Đường dẫn truy cập

Thảm sát Mậu Thân ở Huế: ‘Không hiểu sao Việt Cộng ác như vậy’


Lính Việt Nam Cộng hòa và lính Mỹ phản công quân Bắc Việt trong Tết Mậu Thân năm 1968
Lính Việt Nam Cộng hòa và lính Mỹ phản công quân Bắc Việt trong Tết Mậu Thân năm 1968

Một người lính Việt Nam Cộng hòa từng chiến đấu ở Huế trong trận Mậu Thân năm 1968 đã kể với VOA những gì mà ông đã thấy và đã nghe về vụ thảm sát đẫm máu nhất trong chiến tranh Việt Nam do quân Bắc Việt tiến hành.

Năm này là tròn 55 năm sự kiện Tết Mậu Thân mà phía cộng sản gọi là ‘Tổng tiến công và nổi dậy’ – chiến dịch đánh vào các đô thị lớn ở miền Nam ngay trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán vào ngày 31/1 năm 1968 và Huế là nơi mà họ đã giành được quyền kiểm soát trong gần một tháng.

Theo số liệu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa thì đã có tổng cộng trên 4.000 người chết, chủ yếu là bị chôn sống trong các hố chôn tập thể, ở Huế trong giai đoạn này. Tuy nhiên, cho đến giờ, chính quyền của Đảng Cộng sản vẫn một mực phủ nhận là đã xảy ra thảm sát và cho rằng các nạn nhân thiệt mạng do bom đạn Mỹ sau đó mới được chôn cất.

Vào thời điểm xảy ra biến cố đó, nhà văn Phan Nhật Nam, cựu binh của quân lực Việt Nam Cộng hòa, đang chiến đấu ở Quảng Trị thì được trực thăng đưa về lại Huế để giành lại thành phố này, ông nói với VOA từ bang California, Mỹ.

‘Tàn ác với dân thường’

Bản thân ông Nam cũng có người thân và người quen bị chôn sống trong đợt thảm sát hàng loạt này, ông cho biết.

“Xóm nhà tôi ở số 3 Bí đường Tô Hiến Thành là diễn trường của bị kịch Mậu Thân ở Huế. Từ nhà tôi xuống trường Gia Hội (địa điểm phát hiện nhiều hố chôn người) nơi tôi học vỡ lòng không xa,” nhà văn này nói.

Theo lời ông kể thì chú ruột của ông tên là Phan Văn Cần, vốn chỉ là ‘một ông cảnh sát đứng chỉ đường’ và người hàng xóm sát vách tên là Phan Bản Soạn, vốn chỉ là ông thợ may, đều bị quân cộng sản lùa đi chôn sống.

“Em ruột tôi là người đi đào những cái hố đó mà không biết là đào để chôn người. Từ trường Gia Hội, tiếng la hét của những người bị chôn sống vang dội đến xóm Gia Hội,” ông kể lại những gì mà ông đã nghe gia đình ông kể lại sau này.

“Tôi có thể kể hàng chục, thậm chí hàng trăm người mà tôi biết đã bị chôn sống,” ông nói. Cho đến bây giờ, dù đã hàng chục năm sau, biến cố đó vẫn để lại trong lòng ông những câu hỏi không có lời giải đáp.

“Tôi vẫn canh cánh trong lòng tất cả những bi thảm đó với câu hỏi tại sao con người ta có thể ác với nhau như vậy? Tại sao người cộng sản có thể tàn nhẫn với chính đồng bào của mình như vậy, những đồng bào vô tội,” ông giãi bày.

Ông Nam khẳng định phần lớn các nạn nhân bị thảm sát ‘đều là dân thường’ và việc sát hại họ là ‘hoàn toàn vô ích’ nhìn từ quan điểm quân sự.

Ông lên án việc chính quyền trong nước ca ngợi những sự kiện ở Huế trong dịp Tết Mậu Thân và nói rằng nếu ông có dịp gặp được các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì ông sẽ hỏi thẳng: “Tại sao các ông có thể giết người một cách tỉnh táo như vậy?”

Ông phản bác lập luận rằng các nạn nhân bị bom Mỹ giết hại sau đó mới được đem chôn. “Bom Mỹ nào dội xuống trường Gia Hội? Nếu bị bom Mỹ thì thi thể đã bị nát bét hết,” ông nói.

Nhà văn này cho biết ông đã từng chứng kiến các hành động của quân cộng sản từ lúc còn ở chiến khu Việt Minh trước năm 1954 cho đến Mùa hè đỏ lửa năm 1972 và đợt tổng tiến công năm 1975 nhưng ‘ít nhất sự tàn bạo là có thể hiểu được vì đó là chiến trường, ở Huế vào Tết Mậu Thân toàn là dân thường’.

‘Bước ngoặt chính trị’

Theo lời ông thì quân đội Việt Nam Cộng hòa đã ‘bị bất ngờ’ khi quân Bắc Việt phát động chiến dịch Tổng tiến công vào dịp Tết Mậu Thân. Vào lúc đó, ông nằm trong tiểu đoàn 9 nhảy dù.

Ông cho biết các tiểu đoàn nhảy dù 9, 7 và 2 đã có mặt ở Huế từ mùa đông năm 1967, nhưng đến buổi chiều ngày 28/1, tức là ngày Giao thừa Tết Nguyên đán, thì các tiểu đoàn này bị điều đi. “Nếu giữ nguyên sự bố trí như trước Tết Mậu Thân thì chắc chắn đã không có sự xâm nhập của quân cộng sản vào Huế,” ông khẳng định.

Đơn vị ông được đưa trở lại Huế vào ngày mùng 4 Tết và đến ngày 24/2 thì ‘thủy quân lục chiến và Sư đoàn 1 bộ binh mới chiếm lại được Huế và thượng kỳ trên kỳ đài’, ông cho biết.

Theo lời ông thì chiến sự ở Huế ‘không khốc liệt’ vì quân cộng sản bố trí ở đó không phải ở cấp độ sư đoàn ‘mà chỉ có các tiểu tổ, các đơn vị đặc công mà thôi’.

“Xét về mặt cường độ mà nói thì trận Mậu Thân không phải là trận chiến lớn. Tuy nhiên, nó có tác động chính trị lớn là khiến người Mỹ phải ngồi lại nói chuyện với Bắc Việt,” ông nói, ý đề cập đến Hội nghị Paris vốn đã khởi động từ năm 1968.

Tuy nhiên, trên quan điểm quân sự thì ông cho rằng quân cộng sản ‘đã bị đánh tan nát’ trong trận Mậu Thân khi mà lực lượng vũ trang Mặt trận giải phóng miền Nam bị thiệt hại nặng và cộng sản Bắc Việt có sự điều chỉnh toàn diện.

“Khi chúng tôi phản công ở các mặt trận ven đô Sài Gòn, chúng tôi đã đánh cho họ tan tác hết,” ông nói và dẫn ra việc một trung đoàn quyết thắng của cộng sản đã phải đầu hàng tiểu đoàn 6 của thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa ở Mặt trận Cây thị vì đã bị cắt đứt hoàn toàn, không có quân tiếp viện hay yểm trợ.

Sau trận đánh Mậu Thân đó, quân lực Việt Nam Cộng hòa đã được trang bị vũ khí tối tân hơn, theo lời người cựu chiến binh này, trong khi quân Bắc Việt rút ra bài học là thay vì rải lực lượng ra đánh rộng khắp trên 40 thành phố thì sau này họ chỉ ‘tập trung đánh vào một vài địa điểm’.

Theo lời ông thì phía cộng sản kéo được phía Mỹ ngồi vào bàn đàm phán do tác động của vụ tấn công vào Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn trong trận Mậu Thân. “Cuộc đột kích đó chỉ là một tiểu đội, về mặt quân sự không đáng là bao nhiêu nhưng nó có tác động chính trị rất lớn,” ông nói.

Kết quả chính trị thứ hai đối với quân Bắc Việt là ‘Mặt trận Giải phóng miền Nam đã được nâng lên thành Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, ngồi xuống nói chuyện tay đôi với Việt Nam Cộng hòa’, cũng theo lời nhà văn này.

Nhận định về thảm sát Mậu Thân ở Huế, ông Phan Nhật Nam cho rằng đó ‘không chỉ là tội ác đối với Huế, đối với miền Nam mà là tội ác đối với cả dân tộc Việt Nam’.

Do đó, ông cho rằng nếu chính quyền Việt Nam chân thành muốn hòa giải thì phải thừa nhận tội ác này và ‘phải có một lần đại giải oan cho các nạn nhân’.

“Không hiểu sao họ có thể thù dai như thể, có thể trơ trẽn phủ nhận sự thật như thế,” ông chỉ trích.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG