Đường dẫn truy cập

Lụt lội thiệt hại cho việc sản xuất gạo ở Thái Lan


Thái Lan xuất khẩu tới 1 triệu tấn gạo mỗi năm, tức 1/3 thị trường toàn cầu
Thái Lan xuất khẩu tới 1 triệu tấn gạo mỗi năm, tức 1/3 thị trường toàn cầu

Thái Lan là nước xuất khẩu gạo số 1 trên thế giới và năm nay bị mất hàng ngàn hecta ruộng lúa trong nạn lụt lịch sử lan tràn khắp nước. Sự thiệt hại đã gây quan ngại về tác động đối với giá gạo và mức cung ứng trên toàn cầu. Nhưng các chuyên gia phân tích thị trường nói rằng một mùa thu hoạch kỷ lục, một sự thặng dư trên toàn cầu, chắc sẽ ngăn chặn được mọi gián đoạn đáng kể. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.

Thái Lan xuất khẩu tới 1 triệu tấn gạo mỗi năm, tức là 1/3 thị trường toàn cầu.

Nhưng nạn lụt tai hại trong năm nay đã tràn qua Miến Điện, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, gây thiệt mạng cho hàng ngàn người và làm hư hại những khu ruộng lúa lớn.

Thái Lan bị tác động nặng nề nhất.

Một phần tư quốc gia chìm trong làn nước, phần lớn là những nông trại và ruộng lúa.

Ông Saramentdu Mohanty là kinh tế gia trưởng tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế ở Philippines. Ông ước tính có tới 7 triệu tấn gạo thu hoạch ở Thái Lan bị hư hại.

Ông Saramentdu nói: “Người ta đã trông đợi một mùa thu họach kỷ lục, khoảng 25 triệu tấn. Vậy đó là một mùa thu hoạch lớn và ta có thể nói khoảng 1/4 đã bị hư hại. Đồng thời, tôi muốn nói rằng nếu ta xét về những gì đang xảy ra ở những nơi khác trên thế giới và mức dự trữ toàn cầu, thì ta vẫn có một tình hình khá thoải mái.”

Theo ông Saramendu, trữ lượng gạo toàn cầu ở mức cao hơn năm 2008 ít nhất là 20 triệu tấn, khi mà một số nước hạn chế xuất khẩu và giá gạo mau chóng tăng gấp đôi vì lo ngại về số cung không đủ.

Các chuyên gia phân tích thị trường gạo nói rằng lụt lội có thể gây ra tình trạng biến động tạm thời về giá cả. Nhưng họ nói rằng có phần chắc giá không tăng mạnh vì các nhà sản xuất mới gia nhập thị trường.

Hồi tháng 9, Ấn Độ đã bãi bỏ một lệnh cấm xuất khẩu gạo không phải loại basmati.

Lượng xuất khẩu bổ sung và các mùa thu hoạch kỷ lục tại khắp các nước khác ở châu Á dự trù sẽ bù lấp hơn mức thất thu ở đông nam châu Á và ngăn chặn mọi hiện tượng tăng giá gạo đáng kể.

Bà Concepcion Calpe là một kinh tế gia kỳ cựu thuộc Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc ở Rome.

Bà Calpe cho rằng đây chủ yếu là nhờ các mùa thu hoạch cực kỳ tốt đẹp ở các nước sản xuất gạo chính như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam. Các nước chính sản xuất gạo duy nhất có thể chịu thất bát là Indonesia bởi vì nước này cũng gặp một số vấn đề xấu khác. Nhưng cho đến gần đây, chính phủ tiên liệu cũng sẽ có một mùa thu hoạch lớn ở đó.

Bà Calpe nói trước khi xảy ra nạn lụt, Thái Lan có số gạo dữ trữ khoảng từ 5 đến 6 triệu tấn. Và cũng như phần lớn các nước Đông Á, Thái Lan có khả năng trồng một vụ mùa thứ nhì một khi nước lụt rút đi.

Bà Calpe không tin rằng lụt lội sẽ có tác động quá mức tạm thời. Bà thấy thiệt hại xuất phát từ khâu tiếp vận, tức là không thể vận chuyển tiếp liệu, chứ không phải vì thiếu tiếp liệu.

Các chính sách mới của chính phủ về giá cả ở Thái Lan cũng dự trù sẽ giảm mức xuất khẩu gạo trong năm 2012.

Thủ tướng Thái Lan Yingluch Shinawatra đã hứa sẽ mua gạo của các nông ai ở trên giá thị trường để có thể gia tăng thu nhập vùng nông thôn.

Theo kế hoạch này, giới hữu trách dự trù sẽ mua gạo với giá cao hơn 50%. Trong khi gia tăng mức cung trong nước bằng cách khích lệ các nhà sản xuất bằng giá cao hơn, kế hoạch cũng dự trù sẽ khiến cho gạo Thái Lan bớt tính cạnh tranh trên các thị trường thế giới.

Kế hoạch cũng góp phần làm cho Thái Lan mất đi vị thế là nước xuất khẩu gạo số 1 trên thế giới trong khi những nước cung cấp gạo khác như Ấn Độ và Việt Nam tiến vào các thị trường xuất khẩu gạo của Thái Lan.

Chuyên gia Saramendu nói giá gạo Thái cao hơn có thể là một điều tốt cho các nước xuất khẩu gạo nghèo hơn như Miến Điện (Myanmar).

Ông Saramendu cho biết: “Do đó, sự kiện này có thể khích lệ Myanmar ay Kampuchea nổi lên thành các nước xuất khẩu nhờ giá cao hơn. Vì thế tôi nghĩ rằng điều ây không thức sự xấu cho an ninh thực phẩm toàn cầu dài hạn xét về việc chúng ta cần có nhiều nguồn cung ứng để ổn định hóa thị trường này.

Từng là thuộc địa của Anh vào thập niên 1930, Miến Điện đã là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Nhưng nội chiến, quân trị và quản lý kinh tế sai trái đã gây thiệt hại cho sản xuất và nước này chưa bao giờ lấy lại được vị thế đã mất.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG