UNHCR đón nhận một cách dè dặt các tin tức cho biết Thái Lan dự tính sẽ cho hồi hương người tị nạn Miến Điện sống trong các trại tị nạn dọc theo biên giới phía tây, giáp với Miến Điện.
Tin đồn về kế hoạch hồi hương người tị nạn được loan truyền sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva và giám đốc an ninh quốc gia. Vấn đề cũng được nêu lên trong các cuộc đàm phán không chính thức giữa Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya và người đồng nhiệm Miến Điện Wunna Muang Lwin.
Nhưng bà Kitty McKinsey, phát ngôn viên cấp cao về khu vực của UNHCR, nói rằng kế hoạch cuối cùng nhằm cho hồi hương người tị nạn Miến Điện chỉ nên được tiến hành khi các điều kiện về an toàn được đáp ứng.
Bà McKinsey nói: "Đây là một tiến trình có tính cách dài hạn, và tôi xin lưu ý rằng thậm chí cả giới chức chính phủ Thái Lan chưa đưa ra ngày giờ cụ thể, hay bất kỳ thời hạn nào. Thế nên, việc đóng cửa các trại tị nạn là mục tiêu chúng tôi cùng chia sẻ. Chúng tôi chưa hề nói rằng những người tị nạn đó nên sống mãi ở Thái Lan. Không ai muốn là người tị nạn suốt đời."
Bà McKinsey nói rằng việc hồi hương người tị nạn cần phải có sự tham gia giám sát của quốc tế nhằm đảm bảo rằng việc dọn mìn đã được tiến hành, và người tị nạn tình nguyện trở về.
Hiện có khoảng 140.000 người tị nạn Miến Điện, mà phần đông là người sắc tộc Karen, trong 9 trại tị nạn. Họ đã chạy trốn tình trạng xung đột trong nước sau nhiều thập kỷ chiến đấu với chính quyền trung ương. Một số người đã sống trong trại tị nạn tới 20 năm.
Các giới chức chính phủ Thái đã mở các cuộc đàm phán với chính phủ mới của Miến Điện về việc đóng cửa các trại tị nạn.
Nhưng các tổ chức nhân quyền nói rằng các điều kiện bên trong Miến Điện vẫn chưa an toàn.
Ông Jack Dunford, giám đốc điều hành của tổ chức cứu trợ người tị nạn có tên gọi Thailand Burma Border Consortium, cho rằng tình trạng giao tranh vẫn tiếp diễn bên trong Miến Điện, và những người trở về có khả năng sẽ phải đối mặt tới tình trạng vi phạm nhân quyền.
Ông Dunford nói: "Tất cả chúng tôi đều hy vọng rằng người tị nạn có thể trở về nhà trong tương lai. Tất cả chúng tôi đều muốn chứng kiến các trại bị đóng cửa. Nhưng bằng chứng cho thấy rằng tình hình thực tế ở miền đông Miến Điện chưa cải thiện, và rằng xung đột và việc vi phạm nhân quyền vẫn tiếp tục, dẫn đến nhiều người phải đi tị nạn, thay vì các điều kiện (phù hợp) mà người tị nạn có thể trở về."
Bà Debbie Stothardt, phát ngôn viên của tổ chức Mạng Lưới Nhân Quyền Thay thế ASEAN, nói rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, mà Miến Điện là một nước thành viên, có các nghĩa vụ theo luật quốc tế nhằm ngăn tránh các vụ vi phạm nhân quyền.
Bà Stothardt nói: "Thực tế là những người đó bị đẩy trở lại các tình thế mà họ sẽ chịu đựng nhiều hơn trước các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN, cần phải hiều các cam kết quốc tế theo luật quốc tế. Việc họ đang mượn cớ các cuộc bầu cử ở Miến Điện để đẩy những người đó vào tình thế nguy hiểm là điều không chấp nhận được."
Các tổ chức nhân quyền nói rằng chính phủ Thái Lan cũng chịu áp lực từ phía một số nhà tài trợ quốc tế, những người nói rằng tân chính phủ mới được bầu lên ở Miến Điện đã biểu hiệu cho một sự thay đổi các điều kiện chính trị bên trong Miến Điện. Nhưng các tổ chức nhân quyền nói rằng bất kể quốc hội vừa được bầu ra ở Miến Điện, quân đội nước này vẫn là lực lượng bao trùm và chỉ đạo mọi chính sách ở hậu trường.
Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cùng với các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng bày tỏ quan ngại trước các tin tức nói rằng Thái Lan dự tính sẽ cho hồi hương hơn 100 nghìn người Miến Điện hiện sống trong các lán trại ở Thái Lan. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben từ Bangkok, các tổ chức nhân quyền nói rằng xung đột và tình trạng vi phạm nhân quyền vẫn tiếp diễn ở Miến Điện, tại một khu vực vẫn còn vương vãi mìn sát thương sót lại sau nhiều thập kỷ xung đột.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1