Đường dẫn truy cập

Thanh tra Chính phủ: Tham nhũng tiếp tục xảy ra trong cơ quan phòng chống tham nhũng


Ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam, nói tại Quốc hội, 21/11/2023.
Ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam, nói tại Quốc hội, 21/11/2023.

Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam báo cáo với Quốc hội rằng tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng, đăng kiểm, y tế, v.v... trong năm 2023 vẫn “phức tạp, nghiêm trọng”, và tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, nhiều báo trong nước đưa tin hôm 21/11.

Ông Đoàn Hồng Phong, lãnh đạo của Thanh tra Chính phủ, nói trước Quốc hội rằng trong năm qua, công an đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án và 2.951 bị can phạm tội tham nhũng; trong đó, đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án và 1.205 bị can, Thanh Niên, Tuổi Trẻ và một số báo khác tường thuật.

Có gần 4.900 vụ việc phải thi hành án để thu hồi tài sản tham nhũng, với số tiền gần 97.300 tỉ đồng, ông Phong nói, trong đó, đã thi hành xong gần 2.300 vụ việc với hơn 20.400 tỉ đồng.

Vị Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay đến nay hơn 655.000 cán bộ đã công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Qua xác minh trong năm 2022, có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và họ phải giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, theo các bản tin của báo chí Việt Nam.

Trong năm 2023, có 23 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng cho cơ quan, đơn vị với số tiền 93 triệu đồng, vẫn Tổng Thanh tra Phong nói với Quốc hội.

Báo cáo của ông Phong cho biết thêm rằng có 55 vị lãnh đạo và cấp phó bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; trong đó, 13 vị lãnh đạo và cấp phó bị xử lý hình sự do mắc sai phạm kể trên, 42 vị còn lại bị xử lý kỷ luật, gồm khiển trách 16 người, cảnh cáo 13 người, và cách chức 13 người.

Ông Phong nhấn mạnh trong bản báo cáo rằng đã có những nỗ lực “kiên quyết làm rõ, quy trách nhiệm chính trị” của các vị lãnh đạo khi họ để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực của họ; từ đó “khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm, xin từ chức”.

Người đứng đầu Thanh tra Chính phủ cũng nêu bật việc điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt những đối tượng bỏ trốn thời gian qua vì biện pháp này mở đường để xử lý nhiều đối tượng thuộc diện này, đồng thời có tác dụng là cơ sở để dẫn độ tội phạm, cũng như được xem là “hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe” những người phạm tội tham nhũng.

Tuy nêu ra các kết quả, báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực “còn diễn biến phức tạp”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” và “gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Theo bản báo cáo, nạn tham nhũng còn tồn tại vì có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi. Bên cạnh đó là do quy định của pháp luật về một số lĩnh vực còn “sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung”, nhất là về các lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…

Lãnh đạo của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra; đặc biệt đáng chú ý là vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tình trạng nêu trên còn tồn tại, theo bản báo cáo, là vì các vị lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương “chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức “thiếu tu dưỡng, rèn luyện hoặc suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.

Trong một phiên thảo luận riêng rẽ của Quốc hội vào chiều 21/11, khi nêu giải pháp phòng ngừa tội phạm nói chung và tham nhũng nói riêng, Đại biểu Bố Thị Xuân Linh, tỉnh Bình Thuận, đề nghị cần cải thiện tiền lương, nâng cao mức sống của cán bộ, công chức, các báo Việt Nam tường thuật.

Nữ Đại biểu Bố Thị Xuân Linh phát biểu rằng thực tiễn cho thấy chính sách lương, phụ cấp còn nhiều bất cập và nhà nước cần phải “quan tâm đến mức sống của cán bộ, công chức và viên chức, phấn đấu để cho họ sống bằng lương và có mức thu nhập tương đương với mức thu nhập khá trong toàn xã hội”.

Vẫn bà Linh đề nghị thêm rằng cần có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội “có hiệu lực trên thực tế” về công tác phòng, chống tham nhũng.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG