Một nhóm người đang nhận giấy chứng minh quốc tịch tại một buổi lễ ở Quốc hội Thái Lan.
Các thử nghiệm DNA chứng minh rằng cha mẹ những người này là công dân Thái, vì thế mà họ được vào quốc tịch.
Một cảm giác vui buồn lẫn lộn đến với bà mẹ của Adisak Lertchum, sinh ra ở Bangkok, một người sắc tộc Thái đã phải chờ 45 năm mới được nhận các dịch vụ xã hội như trợ cấp chăm sóc y tế.
Sự kiện đến quá trễ nên đã không cứu vãn được cái chân của anh.
Anh cho biết chân anh đã bị ung thư hơn 10 năm, nhưng bởi lẽ không có tiền, nên anh không đủ phương tiện đến bệnh viện. Vì không được chữa trị, nên anh phải cưa chân.
Adisak là người vô quốc tịch vì cha mẹ anh không đăng ký khai sinh cho anh.
Các tổ chức nhân quyền cho hay khoảng 300 ngàn người sắc tộc thiểu số ở Thái Lan nằm trong hoàn cảnh đó.
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Tuang Untachai đứng đầu một ủy ban ủng hộ việc thử nghiệm DNA và lập luận rằng chỉ có khoảng 100 ngàn người vô quốc tịch nên được nhập tịch Thái.
Theo ông, phần còn lại là dân di trú từ các quốc gia Đông Nam Á khác muốn được hưởng quyền lợi về an sinh xã hội của Thái lan.
Vị thượng nghị sĩ này nói rằng những người này dời cư để lánh nạn chiến tranh. Ông nói rằng một số dân di trú bất hợp pháp đến Thái Lan để làm việc, trong khi những người khác đến đây nhưng không chịu làm việc.
Thực vậy, nhiều người ở các bộ lạc miền đồi núi đến Thái Lan một cách bất hợp pháp để trốn tránh xung đột và cảnh nghèo khó ở lân quốc Miến Điện. Thường họ không chứng minh được quốc tịch ở Miến Điện.
Những người khác có gia đình đã sinh sống ở Thái Lan từ nhiều thế hệ nhưng không đăng ký khai sinh.
Ma Sa, một người sắc tộc Karen là một trong những người duy nhất trong làng sinh ra ở Thái Lan. Cô đang xin nhập quốc tịch.
Cô Ma Sa nói được nhập tịch Thái là điều tốt cho cô nếu cô muốn đến bệnh viện. Cô có thể xin thẻ để được chăm sóc y tế miễn phí.
Không có quốc tịch, cô không thể sở hữu đất đai, hay thậm chí rời khỏi làng mà không được phép.
Tại một cơ quan chính phủ ở tỉnh Mae Hong Son, khoảng 20 dân làng ngồi trên những cái ghế bằng nhựa trong khi chờ giấy tờ và đơn xin được cứu xét.
Nhiều người thiểu số vô quốc tịch thậm chí còn không biết là họ không có quốc tịch cho đến khi họ nộp đơn xin hưởng các dịch vụ của chính phủ hay tìm cách rời khỏi làng.
Trên tường là những bích chương giải thích các loại thẻ chứng minh khác nhau được cấp cho các sắc dân thiểu số.
Đó là một hệ thống nhiều tầng cung cấp quyền lợi như chăm sóc y tế cho một số loại giấy tờ chứng minh này, nhưng một số loại khác thì lại không được.
Các tổ chức nhân quyền nói hệ thống này nuôi dưỡng tham nhũng và thành kiến thường là một trở ngại.
Ông Jaroon Jinakan, một viên chức phụ trách đăng ký, phủ nhận sự kiện có các vấn đề như thế nhưng lại thừa nhận quyền cấp quốc tịch nằm trong tay các giới chức địa phương.
Ông này cho biết trưởng ban là người sẽ quyết định có cho nhập tịch hay không. Ông nói việc này tùy thuộc vào ý kiến của ông ấy, kiến thức về luật pháp, những người làm chứng và người nộp đơn xin nhập tịch.
Để có một hình ảnh chính xác hơn về vấn nạn của những người này, Liên hiệp quốc đang hợp tác với giới hữu trách Thái trong một cuộc thăm dó lớn nhất từ trước đến nay thực hiện về các bộ tộc.
Cuộc thăm dò lần trước thực hiện vào năm 2007 cho thấy hơn phân nửa số người được thăm dò không có giấy khai sinh và có phần chắc chưa đầy một nửa số trẻ em vô quốc tịch được có một nền giáo dục cơ bản so với các trẻ em khác.
Thái Lan là nơi sinh cư của hàng trăm ngàn người sinh ra nhưng không được thừa nhận là công dân vì thiếu giấy tờ hợp pháp. Một số là người sắc tộc Thái nhưng nhiều người khác thuộc các sắc dân thiểu số sống trong các bộ lạc vùng đồi núi hẻo lánh – có tới 1 phần ba số người này không có quốc tịch. Không có quốc tịch thì họ không thể sở hữu đất đai hay đi bầu, và thường bị loại ra khỏi các dịch vụ y tế được nhà nước tài trợ và phải có phép mới được rời khỏi làng mạc. Thông tín viên VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài đầu tiên của loạt bài tường trình từ Bangkok về các sắc dân thiểu số.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1