Tình hình chính trị nước Pháp vừa có một thay đổi quan trọng. Thượng viện Pháp do phái hữu nắm đa số và quyền lãnh đạo liên tục từ năm 1958 đến nay vừa thay đổi đa số và chủ tịch.
Ngày Chủ nhật 25-9 qua cuộc bầu cử gián tiếp thay một nửa số thượng nghị sĩ, phái tả do đảng Xã hội cầm đầu đã dành được đa số tuyệt đối 177 trên 348.
Ngày thứ Bảy 1-10 trong cuộc bầu chủ tịch Thượng viện, Thượng nghị sỹ Jean-Pierre Bel của đảng Xã hội đã trúng cử.
Đây là một sự kiện bất ngờ, không được dự báo trước, một điều bất lợi cho đảng UMP của Tổng thống Nicolas Sarkozy khi chỉ còn 7 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu tổng thống.
Trong diễn văn nhậm chức của chủ tịch Thượng viện mới được bầu J.P. Bel có một từ rất có ý nghĩa, được nhắc lại nhiều lần, ngay sau đó được các đài vô tuyến, phát thanh, báo chí Pháp và quốc tế bình luận rộng rãi.
Đó là từ «alternance», theo từ điển có nghĩa là sự thay phiên, đổi phiên, thay thế. Chủ tịch mới của Thượng viện Pháp xúc động đưa ra nhận định mở đầu: «Hôm nay diễn ra một sự kiện lịch sử: sự thay phiên ở tổ chức quyền lực cao quý này của đất nước. Sự thay phiên là nhịp thở của nền dân chủ”. Không có thay phiên thì nền dân chủ sẽ ngạt thở, sẽ chết.
Thay phiên là hiện tượng đảng này thay thế đảng kia, thay phiên nhau cầm quyền sau mỗi lần bầu cử dân chủ bằng lá phiếu của cử tri, mỗi phiên cầm quyền dài ngắn tùy theo quy định của luật pháp. Trong Thượng viện Pháp, cứ 3 năm lại bầu lại một nửa số thượng nghị sỹ, ngay sau đó bầu luôn chủ tịch Thượng viện. Chủ tịch Thượng viện điều khiển các phiên họp của Thượng viện, thay thế tổng thống khi tổng thống ốm nặng, từ trần hoặc xin từ chức.
“Alternance”, thay phiên, thay thế trong sứ mạng cầm quyền chỉ có thể thực hiện trong một chế độ dân chủ đa đảng.
Trong một chế độ dân chủ đa đảng, hiến pháp luôn luôn ghi rõ công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội…Để thực thi hiến pháp còn có một loạt luật bảo đảm tự do và nhân quyền của công dân, luật lập hội, luật bầu cử, luật báo chí…
Trong một chế độ một đảng, còn gọi là chế độ độc đảng, độc quyền đảng trị, không có cạnh tranh, ganh đua, kiểm soát nhau, không có thay phiên, thay thế nhau, một đảng cứ nắm giữ chặt quyền lãnh đạo, dù cho phạm sai lầm liên tiếp, dù cho sa sút rõ về phẩm chất cầm quyền, dù cho tha hóa thậm tệ về đạo đức xã hội. Trước tình trạng ù lỳ, không có thay phiên, thay thế, nhân dân phải gánh chịu hậu quả oan ức, không có sự lựa chọn nào khác là bị kẹt trong cảnh bất công phi lý kéo dài.
Chế độ một đảng duy nhất giống như chế độ phong kiến chỉ có một ông vua. Vua tài giỏi, thương dân, là minh quân thì dân nhờ. Vua bất tài, thất đức, vô đạo, độc ác thì dân phải chịu đựng, nếu không chịu thấu thì nổi dậy lật đổ bạo chúa. Trong chế độ một đảng, tự do công dân là hàng xa xỉ, của hiếm, còn cưỡng bách, áp chế là chuyện hàng ngày.
Ở nước ta hiện nay, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn văn An, từng là ủy viên Bộ Chính trị đảng CS, phải thốt lên rằng “chế độ hiện nay là chế độ của 14 ông vua tập thể”, để nói lên tình trạng xã hội không có tự do, không có sự lựa chọn, không có sự thay phiên, thay thế.
Các chế độ độc đảng thường lạm dụng quá nhiều chữ tự do, dân chủ, chỉ là sự mỉa mai đáng hổ thẹn vì không có sự thay phiên, lựa chọn, không có đa nguyên, đa đảng thì tự do, dân chủ chỉ là bánh vẽ, là trò bịp chính trị.
Về kinh tế và đời sống, trong thời bao cấp, khi chỉ có một hình thức kinh tế quốc doanh bao trùm, người tiêu thụ chỉ có một thứ gạo mậu dịch quốc doanh, một thứ vải mậu dịch quốc doanh, một thứ xà phòng mậu dịch quốc doanh. Không có hàng nào khác để thay thế, để lựa chọn, người dân phải “tự do” mua gạo hẩm, gạo mốc, mua vải đen vải mộc, mua xà phòng chảy nước. Nay mọi người tha hồ chọn gạo tám thơm, gạo dự, gạo nếp hoa, gạo Thái Lan, hàng mấy chục thứ gạo, tha hồ chọn vải, lụa, len, gấm, dạ, nhung, đủ màu, đủ loại, mua xà phòng hàng trăm loại. Nhớ lại tình trạng thiếu lựa chọn ngày xưa mà kinh hãi, rùng mình.
Vậy mà về chính trị, ngày nay vẫn y như ngày xưa, lại còn tệ hơn xưa. Đảng cộng sản đã tỏ ra kém cỏi trong vai trò lãnh đạo, tệ và tội tham nhũng như bệnh hủi ăn sâu trong cơ thể đảng từ trên cao nhất, tài và đức của Bộ Chính trị và Trung ương đảng rõ ràng kém xa nhiều trí thức ngoài cơ quan lãnh đạo và ngoài quyền lực, nhưng không có biện pháp thay phiên, thay thế, đổi mới. Tất cả mọi sự gọi là “đổi mới” vẫn là chắp vá, cải lương, xoa dịu và hình thức.
Không có gì sai lầm, xấu xa và tệ hại hơn là sau khi “cướp” được chính quyền – xin nhớ chữ “cướp” là chữ được các người lãnh đạo đảng từ ông Hồ Chí Minh đến các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ…vẫn thường dùng - đảng CS đã cho ghi vào hiến pháp vai trò không thời hạn của mình, để ở lỳ cầm quyền một mình mãi mãi, bất chấp thời hạn và thời gian, đi ngược lại nền nếp dân chủ là sự tín nhiệm bao giờ cũng phải có thời hạn. Đây là sự ăn gian khổng lồ.
Xưa nay, trên thế giới, chỉ có bọn phát xít, độc tài, bạo chúa…là tự cho mình cái quyền cai trị vĩnh viễn, suốt đời, không có thay phiên, thay thế.
Chỉ có các nhà dân chủ chân chính, ngay thật, lương thiện là chấp nhận những cuộc bầu cử định kỳ, để sẵn sàng chấp nhận sự kiểm tra, phê bình, ganh đua của các đảng đối lập xây dựng, trong một nền dân chủ lành mạnh, lấy nhân dân, cử tri làm trọng tài.
Hiện nay, về mặt chính trị, cứ như là nhân dân ta vẫn cứ phải ăn “gạo mốc”, dùng “vải thô”, mua “xà phòng chảy nước” của thời bao cấp vì không có sự lựa chọn, thay phiên.
Đây là sự khác nhau cơ bản giữa Việt Nam và các nước láng giềng, như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, cả Đài Loan, và Nam Triều Tiên hiện nay. Đây cũng là sự khác nhau cơ bản so với hơn 150 nước khác trong Liên Hiệp Quốc, những nước được xếp vào loại “dân chủ thuần thục”, hay “dân chủ từng phần” - partly democratic.
Việt Nam vẫn bị xếp vào loại lạc hậu nhất, yếu kém nhất về mặt chính trị, về tôn trọng nhân quyền, về thực thi tự do báo chí, trong số hơn một chục nước đèn đỏ độc đảng, độc đoán, bên cạnh Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Somalia, Congo, Zimbabwe, Nigeria, Syria và Yemen.
Các nhà lãnh đạo và báo chí lề phải ở Viết Nam – những người rất thích nói đến «đẹp nhất», «to nhất» Đông Nam Á như tượng Bà Mẹ Anh Hùng - xin hãy quan tâm đến sự xếp hạng về chế độ chính trị trên đây, để mà giật mình, tỉnh ngộ, cùng nhân dân mình, dân tộc mình xây dựng nền dân chủ tiên tiến, có thay phiên, thay thế, có lựa chọn, bỏ phiếu tín nhiệm theo định kỳ như mọi nước dân chủ bình thường khác.
Vậy mà trong phiên họp Quốc hội sắp đến, các đạo luật cần nhất, cấp bách nhất là Luật về tổ chức, Luật tự do báo chí, Luật về đất đai...sẽ lại bị trì hoãn không biết đến bao giờ! Quốc hội độc đảng ngoan ngoãn thật!
Không có vấn đề nào cấp bách, quan trọng, then chốt cho tương lai và hạnh phúc của toàn dân hơn vấn đề dân chủ đa đảng và thay phiên, nhịp thở khỏe khoắn của nền dân chủ.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.