Một cuộc thăm dò ý kiến trên mạng xã hội về việc Việt Nam có nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông đã thu hút hàng trăm ngàn lượt biểu quyết kể từ khi được đăng vào đầu tháng 5, và kết quả cho thấy gần tuyệt đại đa số nói có, những người khởi xướng cho biết.
Trung Quốc trong những tháng gần đây đã có một loạt những bước đi nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền ở vùng Biển Đông giàu tài nguyên có tranh chấp, trong đó có việc tàu hải cảnh của nước này đâm chìm tàu cá của Việt Nam và việc thành lập các khu vực hành chính để quản lí hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.
Những vụ việc này đã thổi bùng lên căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh giữa bối cảnh đại dịch virus corona có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đang hoành hành khắp thế giới, khơi lên các cáo buộc rằng Trung Quốc lợi dụng đại dịch để bành trướng ở Biển Đông.
Tình cảm chống đối Trung Quốc tăng cao nơi những người dùng Facebook ở Việt Nam và những nơi khác với nhiều lời kêu gọi kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế về điều được xem là hành vi xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Một cuộc thăm dò ý kiến công chúng, được đăng trên trang Facebook Việt Nam Dân chủ ngày 2 tháng 5, đặt câu hỏi liệu Việt Nam có nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không, đã thu hút hơn 335.000 lượt biểu quyết, tính đến ngày 22 tháng 5.
Kết quả thăm dò ý kiến không hiển thị đối với những người không tham gia biểu quyết, nhưng một trong những người điều hành trang này nói với VOA gần tuyệt đại đa số nói có.
“Tỉ lệ là 95% đồng ý và 5% không đồng ý,” Bác sĩ Trần Quốc Hưng, thành viên của một trong sáu nhóm khởi xướng cuộc thăm dò, cho biết.
Bác sĩ Hưng thuộc Viện Việt Nam Dân chủ, một tập hợp những người vận động cho dân chủ ở Việt Nam và chống lại “những chính sách độc tài và vong bản,” theo mô tả trên trang Facebook của tổ chức.
Ông cho biết cuộc thăm dò ý kiến nhằm mục đích khơi ra một phản hồi của người dân về những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và về điều mà ông nói là phản ứng “yếu ớt” của chính phủ Việt Nam.
“Đó là một hình thức để người dân thể hiện lòng yêu nước của của họ,” ông nói. “Người dân có cơ hội phản ánh nguyện vọng của họ. Họ tìm trong sự phản ánh đó một sự đồng hành, một sự thông cảm chung. Bởi vì khi người dân có sự thông cảm chung đó họ tạo cho họ một sức mạnh quần chúng qua việc hầu như thống nhất về tư tưởng.”
Trong phần bình luận bên dưới cuộc thăm dò, nhiều người bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối việc kiện Trung Quốc vì cho rằng nếu không Bắc Kinh sẽ ngày càng “lấn tới.” Nhiều người khác bày tỏ sự ủng hộ dè dặt và thậm chí lo ngại về những hệ lụy khả dĩ sau một hành động quyết liệt như vậy.
“Nên đấu tranh bằng biện pháp hòa bình thì vẫn hơn bởi thật ra là mình yếu hơn nó về mọi mặt,” một người dùng Facebook nêu nhận xét.
Dù Việt Nam khó có khả năng đi tới một quyết định táo bạo như vậy, bác sĩ Hưng nói ông cảm thấy “tự hào là người Việt Nam” trước kết quả của cuộc thăm dò. Hơn nữa ý tưởng này cũng nhận được sự ủng hộ của 39 tổ chức của những người Việt trong và ngoài nước cùng một số số tổ chức quốc tế, ông cho biết.
Nhiều tổ chức tôn giáo và dân sự của người Việt trong và ngoài nước và một số tổ chức quốc tế trong thông cáo báo chí chung hôm 15 tháng 5 bày tỏ sự ủng hộ cuộc thăm dò và “đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải thực thi nguyện vọng của tuyệt đại đa số quần chúng.”
Bác sĩ Hưng nói ông mong muốn nguyện vọng này được phản ánh lên Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế để họ hiểu rằng những thỏa thuận trước đây giữa hai nước láng giềng cộng sản không nhất thiết đại diện cho ý nguyện thực sự của đại đa số người dân.
Có một con số lớn những người đồng ý kiện "cũng là một hình thức mình dằn mặt" Trung Quốc, ông nói.
“Mình cũng mong kết quả thăm dò này là cái tạo cho người dân có khí thế cho họ đòi hỏi quyền tự quyết trong tương lai để làm chủ sinh mệnh của họ.”