Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Priromya và Ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong sẽ thuyết trình trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong ngày hôm nay.
Campuchia đã yêu cầu mở cuộc họp khẩn này sau khi vụ giao tranh dữ dội nhất trong vòng nhiều năm với Thái Lan bùng ra gần khu vực biên giới có tranh chấp.
Ít nhất 8 người đã thiệt mạng khi binh sĩ hai nước dùng súng máy và đại pháo để tấn công nhau. Hàng ngàn dân làng đã phải phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn và đôi bên đều tố cáo phía bên kia bắn trước.
Campuchia nói rằng những vụ đụng độ này không khác gì một cuộc chiến tranh và họ muốn Liên hiệp quốc phái binh sĩ duy trì hòa bình tới khu vực này.
Ông Phay Siphan, một phát ngôn viên của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, nói rằng sự hiện diện của Liên hiệp quốc sẽ có ích cho việc xây dựng lòng tin giữa Thái Lan và Campuchia.
Ông Phay Siphan nói: "Điều mà chúng tôi muốn nói với thế giới là chúng tôi muốn ngăn chận mọi hành vi xâm lấn. Chúng tôi muốn chặn đứng những vụ bắn phá vào đền Preah Vihear. Và chúng tôi muốn xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia."
Campuchia cũng đã phái thêm binh sĩ tới vùng biên giới, và điều này làm tăng thêm mối lo ngại là giao tranh có thể bùng ra trở lại và leo thang một cách nhanh chóng.
Thái Lan bác bỏ đề nghị phái binh sĩ duy trì hòa bình Liên hiệp quốc.
Phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Panitan Wattanayagorn nói rằng vấn đề phải được giải quyết bằng đường lối song phương.
Ông Panitan nói: "Chúng tôi hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ thuyết phục Campuchia quay lại bàn thương nghị với chúng tôi. Tại cuộc thương lượng này chúng tôi đã có sẵn biên bản ghi nhớ và chúng tôi cũng đã có sẵn một cơ chế là ủy ban hỗn hợp biên giới. Theo kế hoạch thì ủy ban này sẽ mở cuộc họp trước khi vụ việc xảy ra vào cuối tháng trước."
Campuchia đã rút khỏi cuộc họp sau khi giao tranh bùng ra.
Những vụ đụng độ xảy ra gần phần đất có tranh chấp xung quanh ngôi đền cổ 900 năm của Ấn Ðộ giáo mà Campuchia gọi là Preah Vihear và Thái Lan gọi là Phra Viharn.
Năm 1962 Tòa án Quốc tế phán định rằng ngôi đền này thuộc về Campuchia, nhưng một cổng chính của ngôi đền nằm trên đất Thái Lan và cả hai nước không đồng ý với nhau về vấn đề chủ quyền của phần đất xung quanh ngôi đền.
Vụ tranh chấp biên giới này nổ ra vào năm 2008, sau khi tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc đồng ý liệt kê ngôi đền này vào danh sách Di sản Thế giới.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Thái Lan, trong đó có nhiều người cho rằng ngôi đền này thuộc về nước họ, đã phản đối. Thái Lan và Campuchia sau đó đều phái thêm binh lính tới vùng biên giới, và những vụ đụng độ lẻ tẻ đã xảy ra.
Trong vụ giao tranh mới nhất, Campuchia nói rằng đạn pháo của Thái Lan đã gây hư hại nặng cho ngôi đền, tuy truyền thông nước ngoài cho biết chỉ có hư hại sơ sài.
Một toán nhân viên Liên hiệp quốc muốn đến nơi để xem xét mức độ thiệt hại, nhưng Thái Lan chống đối việc đó và đang vận động để Liên hiệp quốc đưa đền này ra khỏi danh sách Di sản thế giới.
Tình hình căng thẳng ở biên giới diễn ra trong lúc chính phủ Thái Lan gặp phải nhiều áp lực.
Hàng ngàn người chống chính phủ thuộc phe Áo Đỏ đã thực hiện những cuộc biểu tình hàng tháng để phản đối điều mà họ cho là sự đối xử bất công đối với các nhà lãnh đạo của họ.
Những người theo dân tộc chủ nghĩa, thường được gọi là phe Áo Vàng, cũng xuống đường biểu tình để phản đối điều mà họ cho là thái độ nhu nhược của chính phủ trong vụ tranh chấp biên giới với Campuchia.
Thái Lan và Campuchia đang chuẩn bị trình bày lý lẽ và lập trường của họ trước Liên hiệp quốc về vụ giao tranh bùng ra cách nay một tuần ở vùng biên giới có tranh chấp. Campuchia muốn Liên hiệp quốc phái binh sĩ duy trì hòa bình tới nơi để ngăn chận những vụ đụng độ, nhưng Thái Lan bác bỏ sự can dự của Liên Hiệp Quốc. Từ Bangkok, thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1