Đường dẫn truy cập

Minh Bạch Quốc tế: Tham nhũng vẫn lan tràn tại nhiều quốc gia


Sự căm phẫn về tình trạng tham nhũng đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình ồ ạt, và thậm chí lật đổ các chính phủ trong mấy năm vừa qua. Nhưng kết quả một cuộc khảo cứu toàn cầu do Tổ chức Minh Bạch Quốc tế công bố hôm qua nhận thấy vấn đề này vẫn còn lan rộng. Thông tín viên VOA Jim Randle tại thủ đô Washington ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Tại Pakistan, giáo viên Bashir Bulti nói phải hối lộ mới xin được việc làm.

Tài xế xe lam Chum Van ở Campuchia nói công an thỉnh thoảng vẫn đổ lỗi cho người nghèo trong các tai nạn giao thông, bất kể ai gây ra tai nạn.

Pakistan và Campuchia nằm trong số 176 quốc gia mà tổ chức Minh Bạch Quốc Tế chống tham nhũng nghiên cứu. Bà Huguette Labelle nói đa số các nước có vấn đề tham nhũng nghiêm trọng.

Bà Labelle nói: “Vấn đề này gây đau khổ cho dân chúng, các gia đình nghèo khó bị tống tiền đòi hối lộ để được bác sĩ khám bệnh hay được sử dụng nước sạch.”

Bà Labelle cảnh báo rằng các dự án hạ tầng cơ sở quan trọng tại các nước đang trỗi dậy, và công tác cần phải thực hiện để đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu, có thể bị tác hại vì tình trạng tham nhũng. Bà Labelle nhìn thấy hy vọng ở một số quốc gia, nơi các luật lệ mới tạo điều kiện thuận lợi cho dân chúng theo dõi sự chi tiêu của chính phủ và dành một số biện pháp bảo vệ cho những người đưa ra các cáo buộc tham nhũng.

Somalia, Bắc Triều Tiên và Afghanistan bị cho điểm tệ nhất, trong khi Ðan Mạch, Phần Lan, và New Zealand được đánh giá là các nước ít tham nhũng nhất.

Hoa Kỳ bị xếp hạng thứ 19, trong khi Trung Quốc đứng thứ 80, và Ấn Ðộ, thứ 94.

Phúc trình của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Châu Á-Thái Bình Dương.
Phúc trình của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Châu Á-Thái Bình Dương.
Những lời ta thán về tham nhũng đã góp phần châm ngòi cho các vụ nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập, khi các cuộc biểu tình ồ ạt và các hành động khác lật đổ các chính phủ ở Tunisia, Ai Cập và Libya.

Nhưng bản phúc trình cho thấy thậm chí biện pháp mạnh nhất là thay đổi chính phủ cũng không chấm dứt được nạn tham nhũng.

Học giả Robin Wright tại Trung tâm Woodrow Wilson không lấy làm ngạc nhiên về điều này.

Bà Wright nói: “Bakshish là một khái niệm trọng điểm cho lối sống ở Trung Ðông. Bakshish có nghĩa là hối lộ. Và sự kiện đó đã không thay đổi trong một sớm một chiều với sự du nhập của các lý tưởng hay mục tiêu dân chủ. Một doanh gia Libya nói trước kia chúng ta có một ông Qaddafi thì giờ đây ta có tới 6 triệu ông.”

Học giả Charles Kenny thuộc Trung tâm Phát triển Toàn cầu nói tham nhũng có nhiều hình thức, như dùng hối lộ một khoản tiền để được cấp bằng lái xe, xin việc hay hợp đồng cho một người không hội đủ điều kiện.

Ông gọi tham nhũng là triệu chứng của chính quyền yếu kém, và nói rằng đưa vấn đề ra trước sự chú ý của công chúng và chính quyền rút cuộc có thể có tác dụng tốt.

Ông Kenny cho biết: “Các vấn đề này đòi hỏi sự thay đổi về quy củ làm việc, và thái độ của hàng triệu người trong nước, vì thế cần có thời giờ.”

Ông Kenny nói tham nhũng gây ra những vấn đề cho công cuộc làm ăn khi tiền bị tuồn vào túi của một viên chức thay vì được chi ra cho các dự án đường sá hay năng lượng.

Cô thợ may Nigeria Ukudi Nawa đổ lỗi cho tham nhũng đã gây ra vấn đề trong việc cung cấp điện cho công chúng. Cô nói khách hàng đã nổi giận khi bà tăng giá vì phải mua dầu để chạy máy điện riêng.

Bà Nawa nói: “Vậy là tham nhũng có ảnh hưởng tiêu cực cho công việc làm ăn của tôi vì tôi phải chi ra nhiều hơn.”

Phúc trình của Tổ chức Minh bạch Quốc tế dựa trên các nhận định về tham nhũng của nhiều nguồn thông tin từ các cơ sở kinh doanh, các tổ chức quốc tế, và các chuyên gia trên khắp thế giới.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG