Trong mấy bài trước, tôi đi đến một số kết luận chính: một, yêu nước là yêu những điều tưởng tượng; hai, những điều tưởng tượng ấy gắn liền với một số huyền thoại và một số ký ức tập thể, thậm chí gắn liền với một số niềm tin có tính chất mê tín về cái gọi là “thiên mệnh” được sử dụng như nền tảng để giới cầm quyền tập trung quyền lực vào tay một người hay một triều đại duy nhất, qua đó, đồng nhất nước và vua, và đồng nhất lòng yêu nước với sự trung quân; và ba, như là hệ quả của hai điều vừa kể, tư tưởng yêu nước nào cũng mang dấu ấn của lịch sử, của văn hoá, và nhất là, của chính trị. Có thể nói không có lòng yêu nước nào lại không có tính chính trị, không xuất phát từ một động cơ chính trị và không nhằm phục vụ một mục tiêu chính trị nào cụ thể.
Trong lịch sử phát triển của tư tưởng yêu nước tại Việt Nam, những thập niên cuối cùng của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 là một khúc ngoặt quan trọng, ở đó, tư tưởng yêu nước được tách ra khỏi tư tưởng trung quân để mang một nội dung mới, hiện đại hơn, nhắm đáp ứng những thay đổi toàn diện không những ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới: những thay đổi gắn liền với ý niệm quốc gia như một chỉnh thể chính trị thống nhất gắn liền với những ký ức tập thể và tưởng tượng tập thể hơn là sự chung nhất về sắc tộc mang tính bộ tộc như ngày xưa hay sự tập trung quyền lực vào một triều đại như thời phong kiến.
Khúc ngoặt ấy được hình thành từ sự thất bại của triều Nguyễn trước sự xâm lược của thực dân Pháp. Không đủ sức mạnh quân sự để ngăn chận Pháp, cũng không đủ kiến thức về Pháp hay chủ nghĩa thực dân ở Tây phương nói chung để hoạch định được một chiến lược chính trị nhằm bảo vệ đất nước hiệu quả, triều đình nhà Nguyễn lúng túng, loay hoay, bế tắc, cuối cùng, thảm bại. Nhưng thảm bại sâu sắc nhất là họ làm mất niềm tin của quần chúng và phần lớn giới nho sĩ, những người được giáo dục để trung quân, và được quần chúng tin cậy trong việc lãnh đạo các phong trào ái quốc. Biểu hiện rõ rệt nhất của việc mất niềm tin ấy là người ta nhận thức được một điều: Nước không thể đồng nhất với vua; yêu nước, do đó, không phải chỉ là trung quân.
Nhưng nếu nước không là vua; vậy nước là gì?
Đó là một câu hỏi quan trọng mà mất đến một, hai thế hệ, các nhà nho cách mạng mới tìm ra được. Câu trả lời đơn giản: Dân. Có thể nói, ở vị trí trung tâm của khái niệm quốc gia, trước, là vua; sau, từ đầu thế kỷ 20, là dân. Chữ “quốc dân” là một trong những chữ phổ biến, có tần số xuất hiện rất cao trong thơ văn cách mạng Việt Nam, đặc biệt, của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Trong “Hải ngoại huyết thư” sáng tác năm 1906 do Lê Đại dịch, Phan Bội Châu nhấn mạnh:
Người dân ta, của dân ta
Dân là dân nước, nước là nước dân.
Khám phá này, thật ra, đến từ Trung Hoa, chủ yếu từ các “Tân thư” mà các nhà nho thời ấy được đọc, trong đó, quan trọng nhất là các tác phẩm của Khang Hữu Vi (1858-1927) và Lương Khải Siêu (1873-1929). Ngoài ra, cũng có thể kể thêm quan điểm chính trị của Tôn Dật Tiên (1866-1925), người được xem là quốc phụ của Trung Hoa dân quốc. Từ phong trào Duy Tân ở Trung Quốc, các nhà nho Việt Nam học được ba nội dung chính của cuộc vận động đổi mới đất nước: giáo dân (giáo dục dân chúng), dưỡng dân (làm cho dân giàu mạnh) và tân dân (làm cho dân chúng đổi mới theo kịp trào lưu tiến hoá của nhân loại). Từ Tôn Dật Tiên, họ học được cái gọi là chủ nghĩa tam dân: dân tộc, dân quyền và dân sinh. Xin lưu ý là trong những ngày bôn ba tìm đường cứu nước, Phan Bội Châu được gặp cả Lương Khải Siêu và Tôn Dật Tiên. Khi Tôn Dật Tiên mất, Phan Bội Châu có làm câu đối điếu bằng chữ Hán được Phạm Trung Điềm và Tôn Quang Phiệt dịch như sau:
Chí ở tam dân, đạo ở tam dân, nhớ hai lần nói chuyện ở Trí Hoà đường, Hoành Tân, để lại tinh thần cho người chưa chết;
Lo vì thiên hạ, vui vì thiên hạ, bị nhiều năm áp bức do bọn đế quốc chủ nghĩa, cùng chia nước mắt để khóc tiên sinh. (1)
Như vậy, một trong những bài học nổi bật nhất mà các nhà nho Việt Nam, trong đó có Phan Bội Châu, học được từ các trí thức cách mạng Trung Hoa thời ấy là vai trò của dân chúng. Có điều, trừ Phan Châu Trinh, phần lớn các nhà nho Việt Nam đều chưa thoát hẳn khỏi tư tưởng bảo hoàng. Họ không đến nỗi đồng nhất nước và vua như trước, nhưng họ cũng chưa đi đến nhận thức cho dân chúng là chủ thể của đất nước, những kẻ được quyền bầu và kiểm soát giới lãnh đạo như các nhà dân chủ sau này. Thiếu cái lý là chủ thể của đất nước, yếu tố gì nối kết dân chúng lại với nhau thành một lực lượng hợp nhất chống giặc? Người ta tìm ra một giải pháp: dựa vào tình. Trong các loại tình, không có gì hữu hiệu cho bằng tình máu mủ. Mà quan niệm về tình máu mủ giữa những người dân Việt Nam với nhau thì đã có sẵn, tiềm ẩn trong chữ “đồng bào”.
Có thể nói khái niệm “đồng bào” là một trong những “phát minh” thuộc loại lớn lao và có ảnh hưởng nhất trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20.
Xin lưu ý: Trong văn học Việt Nam ngày xưa, chúng ta không hề gặp hai chữ "đồng bào". Trong "Bình Ngô Đại Cáo" của Nguyễn Trãi, chúng ta chỉ thấy những "dân đen", những "con đỏ", chứ không có "đồng bào". Ngay trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu, cuối thế kỷ 19, chúng ta cũng không thấy chữ "đồng bào" ấy. Thơ Phan Văn Trị, thơ Nguyễn Thông, thơ Bùi Hữu Nghĩa, thơ Nguyễn Quang Bích, những nhà thơ quyết liệt chống Pháp, cũng không có. Chỉ trong thơ Nguyễn Xuân Ôn (1825-1889), tôi mới bắt gặp, một lần duy nhất, hai chữ "đồng bào": "Lai nhân bất giải Vô y phú / Nhận tác đồng bào khủng vị chân" (Người kia không hiểu thơ Vô y / Nhận làm đồng bào, sợ chưa thật đúng). Tuy nhiên, chữ "đồng bào" này chỉ có nghĩa là chung áo, chỉ sự đồng cam cộng khổ, xuất phát từ bài "Vô y" trong Kinh Thi, trong đó có câu: "Khởi viết vô y, dữ tử đồng bào, vương vu hưng sư, tu ngã qua mâu, dữ tử đồng cừu" (Nếu không có áo thì cùng người chung áo, vua mà dấy quân thì sửa lại giáo mác của ta để cùng ngươi chung một kẻ thù) (2). Nó không phải là "đồng bào" theo cái nghĩa chúng ta đang dùng.
Chữ "đồng bào" với ý nghĩa chỉ những người cùng một bọc trứng, gắn liền với sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ chỉ được sử dụng rộng rãi từ đầu thế kỷ 20. Người sử dụng chữ "đồng bào" nhiều nhất và tự giác nhất là Phan Bội Châu. Trong "Hải ngoại huyết thư", "Đề tỉnh quốc dân hồn", "Ái chủng", "Ái quần" và nhiều bài thơ khác, ông dùng đi dùng lại rất nhiều lần chữ "đồng bào". Trong Hậu Trần dật sử, một cuốn tiểu thuyết có tính chất luận đề, Phan Bội Châu để cho một nhân vật của mình phát biểu:
Hiểu được nghĩa đồng bào thì nghĩa quốc gia lại càng thêm đầy đủ và càng thêm mạnh. Đã biết đồng quốc là đồng bào thì biết hạnh phúc của người cùng nước là hạnh phúc của bản thân ta. Hạnh phúc của bản thân ta, chỉ khi nào tất cả đồng bào đều sung sướng, khi đó mới có thể nói là hạnh phúc chân chính của ta được. Vì cả đồng bào mà mưu hạnh phúc thì dù có hy sinh bản thân cũng không nên tiếc. Không phải như thế là không tiếc thân ta, mà chính là tiếc thân ta đấy. Vì hạnh phúc đã khắp cả đồng bào thì hạnh phúc và vinh quang của bản thân ta mới rất mực vậy. Bởi thế, những người đã rất yêu bản thân thì tất yêu đồng bào, mà đã rất yêu đồng bào thì tất yêu quốc gia, mà đã thật yêu quốc gia thì tất nhiên sẽ hy sinh vì quốc gia mà bỏ hết tự tư tự lợi của mình, đem hết sức mình ra bảo vệ Tổ quốc. Nghĩa đồng bào thực là nguyên khí của quốc gia vậy. (3)
Sử dụng khái niệm “đồng bào”, do đó, dù muốn hay không, người ta cũng phục hoạt lại huyền thoại Lạc Hồng gắn liền với chuyện Lạc Long Quân - Âu Cơ, vốn là một ký ức tập thể và một tưởng tượng tập thể kéo dài nhiều đời như một cơ sở để tập hợp các bộ lạc và bộ tộc thời xa xưa. Nếu trước kia hai chữ Lạc Hồng rất hiếm khi được nhắc nhở thì sau này, từ đầu thế kỷ 20 trở đi, tần số xuất hiện của hai chữ ấy lại nở rộ. Một trong những người sử dụng hai chữ ấy nhiều nhất cũng lại là Phan Bội Châu. Cứ mở các tuyển tập thơ văn Phan Bội Châu ra là thấy ngay:
Nước non Hồng Lạc còn đây mãi
(Chơi xuân)
Chàng con nhà thi lễ
Vốn nòi giống Lạc Hồng
(Vợ khuyên chồng)
Làm cho nổi tiếng Lạc Hồng
Vẻ vang dòng dõi con Rồng cháu Tiên
(Ái quần)
Vân vân.
Có điều quan điểm của Phan Bội Châu dường như không được nhất quán. Một mặt, ông thường đề cao truyền thống Lạc Hồng, con Rồng cháu Tiên, mặt khác, ông lại phản đối tính khả tín của câu chuyện ấy. Trong bài “Ai là tổ nước ta? Người nước ta với sử nước ta” đăng trên báo Tiếng Dân số ra ngày 6 tháng 1, 1931, ông viết:
“Sử nước ta từ đời Thái cổ trước Tây lịch 2879 năm cho đến sau Tây lịch 111 năm, tất thảy là việc truyền văn: bảo rằng Hồng Bàng thị mà không biết có Hồng Bàng thị hay không, bảo rằng Lạc Long Quân mà không biết có Lạc Long Quân hay không. Bởi vì lúc đó nước ta chưa có văn tự, chưa có sử sách, chỉ theo ở miệng truyền tai nghe. Nói rằng: người đẻ ra trăm trứng, nửa thuộc về loài rồng, nửa thuộc về loài tiên, cứ theo sinh lý học mà suy ra, thiệt là theo lối thần quỷ mê tín, không đích xác gì.”
Rồi ông đề nghị:
“Sách xưa có câu: ‘Vô trưng bất tín’ nghĩa là không có chứng cớ thì không lấy gì làm tin được. Sử nước ta trở về trước nhiều điều vô trưng, thời bỏ quách đi e có lẽ đúng hơn.” (4)
Hoài nghi và bác bỏ câu chuyện họ Hồng Bàng, nhưng Phan Bội Châu vẫn muốn giữ lại biểu tượng Lạc Hồng (vốn gắn liền với Lạc Long Quân và Âu Cơ) và ý niệm đồng bào (vốn gắn liền với chuyện trăm trứng trăm con). Giữ lại để làm gì? Để sử dụng yếu tố huyết thống làm chất xúc tác nối kết mọi người lại thành một chỉnh thể chính trị duy nhất gọi là quốc gia. Có thể nói cơ sở của tư tưởng yêu nước trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20 là ý thức về chủng tộc. Nếu trước đây, cả hơn một ngàn năm, chống lại các cuộc xâm lược từ Trung Hoa, người Việt Nam chủ yếu chỉ nhấn mạnh vào yếu tố địa lý bằng cách phân biệt Bắc (Trung Hoa) và Nam (Việt Nam), và một ít, vào yếu tố chủng tộc (Việt/Hán), trong cuộc chiến đấu chống lại ách thống trị của Pháp, ám ảnh lớn nhất lại là ám ảnh về chủng tộc. Lý do dễ hiểu: Với Trung Hoa, dường như người ta không sợ lai căng hay mất gốc: Người ta tin cái gốc ấy là một (đồng văn, thậm chí, đồng chủng). Nhưng với người Pháp thì khác. Khác từ màu da đến màu tóc và màu mắt. Trước những khác biệt hiển nhiên ấy, cảm giác sợ hãi bị lai căng và bị mất gốc càng lớn.
Nhưng khi nhấn mạnh vào yếu tố chủng tộc, người ta đi đến chỗ ít nhiều đồng nhất bản sắc dân tộc và bản sắc khu vực: Tất cả những người Á châu đều thuộc dòng giống máu đỏ da vàng cả. Đây chính là luận điểm Phan Bội Châu và nhiều nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20 thường nêu lên. Người ta tin cậy người Trung Hoa và người Nhật vì tất cả đều thuộc giống “máu đỏ, da vàng”. Người ta chống Pháp và nghi ngờ tất cả những người Âu châu khác chỉ vì họ là người “da trắng”. Trong bức thư gửi Bộ trưởng ngoại giao Nhật vào ngày 11 tháng 12 năm 1909 để phản đối việc chính phủ Nhật trục xuất Cường Để, Phan Bội Châu cũng lặp lại nhiều lần quan điểm ấy. Ông bênh vực Cường Để: “Ông [Cường Để] là người châu Á thì không chịu làm trâu ngựa của người châu Âu, ông là một người da vàng thì không chịu làm nô lệ của người da trắng.” (5)
Nhấn mạnh vào khái niệm đồng bào – mà nền tảng là ý niệm về huyết thống và chủng tộc, chưa đủ. Các nhà cách mạng đầu thế kỷ 20 còn sáng tạo thêm một khái niệm nữa để tập hợp dân chúng: hồn nước (hay còn gọi là "hồn cố quốc" hay "hồn nòi giống"). Những chữ này cũng được lặp đi lặp lại ở nhiều tác phẩm của nhiều tác giả khác nhau. Phan Châu Trinh có bài thơ khá dài, non 500 câu, nhan đề "Tỉnh quốc hồn ca". Phan Bội Châu có bài thơ "Gọi hồn quốc dân" (còn gọi là "Đề tỉnh quốc dân hồn") bắt đầu bằng hai câu: "Hồn cố quốc biết đâu mà gọi / Thôi khóc than rồi lại xót xa." Trong bài "Ái quốc", ông cũng gọi hồn: "Hồn ơi! về với giang san." Giữa thập niên 20, Phạm Tất Đắc, lúc ấy mới 16 tuổi, đã viết một bài thơ "Chiêu hồn nước" nổi tiếng với những câu thống thiết: "Nghiến răng nuốt cái thẹn thùng / Mà chiêu hồn cũ lại cùng non sông."
Với sự xuất hiện của khái niệm "hồn nước", đất nước, cũng như con người, được hiểu là gồm hai phần: hồn và xác. Xác là lãnh thổ, những cái hữu hình. Nhưng còn hồn? Không có ai định nghĩa cả. Và vì không có ai định nghĩa chính xác, do đó, nó thay đổi khá tuỳ tiện theo thời gian. Thoạt đầu, vào những năm đầu tiên của thế kỷ 20, khi nhu cầu hiện đại hoá đất nước còn khẩn thiết và phong trào Duy Tân mới khởi phát rầm rộ, nội dung khái niệm "hồn nước" rất hẹp, chủ yếu là tình cảm yêu nước và quyết tâm tranh đấu cho độc lập của đất nước. Bởi vậy, lúc ấy, người ta vừa kêu gọi giữ "hồn nước" vừa hô hào cắt tóc ngắn, mặc Âu phục, học chữ quốc ngữ, đọc sách Tây và sống một cách khoa học, nghĩa là... như Tây mà không hề thấy có gì mâu thuẫn cả. Tuy nhiên, ít lâu sau đó, khi về phương diện ngoại hình, người Việt Nam đã ít nhiều Âu hoá rồi, búi tóc củ tó đã cắt đi rồi, hàm răng đã cạo trắng rồi, áo dài khăn đóng đã vất bỏ rồi thì nội dung khái niệm "hồn" dần dần được mở rộng ra, thành những tình tự dân tộc nói chung.
Mà những tình tự ấy biểu hiện ở đâu? Ở văn chương. Phạm Quỳnh xem Truyện Kiều là "quốc hồn" và là "quốc tuý" của Việt Nam; (6) Hoàng Tích Chu xem "văn chương là nguyên khí của quốc gia"; (7) Phan Kế Bính cho văn chương là "cái tinh thần của một nước." (8) Bảo vệ hồn nước, do đó, là bảo vệ văn chương. Nói cách khác, văn chương trở thành một thành luỹ của hồn nước. Hậu quả là: khoa học có thể Âu hoá được; kỹ thuật có thể Âu hoá được; giáo dục có thể Âu hoá được, nhưng văn chương thì không. Nên lưu ý: văn chương chứ không phải văn nghệ. Hội hoạ có thể Âu hoá được; kiến trúc và điêu khắc có thể Âu hoá được; một phần của âm nhạc có thể Âu hoá được: cái phần phi ngôn ngữ. Riêng văn chương, thứ nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, phương tiện chính để thể hiện "hồn nước" thì không được đổi khác. Nó là ngoại lệ. Lưu Trọng Lư, một trong những kiện tướng của phong trào Thơ Mới lúc nó mới xuất hiện, trong bài "Một nền văn chương Việt Nam", viết vào năm 1939, tuyên bố dứt khoát: "Chúng ta có thể mất hết, trừ văn chương. Và chúng ta chỉ mất 'văn chương' khi ta muốn 'ngoại hoá' nó đi mà thôi". (9) "Ngoại hoá" ở đây thực chất là Âu hoá.
Nói một cách tóm tắt, trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và với sự sụp đổ của ý thức hệ phong kiến, trong nỗ lực vận động kết tập lực lượng để giành độc lập, người Việt Nam, đi tiên phong là các nhà nho cách mạng, đã đồng nhất nước và dân, xem dân chúng là trung tâm của đất nước. Để nối kết cả hàng chục triệu người dân ở những địa phương khác nhau, với những thành phần xã hội, văn hoá, giáo dục và chính trị khác nhau vào một khối thống nhất gọi là quốc gia, người ta phải huy động đến yếu tố huyết thống và lịch sử. Yếu tố huyết thống được kết tinh trong ý niệm đồng bào, còn yếu tố lịch sử được kết tinh trong ý niệm hồn nước.
Yêu nước, do đó, trước hết là yêu đồng bào và bảo vệ được cái hồn của đất nước.
Quan niệm này kéo dài ít nhất đến năm 1945, khi cách mạng tháng Tám bùng nổ.
Lúc ấy mọi sự sẽ đổi khác.
Khác hẳn.
Chú thích:
1.Phan Bội Châu Toàn Tập, tập 6, Chương Thâu sưu tầm và biên soạn, nxb Thuận Hoá, Huế, 1990, tr. 110.
2.Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn, nxb Văn Học, Hà Nội, 1977, tr. 123-5.
3.Dẫn theo Trần Văn Giàu (1997), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam, tập 2, nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 82.
4.Thơ văn Phan Bội Châu, Chương Thâu tuyển chọn, nxb Văn Học, Hà Nội, 1985, tr. 295.
5.Phan Bội Châu Toàn Tập, tập 2, tr. 27.
6.Xem bài "Bài diễn thuyết bằng quốc văn" đọc tại lễ kỷ niệm Nguyễn Du tại Hà Nội vào ngày 8.9.1924; in trên tạp chí Nam Phong số 86 ra vào tháng 8.1924; sau in lại ở nhiều nơi. Bản tôi đang đọc được in lại trong cuốn Tuyển tập phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam 1900-1945, tập 1, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Thị Kiều Anh và Phạm Hồng Toàn sưu tập, nxb Văn Học, Hà Nội, 1997, tr. 270-277.
7.Dẫn theo Tuyển tập phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam 1900-1945, tập 1, sđd, tr. 281.
8.Trong Việt Nam phong tục, viết năm 1913 và 1914; dẫn theo Tuyển tập phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam 1900-1945, tập 1, sđd, tr. 81.
9.In lại trong Tuyển tập phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam 1900-1945, tập 3, sđd, tr. 24-30