Đường dẫn truy cập

Thêm hàng trăm người di trú đến Indonesia và Thái Lan


Gần 800 người di trú từ Miến Điện và Bangladesh đã được cứu khi tàu của họ bị chìm ở ngoài khơi bờ biển phía đông của tỉnh Aceh của Indonesia.
Gần 800 người di trú từ Miến Điện và Bangladesh đã được cứu khi tàu của họ bị chìm ở ngoài khơi bờ biển phía đông của tỉnh Aceh của Indonesia.

Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á hôm thứ Sáu lo lắng về đợt sóng hàng ngàn người di trú bằng đường biển tràn vào bờ và thêm hàng ngàn người khác đang trên đường đi, trong khi các giới chức Liên Hiệp Quốc thì phải dùng đến lời lẽ thẳng thắn để thúc ép các chính phủ phải đáp ứng một cách nhân đạo.

Thủ tướng tự phong Prayuth Chan-ocha tại Bangkok, đứng đầu tập đoàn quân sự cầm quyền ở Thái Lan nói: “Nếu thêm rất nhiều người nữa đến, thì sẽ gây ra một vấn đề,” Họ sẽ lấy mất công việc và kế sinh nhai của người Thái”.

Một giới chức hàng đầu của Malaysia nói những thuyền nhân nghèo khó không được chào đón, nhưng thủ tướng của nước này là ông Najib Razak, trong một tuyên bố nhẹ nhàng hơn, nói rằng ông “rất quan tâm đến hoàn cảnh của những người di trú trong khu vực của chúng ta” và cam kết “có những hành động cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo này”. Thông cáo gồm bốn câu của ông không đề cập đến các chi tiết.

Indonesia hôm thứ Sáu cho biết đã đuổi hai chiếc tàu đi. Các giới chức cho biết cũng vào hôm thứ Sáu, gần 800 người di trú từ Miến Điện và Bangladesh đã được cứu khi tàu của họ bị chìm ở ngoài khơi bờ biển phía đông của tỉnh Aceh của Indonesia.

Một giới chức cảnh sát tại cảng Langsa mô tả những người Rohingya đang “giết nhau, quăng người ra khỏi tàu” trong cố gắng một cách vô vọng để thoát khỏi chiếc tàu chở quá tải.

Các giới chức ở cảng Langsa cho biết ngư dân địa phương đã phát hiện ra chiếc tàu đang bị chìm và đưa những người di trú vào bờ, nơi họ tạm thời được giữ trong một nhà kho.

Một cuộc đổ bộ khác, với gần 100 người di trú đã lênh đênh ngoài biển gần ba tháng rưỡi, vừa diển ra ở Sumatra, miền đông Indonesia hôm thứ Sáu.

Trên đảo Surin của Thái, 106 người đã lên bờ tối thứ Năm và được đưa đến Phang Nga, nơi họ nhận được sự trợ giúp từ tổ chức Di Trú Quốc tế, là cơ quan đang bỏ ra một triệu đô-la để giúp các chính phủ trong khu vực cung cấp lương thực, nước và thuốc men cho những người họ tìm thấy.

“Tôi kinh sợ trước những báo cáo cho biết Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã đẩy các tàu đầy ắp người di cư ra biển lại, mà chắc chắn có thể dẫn đến nhiều cái chết có thể tránh được”, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền Zeid Ra’ad Al Hussein nói. “Nên tập trung vào việc cứu mạng sống, chứ không nên gây thêm nguy hiểm cho họ”.

Hạm trưởng Thammawat Malaisukarin, giám đốc các vấn đề dân sự của tư lệnh khu vực ba của Hải quân Hoàng gia Thái nói với đài VOA: “Chúng tôi không đẩy họ trở ra nhưng cho họ lương thực và nước uống, theo đúng các nghĩa vụ nhân đạo. Họ không muốn cập bến ở Thái Lan mà nhất mực đòi đến một nước thứ ba”.

Những người quan tâm đến tình cảnh của người thiểu số Rohingya, đang chạy trốn khỏi sự đàn áp ở Miến Điện, ủng hộ quan điểm đó.

“Tôi không nghĩ là họ hiểu bối cảnh quốc tế to lớn này”, ông Jeffrey Labovitz – Trưởng phái bộ ở Thái Lan của Tổ chức Di trú Quốc tế nói. “Họ biết họ muốn đến Malaysia và với những vật phẩm được cung ứng và việc giúp sửa chữa máy móc cho họ, họ thích đến Malaysia hơn, và đó là điều họ đã làm”.

Có hàng trăm người Rohingya, gồm cả phụ nữ và trẻ em, trên chiếc tàu được gọi là “tàu của Anwar” sau khi những tay buôn lậu bỏ rơi nó. Chiếc tàu đã quay trở lại hải phận Malaysia lần thứ hai vào hôm thứ Sáu.

Cuộc du hành chết người

Những người trên tàu cho biết 10 người đã chết trong chuyến đi từ Myanmar, hay Miến Điện, và xác của họ đã bị quăng xuống biển.

Bất kỳ người di trú nào cập bờ vào các bờ biển Thái Lan đều sẽ bị truy tố về tội nhập cảnh bất hợp pháp, Thiếu tướng quân đội Sansern KaewKamnerd, một phát ngôn viên của tập đoàn quân sự cho biết.

“Chúng tôi đưa ra cho hải quân một chính sách rõ ràng rằng những người định cập bờ ở Thái được toàn quyền làm như thế và chúng tôi sẽ cấp cho họ sự hỗ trợ nhân đạo”, vị tướng này nói với các nhà báo trong buổi họp báo hôm thứ Năm. “Nhưng chúng tôi sẽ đối xử với họ theo đúng các luật lệ của chúng tôi về tội nhập cảnh bất hợp pháp.”

Điều 22 của Công ước về Quyền trẻ em đặc biệt yêu cầu các chính phủ phải có các biện pháp để bảo đảm rằng một đứa trẻ đang tìm cách được hưởng quy chế tị nạn sẽ nhận được sự bảo vệ thích hợp và hỗ trợ nhân đạo.

Giám đốc khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của UNICEF, ông Daniel Toole nói: “Những đứa trẻ này cần, và có quyền, được bảo vệ và giúp đỡ khẩn cấp”.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon cảnh báo rằng “một số quốc gia có thể đang từ chối việc nhập cảnh của các con tàu chở người tị nạn và người di trú,” và nói thêm rằng ông kêu gọi các chính phủ “tạo điều kiện để cho cập bờ kịp thời và mở các biên giới và cảng để giúp cho những người yếu thế đang cần giúp đỡ”.

Trước khi diễn ra các vụ cập bến hôm thứ Sáu, Dự án Arakan, quan tâm đến hoàn cảnh của người Rohingya, cho biết hiện có thể có 8.000 người di trú đang ở ngoài khơi trên các con tàu chở quá tải.

Cơ quan Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hiện ước tính có khoảng 6.000 người di cư Rohingya và Bangladesh vẫn đang mắc kẹt trên biển ở Đông Nam Á “trong tình trạng nguy hiểm”.

Trậm chễ về chỗ ở

Truyền thông địa phương cho biết tại Bangkok, chính quyền quân sự đang xem xét việc dựng các nơi tạm trú trên các đảo để xử lý những người di trú, nhưng quyết định sẽ không đưa ra cho tới sau khi Thái Lan chủ trì một hội nghị quốc tế vào ngày 29/5 để thảo luận về các vấn đề của các cuộc di cư.

“Dĩ nhiên khi chúng tôi đang tìm kiếm các giải pháp khu vực, mọi người trong khu vực cần phải ngồi lại với nhau và thảo luận”. Ông Labovitz phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA. “Tôi rất vui là Thái Lan đã đề xuất cuộc họp này” nhưng không thể giúp cho những người “đang ở trên biển hôm nay bởi vì nó quá xa và chúng tôi cần giải quyết những người cần quan tâm ngay lập tức”.

Sự tham gia của Myanmar trong hội nghị ở Bangkok là rất quan trọng, nhưng văn phòng tổng thống nước này cho biết hôm thứ Sáu rằng “có phần chắc Myanmar sẽ không tham dự hội nghị.”

Chính phủ Myanmar nói cuộc khủng hoảng di trú trong khu vực chỉ nên thảo luận về “các thuyền nhân”, chứ không phải “người Rohingya”.

Thứ trưởng ngoại giao Than Kyaw nói với ban Miến Điện của đài VOA hôm thứ Năm rằng: “Sẽ không hữu ích đối với chúng tôi khi thảo luận nếu đó là vấn đề về người Rohingya. Vì cả chính quyền và người dân của chúng tôi đều không chấp nhận điều đó cho nên sẽ không hữu ích chút nào nếu chúng ta thảo luận về điều đó”.

Ông Zeid, trưởng cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc trong một thông báo hôm thứ Sáu nói rằng “cho tới khi chính quyền Miến Điện giải quyết tình trạng kỳ thị cố hữu chống lại người Rohingya, bao gồm việc được nhập tịch một cách bình đẳng, thì cuộc di trú đầy hiểm nguy này sẽ vẫn tiếp diễn”.

Là một nước với đa số dân theo đạo Phật, Myanmar không công nhận người thiểu số Hồi giáo Rohingya là một thực thể, mặc dầu nhiều gia đình đã sống ở đất nước này nhiều thế hệ. Thái độ chung của chính quyền là những người Rohingya nghèo khổ, những người không có giấy tờ, là từ Bangladesh và sống bất hợp pháp ở Myanmar.

Kể từ khi có sự bất ổn sắc tộc vào giữa năm 2012, hàng chục ngàn người Rohingya đã bị buộc phải vào các trại đông đúc ở tiểu bang miền Tây Rakhine.

Đàn áp những tay buôn lậu

Yếu tố xúc tác chính cho cuộc khủng hoảng thuyền nhân mới nhất của châu Á là cuộc đàn áp của Thái Lan vào tháng này tới các trại của những tay buôn lậu, chủ yếu được dựng trong các đồn điền cao su trong các khu rừng ở khu vực miền nam của vương quốc này sau khi phát hiện các mồ chôn tập thể.

Với việc Thái đóng cửa các nhà ga và các quốc gia khác cam kết không để cho các tàu di cư cập bến vào nước họ, những người tầm trú cảm thấy họ bị kẹt trong trò chơi “ping pong” trên biển, mà các tổ chức nhân đạo lo ngại sẽ chỉ đưa đến kết cục là những chiếc tàu chở đầy xác khô lênh đênh trên biển cả.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG