Quân đội Thái Lan cho hay ít nhất 30 phiến quân đã tham gia cuộc tấn công nhắm vào một trại binh nhỏ trong tỉnh Narathiwat ở miền nam. Các phần tử nổi dậy đã xông vào kho đạn và cướp đi một số súng ống.
Vụ tấn công khuya thứ tư đã được một số người so sánh với vụ tấn công một căn cứ của quân đội hồi tháng giêng năm 2004, đánh dấu sự leo thang của bạo động ở các tỉnh miền nam, nơi đa số cư dân là người theo đạo Hồi.
Hôm nay, phát ngôn viên chính phủ Thái Lan, ông Panitan Wattanayagorn, nói rằng giới hữu trách đã nhận thấy những dấu hiệu của một mối đe dọa đối với các lực lượng an ninh.
Ông cho biết: "Thật ra thì chúng tôi đã được cảnh báo về vụ việc mới nhất ở Narathiwat cách nay vài ngày nhưng đó là một khu vực rất khó kiểm soát. Vùng này vẫn tiếp tục là một trong những cứ địa của các nhóm hiếu chiến. Chúng tôi đã đưa ra lệnh cảnh báo cho các sĩ quan trong vùng cách nay vài này để yêu cầu họ lưu ý là họ có thể là mục tiêu tấn công. Có điều đáng buồn là họ đã không thể tự bảo vệ cho mình."
Các nguồn tin tình báo nói rằng những kẻ tấn công cũng đã chặn đánh các toán quân tiếp viện và họ cho rằng điều đó cho thấy là cuộc tấn công đã được trù hoạch kỹ lưỡng.
Chính phủ Thái Lan cho hay sự sút giảm của những vụ tấn công trong năm vừa qua chứng tỏ là chính quyền đã có được tiến bộ trong việc giảm thiểu tình trạng bạo động ở miền nam.
Từ năm 2001, Thái Lan đã chật vật ứng phó với bạo động của phe đòi ly khai ở các tỉnh miền nam giáp với Malaysia. Tuy là một nước mà đại đa số dân chúng theo đạo Phật, 10% dân số Thái Lan là tín đồ Hồi giáo sinh sống phần lớn ở 4 tỉnh Narathiwat, Pattani, Yala và Songkhla.
Mặc dù vậy, các phần tử nổi dậy chưa hề công khai nói rõ mục tiêu của họ là gì. Những nỗ lực trước đây của chính phủ nhằm trấn áp các phần tử nổi dậy và tăng cường sự kiểm soát của quân đội trong vùng này đã không chấm dứt được những vụ giao tranh. Hơn 4 ngàn người đã bị thiệt mạng trong những vụ bạo động ở đây kể từ năm 2004.
Chính phủ hiện nay ở Bangkok muốn phi quân sự hóa khu vực này và mới đây họ đã thu hồi lệnh khẩn trương tại vài quận ở miền nam. Họ cũng hy vọng gia tăng sự kiểm soát của chính quyền dân sự thông qua một trung tâm hành chánh đặc biệt.
Tuy nhiên, những báo cáo của cảnh sát mà thông tín viên của VOA được đọc, cho thấy rằng không khí lo sợ vẫn bao trùm khu vực này trong năm 2010. Những vụ nổ bom đã gây nhiều thương vong cho thường dân và các giới chức chính phủ. Những vụ nổ súng từ xe hơi và xe gắn máy được xem là có mục đích ép buộc những người theo đạo Phật rời bỏ khu vực này để sang sinh sống ở các tỉnh khác.
Benjamin Zawacki, một nhà nghiên cứu làm việc cho Hội Ân xá Quốc tế, nói rằng bạo động đã gia tăng tới mức mà cuộc nổi dậy này không còn được coi là có cường độ thấp.
Ông nói: "Bạo động đã lên cao tới mức trở thành một cuộc xung đột vũ trang trong nước chứ không phải chỉ là một cuộc nổi dậy thông thường hay một tình trạng thổ phỉ hay một sự kết hợp giữa hoạt động nổi dậy với hoạt động tội phạm như chính phủ vẫn thường tuyên bố trong mấy năm vừa qua. Chúng tôi thừa nhận là có sự tồn tại của tất cả những yếu tố đó nhưng chúng tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể phủ nhận sự kiện là miền nam Thái Lan đang có một cuộc xung đột vũ trang thật sự."
Quân đội Thái Lan đã điều động khoảng 1 ngàn binh sĩ tới khu vực này để truy lùng những phần tử nổi dậy đã thực hiện vụ tấn công hồi khuya thứ tư.
Phiến quân tấn công căn cứ quân đội Thái Lan, ít nhất 4 người chết
Một vụ tấn công của quân nổi dậy nhắm vào một căn cứ quân đội ở miền nam Thái Lan đã gây tử vong cho ít nhất 4 người. Vụ này được xem là một vụ tấn công táo bạo trong một khu vực mà bạo động đã cướp đi sinh mạng của hơn 4 ngàn người kể từ năm 2004.