Đường dẫn truy cập

Thể thao ở Trung Quốc và cái giá của ‘tự hào dân tộc’


Li Na, cây vợt nữ xếp hạng 6 thế giới theo thống kê của Hiệp Hội Quần Vợt Nữ.
Li Na, cây vợt nữ xếp hạng 6 thế giới theo thống kê của Hiệp Hội Quần Vợt Nữ.

Thế vận hội Olympics Rio 2016 vừa kết thúc. Đoàn Trung Quốc đứng hàng thứ ba về số huy chương mang về - một thành tích đáng học tập cho các quốc gia khác khi người Trung Quốc gốc Á Đông vốn thấp bé nhẹ cân hơn so với các chủng tộc khác. Thành tích này chẳng phải là thành tích tốt nhất của Trung Quốc, thậm chí còn bị xem là một sự ‘rớt đài’ ngoạn mục của đoàn thể thao Olympics của nước này. Còn nhớ năm 2008, Trung Quốc đứng hạng nhất toàn đoàn. Năm 2012, Trung Quốc đứng hạng nhì. Và năm nay họ chiếm vị trí thứ ba. Sa sút về số huy chương và thành tích đạt được, nhưng ai cũng biết, Trung Quốc luôn khao khát điên cuồng giành thành tích cao ở các kì Olympics. Và chính quyền Trung Quốc sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mục đích.

Chủ tịch Tập Cận Bình nổi tiếng yêu thể thao. Bằng chứng là từ khi ông nhậm chức từ năm 2013 đến nay ông đã yêu cầu tờ Nhân Dân Nhật Báo liên tục đăng hết bài phóng sự này đến bài phỏng vấn khác với nội dung ca ngợi các vận động viên thể thao của đại lục và xây dựng họ thành hình tượng những vận động viên phấn đấu vì tình yêu dành cho thể thao. Ví dụ điển hình là Li Na, cây vợt nữ xếp hạng 6 thế giới theo thống kê của Hiệp Hội Quần Vợt Nữ. Li Na đã từng tuyên bố chơi quần vợt vì tình yêu bản thân dành cho môn thể thao này chứ không phải vì tổ quốc. Thế nhưng, theo một quan chức giấu tên trong Hiệp Hội Quần Vợt Trung Quốc, Trung Quốc đã đầu tư hơn 10 triệu nhân dân tệ (hơn 1,5 triệu đô la Mỹ) để đào tạo Li Na, đồng nghĩa rằng cô phải là nô lệ của đất nước và từng hơi thở của cô thuộc về Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cách đào tạo vận động viên của Trung Quốc: trẻ em được tập trung lại khi còn rất nhỏ và những em có tiềm năng sẽ được chọn lọc ra thành từng nhóm. Những em giỏi nhất của các nhóm đó sẽ được xếp vào nhóm lớn được tuyển lựa từ mọi miền đất nước, những em giỏi nhất của nhóm lớn sẽ luyện tập mỗi ngày không nghỉ cho đến khi giành được huy chương. Đó là trách nhiệm của các em, tồn tại để giành huy chương và danh hiệu cho Trung Quốc. Đó cũng chính là điều đã diễn ra trong quá khứ với diễn viên võ thuật Lý Liên Kiệt. Lý Liên Kiệt cho biết, ngay từ lớp một, anh đã bị đưa vào lớp Wushu. Sau một năm, khoảng 1.000 vận động viên nhỏ cùng thời với anh bị loại, chỉ còn anh và 20 học sinh khác. Sau khi giành giải vô địch quốc gia đầu tiên, anh buộc phải thôi học văn hóa để tiếp tục theo các chương trình huấn luyện không ngừng. Và những vận động viên này dù có bị thương đi nữa vẫn phải luyện tập. Lý Liên Kiệt từng có lần phải luyện tập suốt hai ngày ròng mặc dù đang bị gãy chân. Họ chỉ đưa anh vào bệnh viện khi hai chân anh sưng to như chân voi. Và khi anh quay lại với nửa thân dưới bó bột, họ chuyển sang huấn luyện nửa thân trên, và họ xem đó là điều hiển nhiên. Quay lại trường hợp của Li Na, chắc hẳn nhiều người có lẽ đã hiểu vì sao Li Na phải phát biểu rằng cô thi đấu vì lý tưởng bản thân.

Chính quyền Trung Quốc cũng can thiệp rất nhiều vào vấn đề tài chính của các vận động viên. Hiện nay Li Na đã độc lập, cô chỉ phải trả 12% tiền thưởng của các trận thi đấu cho chính quyền thay vì 65% như thường lệ. Yao Ming phải trả cho chính quyền Trung Quốc 8% tổng tiền thưởng khi anh tham dự NBA. Họ thậm chí còn bán bản quyền hình ảnh của anh cho Coca-Cola mà không hề xin phép, mặc dù trước đó anh đã ký thoả thuận đại diện cho Pepsi.

Lý Liên Kiệt, Yao Ming hay Li Na là một số ít những người may mắn. Còn nhớ dự án 119 được chính phủ Trung Quốc lập ra nhằm đào tạo các vận động viên giành huy chương vàng Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008. 119 là con số ám chỉ tổng số huy chương vàng Trung Quốc phải phấn đấu đạt cho được, nhất là những môn mà Trung Quốc không đặc biệt xuất sắc, như điền kinh và đua thuyền. Những em nhỏ bị buộc rời xa cha mẹ, không được giáo dục đầy đủ và phải luyện tập đến suy nhược, chấn thương chỉ vì cái gọi là tự hào dân tộc. Câu chuyện về vận động viên đoạt huy chương vàng Thế Vận Hội Wu Nin Zha bị cách li suốt quá trình huấn luyện. Chỉ đến khi giành được huy chương vàng thứ ba, cô mới biết được ông bà cô qua đời, còn mẹ cô thì đang bị ung thư. Bố cô nói do gia đình không muốn ảnh hưởng đến thành tích Olympics của cô nên giấu hết mọi chuyện xảy ra trong nhà. Câu chuyện này có lẽ còn đỡ hơn một chút so với cảnh ngộ của nữ vô địch cử tạ Lan Shizhang, người được huấn luyện viên cho dùng thực phẩm chức năng mà hoá ra là kích thích tố nam. Lan Shizhang cảm thấy cơ thể có nhiều triệu chứng kì lạ khi phát hiện bản thân cô và đồng đội có hiện tượng bắt đầu mọc râu. Lan Shizhan hiện nay mắc chứng vô sinh. Guo Ping được huấn luyện để trở thành vận động viên điền kinh từ năm lên chín và trong suốt nhiều năm tập luyện, bàn chân của cô biến dạng như thể không phải chân người. Vấn đề là sau khi các vận động viên này giải nghệ, tình trạng chung là tàn tật và không được học hành, nên chật vật trong việc mưu sinh. Đông Phương Nhật Báo ước tính ở Trung Quốc có hơn 240.000 vận động viên phải giải nghệ vì bị chấn thương, sau đó bị lâm vào cảnh đói nghèo và thất nghiệp. Phần lớn những người này sống lây lất, nghèo khó và cuối cùng đành phải rao bán huy chương. Đó là trường hợp của Jiang Zhong Wu, cựu vận động viên vô địch thể dục dụng cụ. Anh được chính quyền Cáp Nhĩ Tân chọn làm vận động viên thể dục dụng cụ từ khi lên năm. Sau này anh không thể tham dự Thế Vận Hội vì chấn thương, rồi phải đi ăn xin ở Bắc Kinh để sống qua ngày. Anh bán toàn bộ huy chương đổi lấy 13 đôla Mỹ. Trước đó anh giành được 40 danh hiệu quốc gia và 20 danh hiệu Châu Á về môn cử tạ. Anh mất ở tuổi 33 vì biến chứng bệnh ngưng thở khi ngủ. Anh làm nhân viên bảo vệ và tiết kiệm được khoảng 50 đôla.

Trên đây chỉ là một số ví dụ vô cùng nhỏ trong vô số chuyện bê bối tương tự của ngành thể thao Trung Quốc. Những người đã và đang chịu cảnh ngộ này là những người đủ giỏi để không bị loại ra từ buổi đầu huấn luyện, nhưng lại không đủ xuất sắc để giành huy chương vàng Thế Vận Hội. Trớ trêu thay, cho dù bạn có giành được 20 huy chương Châu Á cũng không có ý nghĩa gì. Đơn giản, vì chính quyền Trung Quốc muốn các vận động viên của họ, hay nói rộng hơn là người dân họ phải phục vụ cho mục đích của đất nước. Ý nghĩa của Thế Vận Hội Olympics ở Trung Quốc không đơn giản là một ngày hội thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe dân tộc, thể hiện tình đoàn kết các quốc gia, mà là sự bóc lột quá quắt của chính quyền Trung Quốc đối với chính công dân nước họ. Vậy cuối cùng, Trung Quốc có gì đáng tự hào?

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Cao Huy Huân

    Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.

VOA Express

XS
SM
MD
LG