Đường dẫn truy cập

Vài nét về thay ca ở Việt Nam


Vài nét về thay ca ở Việt Nam
Vài nét về thay ca ở Việt Nam

Chính phủ mới, còn gọi là nội các mới ở Việt Nam đã ra mắt tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc.

Dư luận quốc tế dù đang chú ý đến tình hình tài chính Hoa Kỳ và châu Âu đang gặp nhiều khó khăn kéo dài vẫn luận bàn về sự kiện này. Nhiều báo Pháp như Le Monde và Hoa Kỳ như The Washington Post cho rằng qua cuộc «thay ca kíp» vừa qua, các vị trí then chốt nhất của nhà nước Việt Nam đã được biết trước từ đầu năm, như ông Trương Tấn Sang làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ. Quốc hội mới chỉ biểu quyết hình thức theo quyết định của đảng, khi đảng viên CS chiếm đến 90% đại biểu Quốc hội. Không có một chuyện bất ngờ nào. Không có gì là dân chủ cả.

Các báo nước ngoài cho rằng ê-kíp cầm quyền mới sẽ cứng rắn hơn, bảo thủ hơn, và xu hướng cải cách, mở cửa, minh bạch và hội nhập sẽ bị ngăn chặn. Nhà báo Hoa Kỳ Roger Mitton từng làm việc 6 năm ở Việt Nam viết trên báo Phnom Penh Post: «Điều đáng thất vọng nhất là ông Nguyễn Tấn Dũng từng điều hành kinh tế với nhiều thất bại – như vụ tai tiếng lớn Vinashin - lại được ở lại thêm một nhiệm kỳ» và cho rằng «trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ không có cải cách gì đáng kể». Báo Pháp La Libération lưu ý phái bảo thủ đang củng cố vị trí, nổi bật là Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh được đưa lên vị trí Ủy viên thường trực Ban Bí thư Trung ương đảng, chức vụ như Phó Tổng bí thư, điều hành mọi công việc hàng ngày của đảng CS.

Các blogger trong nước như Người Buôn Gió, Anh Ba Sàm… chỉ rõ ngành công an dưới quyền Bộ trưởng Lê Hồng Anh đã sa sút nghiêm trọng, công an giao thông được mang tên «anh hùng Núp» chuyên núp, rình các loại xe để phạt bừa bãi lấy tiền bỏ túi; nhưng nghiêm trọng hơn là hàng chục công dân đã chết trong đồn công an do bị đánh đập, tra tấn cho đến chết, như các anh Lê Xuân Dũng, anh Lê Hữu Nam chết ở Nghi Sơn, anh Nguyễn Văn Khương chết ở Bắc Giang, anh Vũ Văn Hiển chết trong đồn công an ở Thái Nguyên, anh Nguyễn Duy Hải chết trong đồn công an Hậu Giang, anh Trịnh Xuân Tùng ở Hà Nội bị công an đánh vào cổ cho đến chết, anh Nguyễn Văn Hải bí danh Điếu Cày bị «mất tay» khi bị công an giam giữ, là những món nợ của dân mà Bộ trưởng Lê Hồng Anh chưa trả.

Bộ trưởng Công an mới Trần Đại Quang gặp ngay một vụ bê bối được đưa lên báo là ông đã khai man trong giấy khai sinh giả để giảm đến 6 tuổi, với bằng chứng cả 2 giấy khai sinh khác nhau được công bố; ông còn dính vào vụ ăn cắp đồ cổ quý giá ở Ninh Bình. Một cuộc khởi đầu không mấy vẻ vang của bộ trưởng công an, nhưng chuyện lớn này cũng rơi vào yên lặng.

Quan trọng hơn nữa là trong phiên họp đầu tiên này, do bị sức ép của công luận, Quốc hội buộc phải tổ chức nghe báo cáo về tình hình Biển Đông, nhưng bản báo cáo rất ngắn, trong một cuộc họp kín mít, không hề tiết lộ ra ngoài một chi tiết, càng không có một cuộc thảo luận nào; điều này càng làm cho dư luận trong và ngoài nước thêm hoài nghi; ngay khi đó, trong hành lang Quốc hội truyền đi tin một công ty lớn Trung Quốc lại trúng món thầu béo bở xây dựng nhà máy điện Trà Vinh trị giá 1,3 tỷ đôla.

Các báo Pháp cũng nêu 2 trường hợp khác thường ngay khi Quốc hội đang họp là Trung tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Công an, được cử làm Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình, và Trung tướng Phạm Minh Chính, Tthứ trưởng Công an, được cử về làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh. Dư luận cho rằng Việt Nam đang cần đến những viên chức giỏi về kỹ trị, hành chánh, giáo dục để phát triển hài hòa. Đặt các chuyên viên về an ninh, đàn áp ở những vị trí then chốt như thế không báo một điều gì bình thường và tốt đẹp cả.

Nhiều nhà báo quốc tế Pháp và Hoa Kỳ phán đoán trên đây có thể là những phản ứng để tồn tại của chính giới Việt Nam trước những sự kiện chấn động ở Bắc Phi tạo nên.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG