Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Tướng Yutthasack Sasiprapha và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, tướng Tea Banh, sẽ đồng chủ tọa một cuộc họp của Ủy ban Biên giới chung tại Phnom-Penh vào ngày mùng 8 tháng 9.
Ông Panitan Wattanayagorn, một nhà khoa học chính trị tại trường đại học Chulalongkorn và là phát ngôn viên chính phủ, cho biết mặc dù có một vài bất đồng tồn tại nhưng cũng có cảm giác cho thấy cả hai nước muốn trở lại tình trạng bang giao bình thường.
Ông Panitan nói: “Theo tôi thì cả hai phía đang cố gắng gây một ấn tượng mới rằng họ sẽ trở lại bàn hội nghị. Dĩ nhiên những vấn đề gay go vẫn như cũ, nhưng họ cố gắng tạo ra một ấn tượng rằng mọi chuyện trở lại bình thường và không tệ hại lắm vì trong tình thế này người ta cần phải tạo ra cảm nghĩ tốt hơn.”
Tin tức báo chí nói rằng tướng Yutthasak cũng sẽ hội kiến với Thủ tướng Hun Sen.
Các cuộc đàm phán đánh dấu một bước tiến tới việc tái lập lại quan hệ xuyên biên giới sau giai đọan đầy sóng gió dưới thời chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiwa, nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ Thái Lan.
Cuộc xung đột xoay quanh ngôi đền Ấn giáo Preah Vihear được xây từ thế kỷ thứ 11, với việc cả Thái Lan và Campuchia tố cáo lẫn nhau có hành động xâm lược và pháo kích vào các địa điểm nhỏ hơn của ngôi đền này. Khoảng 18 người đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh và hằng ngàn người khác phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Ông Carl Thayer, một nhà khoa học chính trị tại đại học New South Wales của Australia, nói rằng từ khi chính phủ của bà Yingluck Sinawatra được bầu lên, không khí ngoại giao đã được cải thiện.
Ông Thayer nói: “Các triển vọng chung là tốt đẹp vào lúc này – tốt đẹp một cách dè dặt. Nhưng Bà Yingluck đang đứng trước những vấn đề gay go trong nước và nếu có ai đưa vấn đề biên giới ra làm đề tài tranh cãi thì vấn đề sẽ trở thành phức tạp.”
Trong quá khứ, cuộc tranh chấp biên giới với Campuchia đã là sự chia rẽ chính trị tại Thái Lan, nơi các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc tố cáo các đồng minh cũa cựu Thủ tướng Thaksin Siawatra đã không mạnh mẽ đại diện cho quyền lợi của Thái Lan trong cuộc xung đột.
Ông Thaksin có những quan hệ mật thiết lâu năm với Thủ tướng Hun Sen và cả hai nước có các quan hệ thân thiện hơn khi ông Thaksin giữ chức Thủ tướng Thái. Công ty Viễn thông Shin Corp trước đây của ông Thaksin đảm nhận vai trò chủ yếu trong lãnh vực điện thoại di động và TV dây cáp của Campuchia trong thập niên 1990.
Sau khi ông Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006, ông Hun Sen đã mời ông làm cố vấn kinh tế năm 2009 và ông Thaksin đã đến thăm Campuchia sau đó.
Trong năm 2009, tình trạng căng thẳng giữa hai nước lại gia tăng vì vấn đề biên giới đưa tới những trận đụng độ lẻ tẻ kéo dài trong hai năm sau.
Tháng 7 năm nay, Campuchia đã yêu cầu Tòa án quốc tế phán quyết về cuộc tranh chấp. Tòa đã kêu gọi thiết lập khu vực phi quân sự gần đền Preah Vihear và bố trí các quan sát viên quân sự của Indonesia để giám sát việc thực thi thỏa hiệp.
Theo dự kiến Campuchia sẽ thúc giục các quan sát viên Indonesia hành động để bảo đảm chống lại việc Thái Lan tăng cường binh sĩ của họ.
Ông Hang Chayya, Giám đốc Học viện Dân chủ Campuchia nói rằng tuy Campuchia hành động để kiểm soát sự phát triển của ngôi đền, Phnom-Penh tỏ ra thận trọng hơn trong cuộc thương thảo với Thái Lan.
Ông Chayya nói: “Chính phủ Campuchia vẫn muốn theo dõi vấn đề này với quốc tế và với các quan sát viên Indonesia và muốn hành đôïng và tạo một tác động về kế hoạch phát triển mà Campuchia muốn thực hiện liên quan đến đền Preah Vihear. Nhưng chính phủ đang theo một đường lối rất dè dặt. Họ không muốn nêu lại vấn đề này với tân chính phủ của bà Yingluck.”
Thái Lan và Campuchia giờ đây nói rằng việc phục hồi quan hệ giữa hai nước là vấn đề ưu tiên. Thủ tướng Hun Sen cho biết ông trông đợi cải thiện tình hình biên giới qua việc cuộc tranh chấp ngang qua biên giới sẽ không còn được nêu ra trong cuộc họp của Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á gồm 10 nước thành viên nữa.
Căng thẳng Thái-Campuchia giảm trước hội nghị bộ trưởng quốc phòng
Thái Lan và Campuchia hy vọng cuộc họp giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước trong tháng 9 sẽ giúp tái lập các quan hệ ngang qua biên giới sau những căng thẳng và các cuộc đụng độ của binh sĩ hai phía. Theo tường trình của Thông tín viên VOA Ron Corben từ Bangkok, triển vọng cải thiện ngoại giao diễn ra tiếp theo việc thành lập chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra sau cuộc bầu cử hồi tháng 7 tại Thái Lan.