Thái Lan và Campuchia đồng ý tăng cường các mối quan hệ kinh tế và kinh doanh trong chuyến viếng thăm chính thức Thái Lan của Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Theo tường trình của Thông tín viên Ron Corben cho Đài VOA tại Bangkok, chuyến đi thăm này đánh dấu một sự tan băng quan trọng trong mối quan hệ song phương đã căng thẳng trong những năm gần đây.
Đây là chuyến thăm Thái Lan đầu tiên của Thủ tướng Hun Sen trong vòng 12 năm qua.
Phát biểu sau khi ký một số thỏa thuận thúc đẩy mậu dịch, kinh doanh và an ninh, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nói cả hai nước đều nhắm tới mục tiêu củng cố các mối quan hệ song phương.
Thủ tướng Prayut nói quan hệ Thái Lan-Campuchia hiện rất tốt đẹp.
Trước đó, tại một diễn đàn kinh doanh Thái Lan Campuchia, ông Hun Sen kêu gọi Thái Lan đầu tư thêm. Hai nước hứa sẽ tăng gấp ba khối lượng đầu tư và mậu dịch song phương từ nay cho đến năm 2020.
Bà Pavida Pananond, kinh tế gia của trường đại học Thammasat nói hợp tác lao động và những thỏa thuận tuyển dụng mà hai bên ký kết nêu bật vai trò quan trọng của công nhân di trú Campuchia trong nền kinh tế Thái Lan.
“Campuchia cũng là nguồn lao động quan trọng đứng hàng thứ hai trong nền kinh tế Thái Lan. Do đó tôi nghĩ xét đến những lợi ích có ý nghĩa giữa hai nước có lẽ đã làm dịu bớt những căng thẳng trong mối quan hệ đã có trong vài năm trước.”
Căng thẳng giữa Campuchia và Thái Lan đã leo thang trong thập niên qua vì vụ xung đột có liên quan đến ranh giới của ngôi đền Ấn Độ giáo được xây từ thế kỷ thứ 9 mà Campuchia gọi là Prasat Preah Vihea, và Thái Lan gọi là Preah Vihear. Các vụ đụng độ ở biến giới đã bùng ra giữa các lực lượng của hai bên từ năm 2008 cho đến năm 2011 khi cuộc tranh chấp được Tòa án Công lý Quốc tế giải quyết.
Ông Hun Sen có mối quan hệ chặt chẽ với cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, người đã bị lật đổ trong cuộc đảo chánh năm 2006 và qua chính phủ kế tiếp do bà Yingluck Shinawatra, em ông Thaksin lãnh đạo. Chính phủ của bà Yingluck bị ông Prayut lật đổ vào năm ngoái.
Kinh tế gia Pavida nói cả hai nước hiện nay dường như xem các mối quan hệ song phương thực dụng hơn.
“Theo quan điểm của Campuchia, Thái Lan là một cường quốc kinh tế lớn trong vùng và nền kinh tế Campuchia tùy thuộc khá nhiều vào nền kinh tế Thái Lan. Và tôi nghĩ theo quan niệm của Campuchia thì đó là những quyền lợi kinh tế tương lai của nước này, và phát triển kinh tế trong vùng.”
Bà Pavida nói chính phủ quân nhân Thái Lan cũng tìm cách tăng cường các mối quan hệ khu vực trong bối cảnh kinh tế trì trệ và triển vọng xuất khẩu yếu kém.