Những vụ giao tranh lẻ tẻ vẫn tiếp diễn vào chiều tối hôm thứ Hai dọc theo biên giới Thái-Campuchia với tiếng đại pháo rát tai và nhiều vụ nổ.
Quân đội hai nước giao tranh sử dụng cả đại pháo lẫn vũ khí nhỏ trong 4 ngày qua gần ngôi đền trong phần lãnh thổ tranh chấp. Đường biên giới giữa hai nước trong khu vực tranh chấp chưa bao giờ được đánh dấu rõ ràng.
Bên nọ đổ lỗi cho bên kia đã nổ súng trước.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia đã hủy bỏ những dự tính công du Phnom Penh và Bangkok vào thứ Hai để thảo luận về những phương cách chấm dứt giao tranh tại biên giới, vụ này bùng nổ vào tháng Hai và đã gây ra chết chóc cho hơn 20 người.
Một số các nhà phân tích thời cuộc nói rằng có thể quân đội Thái đã thúc đẩy chính phủ tránh né những nỗ lực của Indonesia muốn đứng trung gian hòa giải vụ tranh chấp.
ọ nói rằng giới chỉ huy quân đội đang giữ một lập trường cương quyết hơn trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử, theo dự trù sẽ được tổ chức hạn chót là vào tháng Bảy.
Ông Pavin Chachavalpongpun là chuyên gia làm việc tại Viện Nghiên Cứu đông nam Á của Singapore, nói rằng quân đội Thái không mấy hăng hái với cuộc bầu cử vì sợ rằng các đồng minh của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra có thể trở lại nắm quyền và thay đổi cơ cấu chỉ huy trong quân đội.
Ông nói: ”Vì vậy theo tôi dường như quân đội có chủ ý vin vào cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Thái và Campuchia để biện minh cho việc đình hoãn cuộc bầu cử sắp tới.”
Ông Thaksin đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính của quân đội năm 2006 và những người ủng hộ ông đã bị loại ra khỏi chính phủ và quân đội.
Nhiều nhà phân tích thời cuộc trong khu vực nói rằng giới có quyền thế cố hữu trong chính phủ Bangkok và quân đội cảm thấy bị đe dọa vì sự ủng hộ của công chúng dành cho ông Thaksin.
Những người chỉ trích doanh nhân cự phú trong ngành viễn thông này đã tham nhũng và độc tài, nhưng ông lại được giới công nhân viên và dân quê hai lần bỏ phiếu ủng hộ giúp ông thắng cử.
Ông Thaksin hiện sống lưu vong để tránh né cáo trạng tham nhũng nhưng những người ủng hộ ông lại muốn ông trở lại cầm quyền.
Các cuộc thăm dò công luận cho thấy kết quả cuộc bầu cử sẽ rất sát giữa đảng đối lập Puea Thái, đồng minh của ông Thaksin, và đảng Dân Chủ đương quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.
Ông Carl Thayer, giáo sư về chính trị đông nam Á tại đại học New South Wales của Australia. Ông nói nỗi lo sợ sẽ có thay đổi trong hàng ngũ chỉ huy quân đội đã khiến quân đội nước này thúc ép chính phủ tránh né một thỏa thuận cho phép các quan sát viên Indonesia đến khu vực biên giới.
Ông phát biểu: "Nói cách khác, dân sự kiểm soát quân sự là điều không hề có trên thực tế. Quân đội có quyền lực riêng của họ và họ vẫn làm theo cách đó và có lẽ để tự bảo vệ hầu sinh tồn vì nếu các cuộc bầu cử được tổ chức sẽ mang đến một nguy cơ lớn cho họ, theo con mắt của họ, bầu cử là đi sai đường."
Ông Werachon Sukondhapatipak là một phát ngôn viên quân đội Thái. Ông bác bỏ hàm ý cho rằng tình hình ở biên giới có dính líu đến chính trị tại Thái.
Ông nói: "Đối với quân đội Thái, dứt khoát chúng tôi sẽ không đưa an ninh của nhân dân và an nguy của quốc gia vào chính trị. Chúng tôi coi hai chuyện này hoàn toàn riêng rẽ."
Phe đối lập và một số nhà phân tích thời cuộc nói rằng quân đội Thái có thể dùng vụ xung đột với Campuchia như là một cái cớ để chiếm quyền.
Kể từ năm 1932 tới nay, Thái Lan đã có tới 18 lần cả đảo chính lẫn mưu toan đảo chính.
Tuy nhiên, giới chỉ huy quân đội đã phủ nhận tin cho là họ sẽ đảo chính nữa.
Mặc dù quân đội đã công khai lên tiếng trấn an, trong tuần qua đã xảy ra vụ truyền hình tại Thái bị cúp trong vòng mấy tiếng đồng hồ khiến cho nhiều người ở đây sợ rằng đã xảy ra một vụ đảo chính. Sau đó thì vụ việc được thông báo là do trục trặc kỹ thuật.
Giao tranh vẫn tiếp diễn dọc theo biên giới Thái-Campuchia sau các vụ đụng độ trong mấy ngày qua khiến ít nhất 12 người thiệt mạng. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia đã hủy bỏ chuyến công du có mục đích tìm cách giúp hòa giải chấm dứt cuộc tranh chấp. Từ Bangkok, thông tín viên Daniel Schearf tường trình rằng quân đội nước này, lo ngại vì cuộc bầu cử sắp tới, có thể đang thúc đẩy chính phủ bác bỏ những nỗ lực hòa giải của quốc tế.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1