Đường dẫn truy cập

Thắc mắc về thế sẵn sàng quân sự của Hoa Kỳ giữa căng thẳng về Triều Tiên


Các lực lượng Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên tham gia một buổi huấn luyện tấn công trên không tại Trại Casey ở Dongducheon, Nam Triều Tiên, ngày 24/7/2015.
Các lực lượng Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên tham gia một buổi huấn luyện tấn công trên không tại Trại Casey ở Dongducheon, Nam Triều Tiên, ngày 24/7/2015.

Hôm 16/3, giới lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về khả năng chiến đấu trong một cuộc chiến tranh quy ước chống lại lực lượng vũ trang của các nước như Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên.

Tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ Tướng Mark Milley nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng sự tập trung chống khủng bố và chống nổi dậy dồn vào Trung Đông đã rút mất nguồn lực ra khỏi việc hoạch định và chuẩn bị để chống lại một lực lượng chiến đấu “tinh vi hơn” nếu bùng ra xung đột ở một nơi khác trên thế giới.

“Nếu việc này xảy ra, tôi sẽ hết sức lo ngại về thế sẵn sàng của lực lượng chúng ta trong việc đối phó với tình huống đó một cách kịp thời.”

Nhưng trong khi phần lớn mối quan ngại về sự sẵn sàng nhắm vào những vụ xung đột có thể xảy ra với những cường quốc như Nga và Trung Quốc, người ta cũng lấy làm lo ngại vào một thời điểm căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên vì mối đe dọa hạt nhân của miền Bắc.

Lực lượng Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đã tăng cường vị thế phòng vệ sẵn sàng sau khi Bình Nhưỡng tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân hồi tháng 1 và một vụ phóng hỏa tiễn tầm xa hồi tháng 2.

Washington đã đưa thêm binh sĩ và khí tài vào khu vực và hai nước đồng minh hiện đang tiến hành các cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của 17.000 binh sĩ Mỹ, 300.000 binh sĩ Nam Triều Tiên và một dàn máy bay và tàu hải quân của Hoa Kỳ.

Bắc Triều Tiên đã gọi những cuộc thao dượt thường niên này là thao diễn để xâm lược và lãnh tụ tối cao nước này là ông Kim Jong Un đã đe dọa tiến hành những cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhắm vào lực lượng Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên.

Ông Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình Cấm Phổ biến Đông Á tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California, nói:

“Vào lúc bắt đầu cuộc xung đột, phía Bắc Triều Tiên đã có một sự khích lệ to lớn để sử dụng phi đạn và trọng pháo để tấn công lực lượng Hoa Kỳ trong khu vực, theo tôi trước tiên như một biện pháp thắng trận để có thể kéo chậm đà Hoa Kỳ tuôn lực lượng vào Nam Triều Tiên và tiến thẳng đến Bình Nhưỡng, nhưng tôi nghĩ rằng cũng với hy vọng số thương vong sẽ khiến Hoa Kỳ phải thoái lui.”

Ảnh do hãng tin nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA đưa ra hôm 5/1/2015 cho thấy một cuộc thử nghiệm của đơn vị pháo binh Quân đội Nhân dân Triều Tiên, do lãnh tụ Kim Jong-Un giám sát, tại một địa điểm bí mật ở Bắc Triều Tiên.
Ảnh do hãng tin nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA đưa ra hôm 5/1/2015 cho thấy một cuộc thử nghiệm của đơn vị pháo binh Quân đội Nhân dân Triều Tiên, do lãnh tụ Kim Jong-Un giám sát, tại một địa điểm bí mật ở Bắc Triều Tiên.

Khẩu hiệu của lực lượng Hoa Kỳ ở Triều Tiên là “sẵn sàng chiến đấu đêm nay” và một phần trong các cuộc tập trận năm nay là để chuẩn bị chống lại mối đe dọa hạt nhân của miền Bắc. Ngoài những cuộc thao diễn tác chiến, lực lượng đồng minh cũng tập giả những cuộc tấn công răn đe chống lại giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên và triệt hạ các cơ sở quân sự chính.

Quân đội Bắc Triều Tiên được liệt kê là quân đội hùng mạnh hàng thứ 36 trên thế giới theo trang web Global Firepower chuyên đánh giá khả năng quân sự của các quốc gia.

Miền Bắc có lợi thế so với miền Nam về một số hạng mục, với 700.000 binh sĩ hiện dịch (và trên 4 triệu quân trừ bị), 4.200 xe tăng và 70 tàu ngầm.

Nhưng phần lớn vũ khí quy ước của họ do Nga chế tạo hay thiết kế từ thập niên 1950.

Nam Triều Tiên xếp hạng thứ 7 trong danh sách của Global Firepower, mặc dù số bộ quân ít hơn nhiều, một nửa số xe tăng và chỉ có 13 tàu ngầm.

Tuy nhiên Nam Triều Tiên lại có một số vũ khí và thiết bị tối tân nhất của Mỹ, bao gồm hơn 2.000 xe tăng và hàng trăm oanh tạc cơ phản lực F-5, F-15 và F-16.

Quân đội Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên gộp lại được nhiều người coi là có lực lượng quy ước cao hơn trong vùng và được trang bị tốt hơn, huấn luyện tốt hơn và được ăn uống đầy đủ hơn so với binh sĩ của miền Bắc nghèo khó.

Câu trả lời của miền Bắc đối với sự bất lợi quân sự quy ước đã là phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông Kim Dong-yub, thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông của trường Đại học Kyungnam ở Seoul, nêu nhận định:

“Sự tập trung của Bắc Triều Tiên vào việc phát triển sức mạnh hạt nhân và phi đạn cho thấy họ thừa nhận rằng họ thua xa khả năng quân sự quy ước của Nam Triều Tiên.”

Hiện có gần 28.500 binh sĩ Hoa Kỳ ở Nam Triều Tiên. Kể từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên vào năm 1953, Hoa Kỳ đã duy trì một sự hiện diện quân sự ở Nam Triều Tiên để thực thi hiệp định ngừng bắn chia cắt bán đảo dọc theo vĩ tuyến 38 giữa miền Bắc Cộng sản và miền Nam tư bản.

VOA Express

XS
SM
MD
LG