Đoàn Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trong 70 ngày. Quyết định vừa được đưa ra chiều 6/10 không khiến các nhà quan sát tình hình Việt Nam ngạc nhiên, xem đây chỉ là một nước cờ phải đi trong một chuỗi các sự kiện gần đây có liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Thanh là một cựu lãnh đạo của PVC, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang và hiện đang bị Việt Nam truy nã quốc tế về tội danh “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, cụ thể là gây thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng.
Tin cho hay đợt thanh tra kéo dài hơn 1 tháng sẽ tập trung vào việc chấp hành chính sách pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC trong giao đoạn từ năm 2008 – 2013, thời gian ông Trịnh Xuân Thanh nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC.
Theo báo Lao Động, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trước đó đã chỉ đạo Bộ Công an “khẩn trương thực hiện ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ trên.
Công bố quyết định thanh tra được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi nhà báo Nguyễn Như Phong, nguyên Tổng biên tập báo Petrotimes, bị tước thẻ nhà báo và tờ báo này bị đình chỉ 3 tháng vì cho đăng bài viết của một tờ báo nước ngoài phỏng vấn ông Bùi Thanh Hiếu (blogger Người Buôn Gió) về vụ ông Trịnh Xuân Thanh. VTV đã truyền hình cuộc họp báo chính phủ hôm 4/10. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời về vụ này:
“Đối với ông Trịnh Xuân Thanh hiện đang là bị can đang bị truy nã quốc tế, như chúng ta biết, thì bài phỏng vấn của báo này đã đưa ra những thông tin bị cắt xén hoặc không có căn cứ và kèm theo những thông tin sai lệch dễ bị suy diễn là Trịnh Xuân Thanh không phạm tội. Việc cho đăng tải bài báo nói trên còn gián tiếp lái dư luận hiểu sai lệch về vụ án này, và việc làm đó không những chỉ gây nhiễu loạn thông tin, mà còn gây cản trở cuộc đấu tranh chống tham nhũng và tội phạm kinh tế, gây hoang mang cho dư luận và gây bất lợi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật”.
Trước đó hôm 19/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có một cuộc hội thảo để lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên, đặc biệt là bổ sung Quy định 181 trong vi phạm công tác tổ chức, cán bộ, vi phạm trong công tác phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, lãng phí…
Cùng thời điểm trên, một số lãnh đạo được xem là “đồng phạm” của ông Trịnh Xuân Thanh tại PVC cũng đã bị bắt giữ. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà bình luận, quan sát tình hình Việt Nam, nhận xét với VOA:
“Tất cả những quy định liên quan đến đảng viên, trong đó đặc biệt là phần xử lý kỷ luật đảng viên, sẽ phải được đặt ra và sửa đổi, bổ sung một cách rốt ráo theo hướng có lợi nhất cho những thế lực mạnh nhất trong đảng cầm quyền hiện nay”.
Nhà bình luận này cho rằng vụ ông Trịnh Xuân Thanh chỉ là một “giọt nước tràn ly” của cuộc đấu đá nội bộ đã “không thể kiềm chế” được nữa.
“Đây giống như viên đạn đã lên nòng rồi, không thể dừng được nữa. Và sắp tới, có lẽ mọi chuyện sẽ tuôn trào theo mạch của nó”.
Một nhà hoạt động xã hội dân sự nổi tiếng của Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nói PVC cũng chỉ là một Vinalines, Vinashin tiếp theo mà thôi.
“Vụ ông Thanh cũng như diễn tiến vừa qua và việc hoãn thi hành luật hình sự, cũng như tin mới nhất là chính phủ sẽ vào cuộc thanh tra lại tất cả các dự án của tổng công ty Xây lắp Dầu khí, nó cũng giống hệt như đối với Vinalines, Vinashin, thực sự cũng tương tự tội danh như thế. Tôi nghĩ đây là các phe trong giới cầm quyền đánh nhau mà thôi”.
Theo TS. Nguyễn Quang A, vụ ông Trịnh Xuân Thanh cũng có thể là một trong những lý do khiến cho Luật Hình sự mới dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7 đã bị dời lại sang năm sau.
“Trong luật hình sự mới này, không còn có cái tội gọi là làm trái các quy định kinh tế, điều luật người ta dùng để buộc tội rất nhiều người làm kinh doanh, thí dụ như trong trường hợp này là ông Thanh, và còn nhiều người khác đã bị cái tội như thế này, và tội đó thực sự là điều phải hủy bỏ khỏi luật hình sự”.
PVC là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đây là tập đoàn chuyện thực hiện các dự án có quy mô lớn hàng ngàn tỷ đồng như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2…
Theo báo cáo năm 2012 của Thanh tra Chính phủ, tập đoàn này đã có nhiều sai phạm về tài chính với con số lên đến hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó có việc mua tàu khảo sát địa chấn 2D đã quá 10 năm so với quy định đăng kiểm nhưng không qua báo cáo và các vụ chuyển nhượng lớn không theo thủ tục, thanh toán. Thời gian này, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nắm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị và sau đó là Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.