Bangkok — Đối với nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, đầu tư và du lịch từ Trung Quốc là yếu tố quan trọng đối với nền kinh tế của họ. Tuy nhiên, các sản phẩm Trung Quốc giá rẻ và kém chất lượng đang tràn ngập thị trường khu vực cũng gây lo ngại vì đang làm tổn hại các doanh nghiệp địa phương, theo các chuyên gia.
Điều này buộc các quốc gia như Thái Lan phải tìm cách đối phó với sự tấn công của hàng giá rẻ.
Năm ngoái, thương mại song phương giữa Thái Lan và Trung Quốc vượt qua mốc 126 tỷ đô la, đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc đóng góp lớn vào nền kinh tế Thái Lan.
Ba ngành kinh tế chính của Thái Lan là sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, ngành sản xuất đã chứng kiến sự suy giảm, với 2.000 nhà máy đóng cửa trong năm 2023, dẫn đến hàng ngàn việc làm bị mất, theo dữ liệu từ Cục Công nghiệp.
Các chủ doanh nghiệp từ lâu đã phàn nàn về việc hàng Trung Quốc kém chất lượng đang làm giảm giá trị các doanh nghiệp địa phương của Thái Lan.
Khu thương mại Bobae, một khu mua sắm bán lẻ và bán buôn ở Bangkok, là một trong những nơi mà tác động này đang hiện rõ. Với bảy tầng dành riêng cho các cửa hàng, nhiều cửa hàng đã đóng cửa mặc dù Thái Lan đang vào mùa cao điểm và sắp tới Giáng Sinh.
Banchob Pianphanitporn là chủ của Ben’s Socks nằm ở tầng 5. Ông sở hữu doanh nghiệp này trong 26 năm và quản lý 4 đơn vị. Ông có một nhà máy tại Thái Lan, với tổng cộng 24 nhân viên.
Ông cho biết trong suốt thập niên qua, doanh thu của ông đã giảm một nửa do hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
“[Doanh thu] đã giảm 50% so với 10 năm trước,” ông nói với VOA.
“Tôi bán tất với giá 150 baht (4,38 đô la Mỹ) một tá, nhưng sản phẩm Trung Quốc thì chỉ 85 baht (2,48 đô la Mỹ). Nếu [khách hàng] có ngân sách thấp, họ sẽ nói [tất của tôi bán] mắc. Họ không xem xét chất liệu, [tất của tôi] có chất liệu tốt hơn nhiều và co giãn tốt hơn,” ông nói thêm.
Ngành sản xuất chậm chạp của Thái Lan đã góp phần vào một năm kinh tế trì trệ. Các dự báo cho thấy nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng từ 2,3% đến 2,8% trong năm nay, thấp hơn so với các quốc gia láng giềng trong khu vực. Mặc dù Ngân hàng Thái Lan dự báo tăng trưởng 3% vào năm sau, nhưng các chủ doanh nghiệp vẫn lo.
Banchob chỉ ra một số cửa hàng đóng cửa trong trung tâm mua sắm của ông, đổ lỗi cho nền kinh tế Thái Lan. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động, ông quảng bá doanh nghiệp của mình trên mạng xã hội để thu hút nhiều khách hàng hơn.
“Mạng xã hội là điều bắt buộc. Tôi có trên TikTok; tôi tạo ra rất nhiều nội dung. Tôi phải làm việc chăm chỉ hơn để cho mọi người biết rằng tôi vẫn còn đây; Ben Sock’s sản xuất tại Thái Lan vẫn còn đây,” ông nói thêm.
Theo phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan, Sasikarn Wattanachan, hàng nhập khẩu kém chất lượng đã giảm 20% tại Thái Lan kể từ tháng 7. Chính quyền đã triển khai kiểm tra chặt chẽ hơn đối với các mặt hàng nhập khẩu giá rẻ, tập trung vào các sản phẩm nông sản, tiêu dùng và công nghiệp. Thái Lan cũng thêm thuế giá trị gia tăng 7% đối với hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1.500 baht (khoảng 43,77 đô la), theo tờ Bangkok Post.
Tuy nhiên, đối với người bán và các chủ cửa hàng khác, họ không thấy có sự khác biệt.
Pam, một người bán hàng tại Pretty Baby, cửa hàng quần áo trẻ em trong trung tâm mua sắm ở Bangkok, cho biết lượng hàng dường như vô hạn từ các nhà sản xuất Trung Quốc đã ảnh hưởng đến doanh thu. Pam không muốn tiết lộ tên đầy đủ của mình vì lo sợ bị trả thù khi trò chuyện với báo chí.
“[Hàng Trung Quốc] bán rất chạy, nhưng chúng tôi không có nhiều hàng dự trữ. Chính phủ vẫn cho phép nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài. Doanh thu của chúng tôi đã giảm một chút,” Pam nói với VOA.
Đối với một số khách hàng, việc giữ chân khách hàng thường xuyên là chìa khóa để vượt qua các lựa chọn giá rẻ.
Prang, đồng sở hữu cửa hàng VC, một cửa hàng quần áo chuyên bán các loại quần rộng được gọi là quần voi, cho biết: “Quảng cáo mạnh mẽ từ người Trung Quốc [trên mạng xã hội] đã có ảnh hưởng lớn,” cô cho VOA biết. Prang cũng không muốn tiết lộ tên họ đầy đủ.
“Quần ở đây bán giá 70 baht (2,04 đô la), nhưng Trung Quốc bán chỉ 50 baht (1,46 đô la). Trước đây chúng ta có thể nhận biết [sự khác biệt] giữa sản phẩm Thái và Trung Quốc, nhưng bây giờ các sản phẩm Trung Quốc sao chép trông gần như giống hệt 99%. Chúng tôi không thể cạnh tranh với giá cả, nhưng chúng tôi tự tin vào chất liệu và chất lượng của mình, và chúng tôi có thể giữ chân khách hàng,” cô nói thêm.
Không chỉ Thái Lan đang cố gắng giảm bớt hàng nhập khẩu kém chất lượng. Ngày càng nhiều nước trên khắp châu Á đang tìm cách bảo vệ các nhà sản xuất và thương mại trong nước.
Tại Ấn Độ, một đề xuất áp thuế tạm thời 25% đối với thép nhập khẩu có thể được thực thi để hạn chế các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc và thúc đẩy sản xuất từ các nhà sản xuất Ấn Độ, theo bản tin Reuters hôm 17/12.
Và ở Indonesia, các cuộc biểu tình phản đối hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã khiến Jakarta đề xuất mức thuế quan 200% đối với một số mặt hàng quần áo và sản phẩm gốm nhập khẩu, nhằm bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việt Nam cũng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc trong thương mại. Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Hà Nội, với thương mại song phương đạt hơn 171 tỷ đô la vào năm ngoái. Mặc dù cả hai chính phủ đều chia sẻ tư tưởng cộng sản và có chung một biên giới đất liền dài 1.287 km, nhưng Việt Nam cũng đang có những hành động chống lại hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Vào cuối tháng 11, Hà Nội đã cấm hai nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc là Shein và Temu sau khi hai công ty này không đáp ứng được thời hạn đăng ký kinh doanh với chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam lâu nay đã bày tỏ lo ngại về các sản phẩm giảm giá và việc bán hàng giả từ các nhà bán lẻ này.
“Hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc từ các nền tảng như Shein và Temu đang tràn ngập các thị trường của Việt Nam, gây sức ép lên các nhà sản xuất trong nước và khơi dậy sự phẫn nộ về cạnh tranh không công bằng,” ông Nguyễn Khắc Giang từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS, cho VOA biết.
“Đáp lại, chính phủ đang siết chặt kiểm soát bằng cách hủy bỏ miễn thuế VAT, thắt chặt giám sát và cấm các nền tảng nào không đăng ký tại Việt Nam. Đây là một động thái mạnh tay để kiềm chế các gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc và bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, nhưng tôi nghĩ cuộc chiến này còn lâu mới kết thúc,” ông nói thêm.
Zachary Abuza, một giáo sư tại Đại học National War College ở Washington, chuyên nghiên cứu về chính trị Đông Nam Á, cho rằng cả Thái Lan và Việt Nam cũng có thể có một động cơ khác.
“Trung Quốc sản xuất với quy mô kinh tế mà không nước nào ở Đông Nam Á có thể đạt được, chi phí sản xuất của họ thấp hơn đối với hầu hết các sản phẩm. Tôi nghĩ những gì Thái Lan và Việt Nam đang làm hiện nay là cố gắng thu hút đầu tư Trung Quốc vào sản xuất trong nước, để tạo ra hệ sinh thái sản phẩm địa phương. Nhưng cả hai nước đều không sẵn sàng đối đầu trực tiếp với Trung Quốc và không sẵn lòng cáo buộc Trung Quốc về các hành vi thương mại không công bằng,” ông nói với VOA.
Diễn đàn