Các hình ảnh của ông Thaksin Shinawatra được đưa ra trưng bầy đầy tại nơi bám trụ của phe chống chính phủ ở trung tâm Bangkok, chiếm ngự các bích chương, biểu ngữ, áo và mũ nón.
Vị cựu thủ tướng này nói chuyện gần như hàng ngày với những người biểu tình áo đỏ, qua phương tiện truyền thông vệ tinh. Ông đã khích lệ chiến dịch kéo dài 7 tuần lễ đòi đương kim thủ tướng Abhisit Vejjajiva từ chức và tổ chức bầu cử mới.
Mặc dù ông Thaksin là một nhà tài phiệt tỷ phú trong ngành truyền thông, hàng ngàn nông gia và người lao động trong hàng ngũ người biểu tình coi ông là người dẫn đường của họ.
Trong thời gian làm thủ tướng, ông đã đề ra chương trình chăm sóc sức khỏe rẻ tiền và xóa nợ, trong các cuộc vận động được quảng bá rầm rộ.
Những người chỉ trích ông nói rằng ông Thaksin tham nhũng độc tài, và lạm quyền.
Ông Pavin Chachavalpongpun là một giáo sư khảo cứu tại Học viện Khảo cứu về Đông nam châu Á của Singapore. Ông nói sự chú tâm mà ông Thaksin đặt vào vùng nông thôn là một điều chưa từng có từ trước đến nay khiến các ủng hộ viên của ông diễn dịch là vượt lên trên các cáo buộc về tham nhũng.
Ông Pavin nói: “Cho dù họ biết ông Thaksin là một chính trị gia tham nhũng, họ vẫn nói rằng, ‘Tại sao ta lại phải quan tâm khi mà không có ai ở Thái Lan là thực sự trong sạch cả?’ Quý vị biết đấy, có quá nhiều chính trị gia tham nhũng. Nhưng ít nhất, ông Thaksin còn cống hiến trở lại.”
Cũng như các ủng hộ viên của mình, ông Thaksin xuất thân từ miền bắc Thái Lan. Ông bắt đầu sự nghiệp trong ngành công lực, và nhờ đó mà được sự tín cẩn của giới cảnh sát.
Ông làm giầu vào thập niên 1980, qua việc xây dựng một vương quốc viễn thông. Những người chỉ trích ông đã tố cáo ông là tham nhũng vào năm 2006 khi gia đình ông bán các cổ phần trong công ty Shin, là một trong các tài sản của họ, cho các nhà đầu tư Singapore.
Thương vụ này bị chỉ trích là dành cho người nước ngoài quá nhiều quyền kiểm soát ngành truyền thông của Thái Lan, và để cho gia đình ông Thaksin trốn thuế, qua một khoản tu chính về luật truyền thông.
Ông còn bị chỉ trích về việc hạn chế giới truyền thông và về một chiến dịch chống ma túy đã đưa đến những hàng trăm vụ giết người bất hợp pháp.
Bất kể những sự kiện gây tranh cãi như thế, ông Thaksin được coi như đã hoàn tất những lời hứa giúp nông thôn miền bắc, khiến ông được sự tín cẩn mà nhiều cử tri nói là rất hiếm hoi trong giới chính trị gia Thái.
Các chính sách mị dân của ông Thaksin đã giúp ông đắc cử hai lần nhưng phong cách thô thiển của ông đã tạo ra nhiều kẻ thù trong giới cầm quyền thượng lưu theo truyền thống ở Bangkok.
Ông Marco Bunte làm công tác khảo cứu về chính trị Thái Lan tại Viện Khảo cứu Khu vực và Toàn cầu của Đức ở Hamburg. Ông nói rằng khúc ngoặt quan trọng là khi ông Thaksin đưa quá nhiều ủng hộ viên của ông vào các chức vụ chính trong quân đội, là cơ chế nhiều thế lực nhất của Thái Lan, có trách nhiệm bảo vệ quốc gia và chế độ quân chủ.
Ông Bunte cho biết: “Nói một cách đơn giản, ông Thaksin đã trở nên có quá nhiều quyền hành. Và điều nguy hiểm là quân đội nằm hoàn toàn dưới quyền ông. Một điều nữa là đằng sau quân đội là nhà vua. Quân đội rất thân cận với nhà vua.”
Năm 2005, quân đội lật đổ ông Thaksin. Ngay sau đó, các ủng hộ viên của ông ta, được gọi là phe áo đỏ, đã xuất đầu lộ diện lần đầu tiên, để lên án sự can thiệp của quân đội, và đòi quân đội đứng ra ngoài chính trị.
Các cuộc bầu cử năm 2007 đưa một chính phủ thân thiện với ông Thaksin lên nắm quyền, và nêu bật sự ủng hộ của dân chúng dành cho ông vẫn tiếp tục.
Hàng ngàn người biểu tình chống Thaksin mặc áo vàng đã xuống đường. Họ chiếm đóng các tòa nhà chính phủ trong nhiều tháng, trong cuộc phản kháng lên đến cao điểm là cuộc vây hãm kéo dài một tuần lễ ở phi trường quốc tế chính của Thái Lan.
Cuối cùng, các phán quyết của tòa án mang nặng tính cách chính trị đã đẩy các đồng minh của ông Thaksin ra khỏi chính quyền vào năm 2008. Quốc hội bầu cho ông Abhisit, người lãnh đạo đảng Dân chủ, làm thủ tướng. Trong nội các của ông có nhiều người thuộc phe áo vàng.
Một tòa án kết tội ông Thaksin là tham nhũng và tuyên phạt ông án tù 2 năm. Ông bỏ trốn và từ đó đã đi từ nước này qua nước khác để tránh bị dẫn độ.
Các chuyên gia phân tích nói rằng cuộc phản kháng của phe áo đỏ từ đó đã mở rộng từ một phong trào ủng hộ ông Thaksin thành một phong trào bao gồm những người đã chán ngấy giới thượng lưu trong quân đội và giai cấp cao cản trở tiến trình dân chủ.
Ông Thongchai Winnichakul là một giáo sư môn lịch sử ở trường Đại học Wisconsin.
Ông Thongchai nói: “Nhiều người vẫn còn nghĩ rằng những người biểu tình đến đây bởi vì ông Thaksin cho họ tiền. Đó chỉ là bề ngoài. Họ không nhìn thấy được rằng sự thay đổi sâu xa và không có cách nào khác bởi vì sự thay đổi đã diễn ra. Không có cách nào để đặt những người biểu tình nông thôn, những người quê mùa này, trở lại tình trạng chính trị cách đây 10, 20 năm. Điều đó không thể xảy ra được. Nay họ đòi chia sẻ quyền hành. Vì thế theo tôi, đó là một cuộc tranh đấu đòi quyền dân chủ bình đẳng.”
Chính phủ đã đề nghị tổ chức bầu cử vào cuối năm nay, nhưng giới lãnh đạo biểu tình nói các cuộc bầu cử phải được tổ chức trong vòng 3 tháng.
Bất kỳ bầu cử khi nào thì người trông đợi các ứng cử viên áo đỏ cũng dẫn đầu, kể cả những người thân cận với ông Thaksin.
Nhiều người Thái Lan trông mong những người thắng cử sẽ dẹp bỏ án tù của ông Thaksin về tội tham nhũng để ông có thể trở về Thái Lan. Và sự kiện này có thể đưa phe áo vàng trở lại đường phố và đất nước lại có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng nữa.
Đối với người dân Thái Lan, có thể không có một nhân vật nào gây chia rẽ hơn là ông Thaksin Shinawatra. Đối với một số trong nhiều ngàn người biểu tình chống chính phủ đang vây hãm thủ đô Bangkok, thì Thaksin là người bảo trợ họ. Đối với nhiều người khác, ông ta là một chính trị gia tham nhũng. Nhưng các chuyên gia phân tích thời cuộc cho rằng các cuộc biểu tình đã vượt ra khỏi phạm vi cựu thủ tướng gây nhiều tranh cãi và tiến vào các vấn đề tham gia dân chủ. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1