Đường dẫn truy cập

Thầy Thích Minh Tuệ


Sư Minh Tuệ, thế danh Lê Anh Tú.
Sư Minh Tuệ, thế danh Lê Anh Tú.

Thầy Thích Minh Tuệ đi chân đất, mặc áo vá, ngày ăn một bữa, tối ngủ trong nghĩa trang. Lời nguyện của thầy: Con nguyện ước chúc mọi người được hạnh phúc. Chỉ cần bước đi thong thả, đi không cần tới, niềm vui trong ánh mắt, trên miệng cười của thầy đã đem một luồng gió mát mẻ, an lành cho mọi người cùng hưởng.

Thầy nói: “Con đi Tu là để cầu giải thoát.” Thầy cho thấy ai cũng có thể tìm đường giải thoát. Hình ảnh bao nhiêu người cung kính đi theo thầy Thích Minh Tuệ cho thấy đạo Phật vẫn còn sống động trong xã hội Việt Nam, dù chung quanh vẫn còn là một kinh tế tư bản thời sơ khai và đề cao một chủ nghĩa duy vật lỗi thời.

Có nhiều cách hành trì Đạo Phật, hàng trăm ngàn cách theo căn cơ mỗi người. Đức Thích Ca đã lấy thí dụ ba thửa ruộng khác nhau, mỗi thửa ruộng nên trồng hạt giống lúa khác nhau. Có người chọn sống trong tu viện, có người lên rừng sống một mình, có người chuyên lo đi chữa bệnh như Phật Thầy Tây An. Thầy Thích Minh Tuệ đã tu tập trong chùa nhưng sau cùng chọn tu theo Hạnh Đầu Đà. Thầy Minh Tuệ giúp chúng ta nhớ lại phép tu cổ truyền này, mà người đầu tiên thực hành là Thầy Ca Diếp, đệ tử lớn nhất của Phật. Chính đức Thích Ca đã khuyên thầy Ca Diếp không nên giữ mãi các giới luật Đầu Đà nhưng đồng ý cho đệ tử tiếp tục. Từ đó, nhiều người đã sống theo 12, 13 giới, tạo thành một truyền thống độc đáo.

Dù sống trong tu viện hay trong rừng, người tu hành vẫn đi theo cùng một con đường “giữ giới luật.” Trong lịch sử đạo Phật đã xuất hiện nhiều tông phái khác nhau, nhưng hầu hết các giới luật đều giống nhau. Thầy Minh Tuệ tu với bước chân đi ngoài đường, nhưng các giới luật không khác những vị tu trong chùa. Người ta không thể nói tu cách nào chính thống hơn hoặc mang lại hiệu quả cao hơn.

Có câu chuyện hai người bạn tu ở chùa Thùpàràma, trong thủ đô cũ của Sri Lanka, Tích Lan. Một ông đi lên rừng để tiếp tục tu, một ông ở lại. Mười năm sau, ông bạn “lên rừng” trở về thăm tu viện cũ. Hai người cùng đi khất thực với nhau. Ông tu sĩ trên rừng ngỏ ý mời người bạn theo mình đến nơi vắng lặng, thanh tịnh hơn. Ông bạn sống ở tu viện cũng muốn thử cho biết, đồng ý. Qua cổng thành, ông thong thả bước chân hướng đi ra ngoài thành phố, ông tu sĩ trên rừng ngạc nhiên hỏi: “Anh đi đâu?”

“Tôi mới nói rằng tôi đi theo anh mà!”

“Nhưng anh không trở lại tu viện lấy vật dụng, hành lý của mình hay sao?”

“Tôi chỉ có một cái giường và một cái ghế, cả hai đều thuộc về tu viện. Tôi không có cái gì khác.”

“Nhưng tôi còn để lại trong chùa mấy thứ, một cây gậy, cái ống đựng dầu và cái túi đựng dép.”

“Anh mới về đây có một ngày mà được cúng dường nhiều thứ nhỉ!”

Ông tu sĩ trên rừng thú nhận: “Anh không cần phải đi với tôi. Anh ở đâu thì cũng như ở trong rừng.”

Đạo Phật không phải chỉ là một niềm tin mà trước hết là hành động. Phật tử Việt Nam nói “tu hành,” tu là một hành động. Hành động đầu tiên là rời khỏi gia đình để đi tìm đường thoát khổ, như chính đức Phật đã bắt đầu, khi hơn 30 tuổi. Phật tử dùng chữ “xuất gia” để gọi những người đi tu. Nhưng có những vị bồ tát, như Duy Ma Cật vẫn sống trong gia đình.

Đức Thích Ca không phải là người đầu tiên đã “xuất gia.” Ở Ấn Độ, từ ngàn năm trước đã có những người rời khỏi gia đình đi “tìm đường giải thoát.” Trong những năm xuất gia đầu tiên, Đúc Phật đã làm bạn với mấy vị đạo sĩ như vậy. Phần lớn họ thuộc giới “brahmanas,” đẳng cấp cao nhất của các tu sĩ chuyên nghiệp. Thái tử Tất Đạt Đa có lẽ là một người xuất gia hiếm hoi thuộc một đẳng cấp khác, ksatriyas, tầng lớp những nhà cai trị. Kế đến đẳng cấp vaisyas, chuyên lo sản xuất và thương mại. Sau này, Phật thu nhận các đệ tử không phân biệt đẳng cấp, một cuộc cách mạng trong xã hội Ấn Độ.

Một người xuất gia rời bỏ gia đình, sống một mình để tu tập, một truyền thống đã có từ trước thời đức Phật. Những người đó được gọi là sramana (chữ Pali: samana). Các “sa môn” chỉ theo đuổi một mục đích trong đời là cầu tiến, cải thiện lâm linh. Cùng thời với Đức Phật, một truyền thống khác ở Ấn Độ là phái “Jain” và một số chi phái Ấn Độ Giáo cũng xuất hiện các sa môn như vậy. Truyền thuyết kể rằng khi Thái tử Tất Đạt Đa đi qua bốn cổng thành, chứng kiến các hiện tượng lão, bệnh, tử, ngài đã gặp một sa môn và thấy người đó an lạc, hạnh phúc.

Từ trước thời Đức Phật đã có những người “từ bỏ cuộc sống bình thường” (samnyàsin), ra khỏi nhà để “tầm đạo.” Họ không còn đóng vai phần tử trong một gia đình cũng như trong cả xã hội; họ không làm một công việc sản xuất hay thương mại, sống nhờ khất thực. Đến thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, phong trào này khá lớn khi Đức Thích Ca tham gia, theo Rupert Gethin, giáo sư Tôn giáo Ấn Độ tại Đại học Bristol, Anh Quốc, trong cuốn The Foundation of Buddhism.

Thầy Minh Tuệ đang đi theo con đường như Đức Phật ngày xưa. Hiện tượng này sẽ nhắc nhở các Phật tử Việt Nam nhìn lại một truyền thống hơn 2,500 năm trước. Một bài học hiển nhiên ai cũng thấy là con người có thể sống hạnh phúc mà không cần chạy đuổi theo của cải, danh vọng, quyền hành. Thầy Minh Tuệ nhắc nhở bài học rất giản dị là: “Mọi người hãy cố gắng giữ 5 giới: Không sát sanh, Không trộm cắp, Không tà dâm, Không nói dối, Không uống bia rượu.” Ai cũng có thể tập theo năm giới, dù vẫn sống đời bình thường, và thấy mình hạnh phúc hơn.

Người xuất gia có thể vào trong rừng sống một mình. Thầy Hư Vân, người Trung Hoa trong thế kỷ 19, 20 đã bắt đầu như vậy. Thân phụ thầy chỉ có một con trai, đã cưới cho con hai cô vợ để bảo đảm có cháu nối dõi tông đường. Thầy đã thuyết phục cả hai cô dâu cùng tiết dục như mình, rồi thầy bỏ nhà vào sống trong rừng. Đến một ngày, một vị hòa thượng đi qua, khuyên thầy nên đến một tu viện, sống theo các giới luật thì mới học đạo được đầy đủ, thầy đã nghe lời, rồi trở nên một đại sư đi giảng dạy khắp nơi, sống đến 120 tuổi.

Sống trong tu viện, người ta sẽ có cơ hội học những giáo pháp như Tánh Không, như Lý Duyên Khởi, vân vân. Những người sống một mình và chỉ đi ngoài đường sẽ không có cơ hội, tự mình khó tìm ra, khó chiêm nghiệm và thực chứng những giáo nghĩa sâu xa đó.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG