Thống đốc mới của bang này, ông Scott Walker, thuộc đảng Cộng Hòa, đã đệ trình dự luật ngân sách bang ra trước quốc hội để biểu quyết. Tuy nhiên phe Dân Chủ, tức là phe được công đoàn ủng hộ, đã sử dụng đến những kỹ thuật chính trị bằng cách lánh mặt đi một nơi khác, không hiện diện ở quốc hội. Sự vắng mặt của họ khiến cho các nhà lập pháp Cộng Hòa không thể xúc tiến việc biểu quyết được, trong khi đó các công đoàn công chức của bang đang huy động biểu tình rầm rộ đòi hủy bỏ đạo luật về ngân sách này.
Lý do gì khiến các nhà lập pháp thuộc phe Dân Chủ và các công đoàn phản đối?
Ông David Blaska, đặc trách báo chí của cựu thống đốc bang Wisconsin Tommy Thompson, giải thích:
"Dự luật này đòi các công chức đóng góp nhiều hơn cho bảo hiểm sức khỏe và hưu bổng. Hiện nay các công chức chính phủ (bang Wisconsin) chỉ phải trả rất ít. Dự luật muốn tăng gấp đôi những đóng góp đó. Cho dù vậy vẫn còn thấp dưới mức mà hầu hết giới công nhân làm việc trong khu vực tư phải trả. Nhưng dự luật cũng còn muốn hủy bỏ quyền thương lượng tập thể của các thành viên công đoàn. Và căn bản là đồng lương của họ cùng các phúc lợi mà họ được hưởng như ngày nghỉ phép, tiền bồi thường, bảo hiểm y tế sẽ do chính phủ ấn định thay vì qua các cuộc thương lượng tập thể."
Khi được hỏi là ông ủng hộ hay chống dự luật này, ông cho biết:
"Tôi ủng hộ cho thống đốc. Tôi đã vận động cho ông trong cuộc vận động tranh cử. Chính tôi cũng từng là một công chức của tiểu bang. Tôi có thể cho quí vị biết rằng đồng lương công chức ở đây rất khá và những phúc lợi khác không thua bất cứ bang nào. Và tôi hy vọng là một khi bang này là ăn thịnh vượng hơn, chúng ta lại có thể trở về mức độ như trước, và tôi cho rằng chúng ta sẽ trở lại mức độ đó. Nhưng ngay bây giờ thì họ cho biết là không còn tiền nữa."
Ông giải thích rằng thu nhập của bang hiện nay đã cạn kiệt. Chính phủ bang đã chi rất nhiều tiền cho các chính phủ địa phương để giúp họ vận hành công việc. Trước mắt sẽ không còn nhiều thu nhập nữa, nên dự luật ngân sách này có mục đích giao cho các chính phủ địa phương quyền linh động hơn hầu đối phó với tình trạng thiếu tiền trong việc trả lương cho công chức, và như vậy sẽ tước bỏ quyền thương lượng tập thể của các công đoàn.
Và như vậy có nghĩa là đụng chạm đến các công đoàn (nghiệp đoàn). Ai cũng biết, các nghiệp đoàn tại Hoa Kỳ có thế lực rất mạnh. Họ đã huy động các thành viên của nghiệp đoàn công chức, nghiệp đoàn giáo chức, những sinh viên, học sinh rầm rộ đi biểu tình chống đối dự luật.
Trong khi đó tại các bang miền trung tây khác như Indiana, Ohio cũng lâm vào cảnh thiếu tiền, các nghiệp đoàn đang lo sợ nếu dự luật này được thông qua thì họ sẽ chịu cùng một số phận, do đó họ cũng hô hào biểu tình để hỗ trợ cho các nghiệp đoàn ở Wisconsin.
Ông Alexander Hanna, đồng chủ tịch Hiệp Hội các Giáo chức Phụ khảo Đại học, phát biểu:
"Đây thực sự là một đòn tấn công nhắm vào nghiệp đoàn..."
Ông Hanna cho biết tiếp:
"Đây không phải là chuyện giảm bớt nợ nần mà là đòn tấn công công đoàn. Các công chức chính phủ sẵn sàng nhượng bộ, họ muốn ngồi xuống thương lượng để làm sao giúp cho chính phủ bang qua khỏi cơn khủng hoảng.
Dự luật mà chính phủ đề nghị không những không muốn lắng nghe những gì mà các công chức chính phủ muốn nói, mà là muốn bịt miệng họ trước khi họ lên tiếng, không cho họ nói gì về nơi làm việc và những điều kiện làm việc cuả họ. Theo tôi thì thật là sai khi nói rằng hoặc là vỡ nợ, hoặc là phải bỏ quyền thương lượng tập thể.
Nghiệp đoàn muốn làm việc với thống đốc để qua khỏi cơn khủng hoảng này."
Trước câu hỏi là đã có các nhà lập pháp lo cho an sinh, lương bổng của công chức trong bang rồi, vậy cớ gì nghiệp đoàn phải lo ngại về việc mất quyền thương lượng tập thể, vả lại trong giai đoạn tài chính khó khăn hiện nay, công đoàn cũng cần phải chia sẻ trách nhiệm để qua khỏi cơn khủng hoảng tài chính, ông Hanna trả lời:
"Tôi không nghĩ là các nhà lập pháp được bầu lên để định đoạt đồng lương của người đi làm. Đó là chuyện quyết định giữa bên thu dụng và phía người được thu dụng, và đây là việc của công đoàn."
Bà Thủy Remmele, cựu giáo chức và hiện là Ủy viên Hội đồng Thành phố Madison, thủ phủ bang Wisconsin, giải thích thêm về dự luật được tân thống đốc đưa ra chờ biểu quyết:
"Dự luật mà ông mới đưa ra đây gọi là Budget Repair Bill để giải quyết vấn đề khủng hoảng ngân sách của bang. Nếu không sửa đổi thì sẽ phải cho rất nhiều người (công chức) nghỉ việc. Vì năm nay bang bị thiếu hụt đến 137 triệu đô la, thành thử dự luật của thống dốc đưa ra để cố gắng sửa chữa vấn đề thâm hụt ngân sách. Nếu không giải quyết kịp thời thì sẽ phải sa thải chừng 1.500 viên chức làm việc trong bang ngay lập tức. Và sau đó có thể sẽ phải sa thải đến 12.000 viên chức của bang trong vòng 2 năm tới, thành thử đây là chuyện hết sức gấp rút."
Bà cho biết thêm về quang cảnh và diễn tiến của cuộc tranh chấp về đạo luật này ở Wisconsin tính cho tới hôm thứ Năm 24 tháng Hai khi bài phỏng vấn được thực hiện:
"Diễn tiến rất là chậm, như một bàn cờ mà hai bên còn cầm cự, đã 10 ngày hôm nay, chỗ tôi ở đây là thủ phủ của bang Wisconsin, hàng ngàn người tiến vào trấn át tất cả khu vực chung quanh đây. Phe Cộng Hòa và phe Dân Chủ đối đầu không nói rồi, các bang khác còn mang người đến để biểu dương lực lượng, đa số là những người của nghiệp đoàn công nhân. Các nghiệp đoàn rất hoảng, là vì tiểu bang này thông qua dự luật thì sẽ gây một phản ứng dây chuyền. Các tiểu bang chung quanh cũng bị trường hợp tương tự ( thâm hụt ngân sách) sẽ lập tức copy cat theo hết. Trên thực tế tiểu bang Wisconsin quan trọng lắm, vì nơi đây là một trong những chỗ của swing votes, kỳ rồi Tổng thống Obama thắng cử cũng là nhờ phiếu ở đây. 90% dân ở đây rất là liberal (theo đảng Dân Chủ). Thành thử họ dự kiến là những gì xảy ra ở đây sẽ xảy ra cho toàn quốc.
Cũng theo bà Thủy, nếu không sửa chữa ngay thì mức độ thâm thủng sẽ tăng gấp bội, cả chục lần là ít. Trước đây khi còn dạy học, bà là thành viên của công đoàn giáo chức của bang. Bà cho biết các công chức bị buộc phải đóng tiền lệ phí cho công đoàn, cho dù có muốn hay không. Nghiệp đoàn công chức tại Wisconsin còn dùng tiền của đoàn viên đóng để hỗ trợ cho các ứng cử viên mà công đoàn muốn đưa vào các chức vụ công cử. Hiện nay bà không còn là thành viên nghiệp đoàn nữa, mà là Ủy viên Hội đồng thành phố, giới chức công cử của bang. Nhưng công đoàn còn tạo áp lực cả với Hội Đồng Thành Phố. Bà Thủy thuật lại như sau:
"Tuần trước trát gửi tới nhà đòi tôi phải đi họp vì công đoàn áp lực đòi cả một Hội đồng Thành phố cùng nhau đi với các nghiệp đoàn lao động biểu dương tình đoàn kết, thành thử dù không muốn cũng bị nhiều áp lực. Nhưng tôi không làm theo như vậy, bởi vì tôi không đại diện cho nghiệp đoàn lao động. Tôi đại diện cho người dân, tức là những người đóng thuế, mà thuế thành phố rất là cao, nhiều người về hưu, về già, ở những căn nhà phải đóng thuế quá nặng, họ không giữ nổi căn nhà, thành thử số nhà ở bị tịch biên tăng đến 25%. Họ rất bất mãn Trong khi nghiệp đoàn lao động lại đòi hỏi quá nhiều quyền lợi. Không thể tiếp tục như vậy mãi được. Nhà đã dột thì phải cùng nhau chống đỡ, những người có việc làm, có chân trong nghiệp đoàn không thể cứ đòi hỏi những quyền lợi riêng cho họ trong khi bốn bề chung quanh đang chìm."
Quí vị vừa nghe những ý kiến về vụ về vụ tranh chấp đối với dự luật sửa chữa ngân sách được tân thống đốc bang Wisconsin đưa ra. Mong quí vị đóng góp ý kiến. Lan Phương xin cảm ơn quí vị.
Trong lúc tình hình nhiều nơi trên thế giới đang nóng bỏng như tại Libya và các nước Phi châu, Ai Cập, và nhiều nước ở Trung Đông thì tại Hoa Kỳ, vụ tranh chấp về một dự luật ngân sách của bang Wisconsin bị coi là chống công đoàn, cũng đang là đề tài được báo chí Mỹ chú ý. Cho đến thứ Năm 24 tháng Hai, những vụ biểu tình phản đối của các nghiệp đoàn công chức đã được các bang Indiana và bang Ohio hỗ trợ. Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay sẽ trình bày ý kiến của những cư dân tại bang này, từ trung lập đến hai phe ủng hộ và chống dự luật, để nói lên một sinh hoạt chính trị ở cấp địa phương của nước Mỹ và tình trạng thiếu hụt ngân sách. Mời quí vị theo dõi với Lan Phương sau đây.
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1