Thủ tướng Anh Theresa May ngày 10/7 giành được sự ủng hộ của các Bộ trưởng cao cấp trong chính phủ và sự hậu thuẫn của nhà lãnh đạo quyền lực nhất ở châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel, để giúp bà trụ vững giữa những vụ từ chức của hai Bộ trưởng hàng đầu do phản đối kế hoạch Brexit của bà.
Chính phủ của bà May hôm 9/7 đã chao đảo với sự ra đi của Ngoại trưởng Boris Johnson – gương mặt đại diện cho Brexit (tức việc nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu) đối với nhiều người và việc từ nhiệm của nhà đàm phán chủ chốt về Brexit, David Davis. Cả hai vị Bộ trưởng này đều chỉ trích gay gắt lập trường đàm phán của bà May.
Phát biểu bên cạnh Thủ tướng Đức tại một cuộc họp báo chung ở London, bà May đã bác bỏ cáo buộc rằng bà đã ‘đầu hàng trước sức ép từ Brussels’ để giữ mối quan hệ chặt chẽ với khối này.
“Điều này hoàn toàn hợp với niềm tin của lá phiếu người dân Anh,” bà nói sau một cuộc họp với các nhà lãnh đạo châu Âu khác để bàn về các nước vùng Tây Balkan. “Chúng tôi sẽ thực hiện điều này theo một cách Brexit suôn sẻ và có trật tự.”
Trước đó, bà cho biết đã chủ trì một cuộc họp ‘hiệu quả’ với thành phần nội các được cải tổ trước khi Sách Trắng, tức tài liệu về lập trường Brexit, đầy đủ được đưa ra vào tuần này.
Thủ tướng Đức, một tiếng nói chủ chốt ở Brussels, cho biết 27 quốc gia EU khác sẽ đưa ra phản ứng chung. “Nhưng điều tốt là các đề xuất đã được đặt lên bàn – tôi chỉ có thể nói được bao nhiêu đấy mà không phải đi vào chi tiết.”
Mặc dù bà May đã tìm cách tránh thách thức trực tiếp đối với sự lãnh đạo của bà, có nhiều dấu hiệu cho thấy mọi thứ không hề ổn đối với bà.
Trong số những người tập hợp xung quanh bà May có Bộ trưởng Môi trường Michael Gove – một nhân vật vận động nổi bật cho việc ra khỏi EU trước cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016. Ông đã nói là ông sẽ không từ chức.
Chỉ còn chưa đến 9 tháng trước khi Anh đến hạn ra khỏi EU, bà May vẫn trung thành với kế hoạch Brexit ‘thân thiện với doanh nghiệp’. Bà đã đối mặt với những người ủng hộ Brexit cứng rắn trong chính phủ Đảng Bảo thủ của bà vốn rất phẫn nộ với kế hoạch của bà đàm phán về một ‘khu vực mậu dịch hàng hóa tự do’ với EU.
Bà May đã đăng một dòng tweet trên một tấm ảnh của nội các, trong đó có tân Ngoại trưởng Jeremy Hunt và tân Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, rằng: “Một cuộc họp nội các hiệu quả vào sáng nay – chúng tôi đang trông đợi một tuần bận rộn trước mắt.”
“Tôi nghĩ rằng điều đúng đắn là nội các ủng hộ Thủ tướng và hòa cùng một giọng – và nếu ai không làm như vậy thì họ phải ra đi,” Bộ trưởng Tư pháp David Gauke phát biểu trên đài BBC.
Giờ đây bà May phải nhanh chóng tìm kiếm sự ủng hộ của EU cho đề xuất của bà. Các cuộc đàm phán đã bị ngưng trệ bởi thái độ miễn cưỡng của bà May trong việc đưa ra những lá bài do lo sợ sẽ làm nổi giận các phe phái trong Đảng Bảo thủ của bà.
Một số người ủng hộ Brexit của Đảng Bảo thủ vẫn đang phẫn nộ với điều mà họ cho là sự thất hứa của bà May là sẽ dứt áo hoàn toàn khỏi EU.
“Đó là sự bội phản nền dân chủ của chúng ta và niềm tin của người dân. Đó thậm chí không phải là sự bội phản tình cờ mà đã được lên kế hoạch và tính toán từ trước,” nghị sỹ Bảo thủ Andrew Bridgen nói.
Ít có khả năng những người vận động cho Brexit có đủ số phiếu để bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà May. Họ cũng thiếu sự ủng hộ trong Quốc hội để cố gắng thay đổi bất kỳ thỏa thuận nào đã được đồng ý với EU.
Kế hoạch của bà May về mối quan hệ trong tương lai với EU sau khi nước Anh rời khỏi khối vào tháng Ba 2019 đã mất hai năm tranh cãi nội bộ để được đồng thuận. Nhưng chỉ sau 48 giờ được đưa ra, Bộ trưởng Davis đã từ chức với lý do rằng bà May đã nhượng bộ EU quá nhiều, sau đó đến lượt ông Johnson ra đi.
Tuy nhiên, những người khác cho rằng bà May đã thực hiện một bản kế hoạch thực tế nhất sau khi mất thế đa số ở Quốc hội trong một bước đi sai lầm là tổ chức bầu cử sớm hồi năm ngoái, khiến bà phải dựa vào một đảng nhỏ là Northern Irish để nắm quyền.