Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tiên tại Trung Quốc vào mùa đông này, người ta hy vọng là dịch sẽ lắng dịu khi đổi mùa.
“Nhiều người nghĩ dịch bệnh không còn nữa vào tháng 4 khi trời nóng,” Tổng thống Donald Trump phát biểu như thế tại một hội nghị với các thống đốc vào tháng 2.
Tháng 4 đến và đi và dịch bệnh vẫn tiếp tục. Tuy nhiên vào lúc mùa hè tại Bắc Bán cầu đến gần, các chuyên gia bắt đầu thấy một ảnh hưởng nhỏ vì nhiệt độ tăng và ẩm ướt.
Các chuyên gia nói thời tiết ấm lên không ngưng đại dịch nhưng có thể làm chậm lại số ca nhiễm. Và ảnh hưởng của thời tiết có thể giúp giải thích tại sao một phần vùng nhiệt đới không bị tác hại nặng nề như vùng ôn đới trên thế giới.
Mùa COVID-19
COVID-19 do một loại virus corona, một nhóm rộng lớn các virus gây bệnh đường hô hấp trong đó có một số gây bệnh cảm thông thường. Kể từ khi những bệnh này tăng rồi giảm theo mùa, một số nhà nghiên cứu cho rằng COVID-19 sẽ cũng như vậy. Tuy nhiên những người khác phát hiện là có ít ảnh hưởng hay không ảnh hưởng khi thời tiết thay đổi.
Virus cảm và cúm lây lan dễ dàng hơn trong mùa đông một phần vì không khí khô hơn. Không khí ấm hơn trong mùa hè thường giữ độ ẩm nhiều hơn. Các hạt virus không đi xa trong không khí ẩm.
“Những hạt nhỏ này trở nên mềm và ướt và rơi xuống đất,” bà Katriona Sea một nhà sinh học thuộc Trung tâm các bệnh truyền nhiễm Trường đại học Penn State giải thích. “Đây không phải là mô tả kỹ thuật.”
Một số nhà khoa học dự báo là việc lây bệnh bắt đầu có sự chi phối của nhiệt độ.
“Chúng ta thấy sự liên đới, khoảng chừng 2% giảm sút lây lan đối với nhiệt độ tăng một độ C,” ông Christopher Murray Giám đốc Viện đánh giá y tế Trường đại học Washington nói.
“Không phải có ảnh hưởng rất lớn,” ông nói thêm, nhưng ở nhiệt độ nóng hơn, có thể tạo nên sự khác biệt.
Tuy nhiên vấn đề chưa được giải quyết.
“Chúng ta có chắc về việc này không? Không,” ông Murray dè dặt. “Có phải không có người nào trong cộng đồng khoa học tin rằng những hậu quả về thời tiết hay nhiệt độ có thể ảnh hưởng lớn hơn hay không? Tuyệt đối có.”
Một trong những cuộc nghiên cứu gần đây nhất xem xét hậu quả của thời tiết phát hiện ảnh hưởng tương tự: khoảng 3% thay đổi lây lan đối với một độ thay đổi. Độ ẩm tương đối và áp suất khí quyển có dự phần vào ảnh hưởng.
“Chỉ thời tiết không thôi không làm giảm bớt dịch bệnh trong mùa hè, ngay cả cho dù nhiệt độ giúp giảm tỉ lệ lây lan ở một mức độ nào đó, đồng tác giả cuộc nghiên cứu, phó giáo sư Hazhir Rahmandad thuộc Viện Công nghệ Massachusetts nói.
Áp suất nhiệt đới
Dùng dữ liệu virus lây lan và thời tiết của hơn 3.700 địa điểm trên toàn cầu, các tác giả ước lượng thời tiết ảnh hưởng bao nhiêu và virus lây lan như thế nào tại những thành phố đông dân nhất thế giới.
Nóng và ẩm “có thể một phần giải thích cho các đợt bùng phát cỡ nhỏ tại Đông Nam Á và Châu Phi cho đến nay,” các tác giả viết.
Trong khi thời tiết có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm khoảng 25% trong những tháng nóng nhất trong năm ở phía bắc Boston, bang Massachusetts, thì một thành phố nhiệt đới như Lagos ở Nigeria chứng kiến hơn 40% giảm sút vì ảnh hưởng của nóng và ẩm.
Tuy nhiên, virus vẫn lây lan trong những điều kiện kiểu đó, như tại Singapore, nơi những ca nhiễm tăng gần đây từ 700 lên 800 mỗi ngày.
“Chúng ta có thể thấy virus này lây lan trên toàn thế giới, với nhiều nhiệt độ khác nhau,” giáo sư ngành kỹ thuật y sinh Trường đại học Católica de Valencia, Angel Serrano Aroca nói. “Tôi tin là có một hệ quả về điều kiện thời tiết, nhưng tôi nghĩ rằng virus này rất truyền nhiễm đến nỗi có những yếu tố khác quan trọng hơn nhiều.”
Mật độ dân số, các biện pháp cách ly xã hôi và những dụng cụ y tế công cộng như là xét nhiệm và theo dõi tiếp xúc chắc chắn có nhiều tác động hơn là thời tiết, các chuyên gia nói.
Đối với ông Murray và các đồng nghiệp tại Trường đại học Washington “Di chuyển là yếu tố quan trọng nhất và rồi đến xét nghiệm theo đầu người,” ông nói.
Khi toán của ông từ tháng 4 đến tuần trước nhân đôi con số dự đoán tử vong vì COVID-19 tại Mỹ từ 60.000 lên thành 135.000, phần lớn là vì các tiểu bang nới lỏng cách ly xã hội và các cá nhân di chuyển nhiều hơn ngay cả tại những khu vực đóng cửa.
Nhiệt độ có lẽ “chỉ quan trọng tối thiểu,” ông nói.
Các nhà khoa học vẫn còn phải học hỏi nhiều về virus.
“Vào lúc nhiều nơi ấm dần,” ông Murray nói thêm, “chúng ta có thể có những dấu hiệu mạnh mẽ hơn để hiểu tốt hơn thực sự về nhiệt độ sẽ ảnh hưởng như thế nào.”