Ông Sabong Suprang làm việc dọn rác ở Bangkok từ hơn 10 năm nay. Ông cho biết ông yêu thích công việc vì nó giúp cho thành phố này được sạch sẽ hơn.
Từ khi nước lũ tràn về Bangkok, ông Sabong đã phải làm việc liên tiếp 7 ngày một tuần. Tại quận Phet Kasem của Bangkok, nơi nước lụt ngập tới thắt lưng từ cả tuần nay, ông Sabong đứng trên chiếc xe rác với đôi chân không giày dép và dùng tay không để nhặt rác trong lúc mặt mũi nhăn nhó vì mùi hôi khó chịu.
Ông Sabong cho biết khi không có lụt ông cũng phải đi thu rác mỗi ngày, nhưng lụt lội làm cho công việc trở nên khó khăn hơn vì có nhiều nơi xe rác không tới được. Ông nói rằng rác rưởi nhiều hơn trước, sau khi dân chúng di tản, và có những nơi rác rưởi tràn ngập cả tuần và bốc mùi hôi.
Giới hữu trách Bangkok ước tính số rác hàng ngày ở thành phố này lên tới 8,000 tấn và xe rác mang rác tới đổ ở ba khu đổ rác. Hai trong số 3 khu này giờ đây bị ngập nước; và vì có nhiều nhân viên không đến làm việc, hiện nay họ chỉ gom được khoảng 400 tấn rác mỗi ngày.
Phó đô trưởng Bangkok, ông Porthep Techpaiboon, nói rằng thành phố không có đủ tàu xuồng cho những nhân viên đến trình diện để nhận lãnh công việc mỗi ngày.
Ông Pornthep nói: "Việc thu rác là công tác khó khăn nhất vì tình trạng lụt lội hiện nay. Chúng tôi không có đủ nhân lực. Thông thường chúng tôi có khoảng 500 người làm việc ở mỗi quận. Nhưng bây giờ chỉ có khoảng phân nửa đến sở làm vì ảnh hưởng của lũ lụt."
Trước đây, chính quyền thành phố thường thuê một số tù nhân ngồi tù vì những tội không có bạo động để họ nhặt rác với tiền lương khoảng 10 đô la mỗi ngày. Nhưng ông Pornthep cho biết những tù nhân đó bây giờ chỉ muốn làm công việc đắp đê bằng bao cát, chứ không muốn nhặt rác trong nước lũ vì sợ mắc bệnh.
Ông Pornthep nói tiếp: "Rác rưởi hiện giờ bị thối rữa hoặc có mùi hôi hoặc bị ô nhiễm vì nước không có đủ oxy, thế thôi, chứ chưa có mầm bệnh gì trong đó cả. Nếu có bệnh truyền nhiễm thì nó đã lan tràn rất nhanh."
Những loại chất thải cứng không phải là vấn đề duy nhất. Thành phố còn thải ra chừng 30,000 tấn nước thải mỗi ngày và giới hữu trách e rằng những cống rãnh quá tải có thể là nguồn gây ra bệnh tật. Một nhà máy phân bón có khả năng xử lý toàn bộ nước thải của Bangkok hiện giờ vẫn còn hoạt động, nhưng hầu như toàn bộ dân chúng trong các khu vực bị ngập lụt không có cầu tiêu giật nước. Phó đô trưởng Pornthep nói rằng việc thu nhặt phân người giờ đây cũng rơi vào tay những người dọn rác.
Ông Pornthep cho biết: "Chúng tôi cũng thiết lập nhiều nhà cầu di động và phân phát những túi đựng phân gọi là túi tiện lợi. Đó là những túi nhựa đen để người dân bỏ phân vào rồi buộc túi lại và mang ra ngoài để chúng tôi phái người tới lấy đi."
Bên cạnh việc giảm bớt những mối rủi ro về sức khỏe cho công chúng, những người nhặt rác còn góp phần làm cho nước lũ thoát ra khỏi thành phố nhanh hơn. Các chuyên gia theo dõi tình hình lụt lội nói rằng việc giữ cho kênh rạch, cống rãnh và trạm bơm nước không bị nghẽn vì rác rưởi đóng một vai trò rất quan trọng trong việc làm cho nước lũ thoát nhanh ra biển.
Nhân viên dọn rác chật vật với công việc ở thủ đô Bangkok bị ngập lụt
- Gabriel Paluch
Tại thủ đô Thái Lan mọi người đang chú tâm tới việc ngăn không cho nước lũ tràn vào trung tâm thành phố. Nhưng cũng có nhiều người lo ngại về vấn đề sức khỏe vì rác rưởi, nước cống và những khối nước có chứa hóa chất độc hại tràn ra từ các khu công nghiệp và những rruộng lúa ở miền bắc. Thông tín viên Gabriel Paluch của đài VOA đã đi theo một toán nhân viên dọn rác ở Bangkok và gởi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1