Đường dẫn truy cập

Thẩm phán bác đơn kiện TT Trump vi phạm điều khoản tư lợi


Khách sạn quốc tế Trump tại thủ đô Washington.
Khách sạn quốc tế Trump tại thủ đô Washington.

Một thẩm phán liên bang hôm 21/12 bác bỏ vụ kiện của Tổ chức Công dân giám sát trách nhiệm và đạo đức (CREW) cho rằng Tổng thống Trump vi phạm một điều khoản của Hiến pháp, ngăn cấm Tổng thống hay các giới chức dân cử nhận bất kỳ khoản lợi nhuận nào từ các chính phủ nước ngoài.

Thẩm phán George Daniels bác bỏ vụ kiện vì “thiếu cơ sở”, và đồng ý với lập luận của luật sư bảo vệ ông Trump rằng những cáo buộc đó không nằm trong phạm vi của Điều khoản về Tư lợi của hiến pháp quy định việc nhận tặng phẩm, tiền bạc, lợi nhuận từ chính phủ nước ngoài.

Hồi tháng 1, Tổ chức Công dân giám sát trách nhiệm và đạo đức có trụ sở ở Washington, đệ đơn kiện Tổng thống Trump với cáo buộc là ông Trump chưa hoàn toàn rút ra khỏi các hoạt động kinh doanh của ông, và do đó vẫn nhận “tiền mặt và lợi lộc khác từ các chính phủ nước ngoài, qua các sự kiện được tổ chức tại khách sạn của ông, hay khách trọ, và các thương vụ bất động sản có giá trị ở nước ngoài”.

Do đó, theo lập luận của CREW, ông Trump vi phạm Điều khoản về Tư lợi, cấm các giới chức dân cử nhận quà hoặc lợi ích khác từ các chính phủ nước ngoài mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.

Ông Deepak Gupta, đại diện cho bên nguyên đơn, tuyên bố sẽ kháng cáo. Washington Post dẫn lời ông Gupta nói: “Chúng tôi sẽ không bỏ qua những hành động vi phạm Hiến pháp nghiêm trọng và vẫn đang tiếp diễn này”.

Điều khoản về tư lợi là một biện pháp chống tham nhũng của chính phủ Mỹ, nhưng ít được chú ý trước thời ông Trump. Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên sở hữu một đế chế kinh doanh toàn cầu.

Những người chỉ trích nói các chính phủ nước ngoài và những người khác có thể chi tiền hậu hĩnh tại các khách sạn, nhà hàng và câu lạc bộ golf của ông Trump, để tạo cảm tình với Tổng thống Mỹ để thực hiện ý đồ riêng.

Đã có hơn 200 Thượng nghị sĩ và Dân biểu Hạ viện cáo buộc ông Trump vi phạm Điều khoản về Tư lợi.

VOA Express

XS
SM
MD
LG