh qua lệnh truy nã, phối hợp quốc tế, và sau đó kêu gọi ông này ra đầu thú, khiến dư luận cho rằng Việt Nam “bị động” và lúng túng trong việc xử lý trường hợp này.
Trong khi đó, TS. Phạm Quý Thọ cho rằng dù để “lọt lưới” một số trường hợp, nhưng các lãnh đạo Việt Nam vẫn muốn gửi đi những thông điệp nhằm “răn đe” các quan chức đã, đang và có ý định trốn ra nước ngoài thông qua vụ ông Trịnh Xuân Thanh.
“Cũng có những người, trước cũng từng ở tập đoàn dầu khí này, cũng đã đi từ năm 2012 nhưng đến giờ này người ta vẫn chưa bắt được. Nhưng đáng chú ý là hôm nay (4/11), Thứ trưởng Bộ Nội vụ là ông Quý Vương có nói rằng dù thế nào đi chăng nữa thì người ta cũng bắt đưa về, bởi vì thời hạn truy cứu trách nhiệm là vô hạn đối với những tội nghiêm trọng. Thế thì có nghĩa là người ta cũng thấy rằng không chỉ những người đã trốn và bị bắt, những người đang trốn chưa bị bắt mà còn răn đe cả những người có nguy cơ ra nước ngoài như vậy”.
Một trong những vụ gây chú ý trước đây là cuộc “đào tẩu” của ông Dương Chí Dũng, cựu Cục trưởng Hàng hải, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Ông Dũng bị cáo buộc làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng trước khi lệnh truy nã của Bộ Công an Việt Nam được phát đi, ông Dũng đã được tổ chức để đi qua Mỹ thông qua ngả Campuchia. Tuy nhiên, ông này đã không xin được nhập cảnh vào Mỹ và đã bị bắt tại Campuchia.
Theo TS. Phạm Quý Thọ, việc ngày càng có nhiều quan chức Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài chắc chắn sẽ dẫn tới những thay đổi trong quy định pháp luật trong việc đối phó với các trường hợp này. Tuy nhiên, ông Thọ cho rằng, Việt Nam khó làm mạnh tay được như Trung Quốc.
“Nếu mà nó thành một cái phổ biến, có lẽ đến lúc nào đó trên bàn nghị sự của chính quyền, của pháp luật phải đặt vấn đề đó ra để ngăn chặn. Tuy nhiên, rất khó ở Việt Nam bởi vì cách làm, pháp luật cũng không xử lý mạnh mẽ như của Trung Quốc trong thời gian Tập Cận Bình nắm quyền. Hiện nay, trong lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng vừa mới tổ chức đại hội, mới củng cố xong, nên tôi nghĩ [Việt Nam] chưa thể làm mạnh đến mức độ như Trung Quốc được”.
Trường hợp của ông Vũ Đình Duy hiện cũng bị quy trách nhiệm trong những thất thoát, thua lỗ của PVtex. Ông Duy, 41 tuổi, từng giữ các chức vụ Phó Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công thương).
Ông Duy giữ chức Tổng Giám đốc PVtex từ tháng 7/2009 đến tháng 2/2014, sau đó ông bị giáng chức xuống làm Phó Tổng Giám đốc PVtex.
Báo cáo tổng kết năm 2015 của PVtex cho thấy công ty này đã thua lỗ 1.255 tỷ đồng.