Nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi thỏa thuận thương mại ‘giai đoạn một’ giữa Mỹ và Trung Quốc mà theo đó xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trong hai năm tới dự kiến tăng gần gấp đôi, trong khi Trung Quốc vẫn thận trọng trước khi ký kết thỏa thuận.
Phát biểu trên chương trình ‘Face the Nation’ của Đài CBS hôm 15/12, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói rằng văn bản thỏa thuận sẽ có một số chỗ ‘tẩy xóa’ thông thường, nhưng ‘nó chắc chắn đã xong hoàn toàn’.
Thỏa thuận này, vốn được công bố hôm 13/12sau hơn hai năm rưỡi đàm phán ngắt quãng giữa Washington và Bắc Kinh, sẽ giảm một số thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc để đổi lấy việc Trung Quốc mua một số sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế tạo và năng lượng của Mỹ với trị giá khoảng 200 tỷ đô la trong hai năm tới.
Trung Quốc cũng đã cam kết bảo vệ tốt hơn sở hữu trí tuệ của Mỹ, để hạn chế việc ép buộc chuyển giao công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc cũng như mở cửa thị trường dịch vụ tài chính cho các công ty Mỹ và tránh hành vi thao túng tiền tệ.
Cổ phiếu châu Á đã tăng hôm 16/12, với chỉ số rộng nhất của cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản đạt mức cao nhất trong gần tám tháng mặc dù sự thận trọng của các nhà đầu tư do chi tiết thỏa thuận vẫn chưa rõ đã chặn đứng đà tăng điểm.
Ngày tháng để các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc chính thức ký thỏa thuận đang được xác định, ông Lighthizer cho biết.
Lượng hàng nông sản Mỹ mà Trung Quốc dự kiến mua sẽ tăng lên từ 40 tỷ cho đến 50 tỷ đô la hàng năm trong vòng hai năm tới, ông Lighthizer nói.
Mỹ xuất khẩu khoảng 24 tỷ đô la nông sản sang Trung Quốc vào năm 2017, năm cuối cùng trước khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới phát động cuộc chiến thuế quan nhằm vào nhau hồi tháng 7 năm 2018.
Đậu nành là sản phẩm nông nghiệp lớn nhất Mỹ bán cho Trung Quốc vào năm 2017, với lượng hàng hóa trị giá 12 tỷ đô la. Trung Quốc cho biết sẽ mua thêm ngũ cốc của Mỹ theo nội dung thỏa thuận.
Mặc dù phái đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc bày tỏ lạc quan về thỏa thuận, một số quan chức chính phủ tỏ ra thận trọng.
“Thỏa thuận này là một thành tựu dần dần theo giai đoạn, và không có nghĩa là tranh chấp thương mại được giải quyết xong xuôi hết từ nay về sau,” một nguồn tin tại Bắc Kinh am hiểu về tình hình nói với Reuters. Nguồn tin này cho biết việc ký kết và thực hiện thỏa thuận vẫn là ưu tiên chính.
Một số quan chức Trung Quốc nói với Reuters rằng ngôn từ trong thỏa thuận vẫn là một vấn đề tế nhị và cần phải cẩn thận để đảm bảo cách hành văn sử dụng trong thỏa thuận không làm gia tăng căng thẳng và đào sâu khác biệt.
Trung Quốc đối mặt với áp lực rất lớn để thực hiện thỏa thuận giai đoạn một, ông Thời Ân Hoằng, giáo sư tại Đại học Nhân dân và cố vấn nội các, nói.
Ông Thời cho rằng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản của Mỹ chẳng hạn như đậu nành sẽ vượt xa nhu cầu của Trung Quốc.
“Ông Trump cũng sẽ buộc Trung Quốc mua nhiều sản phẩm năng lượng và chế tạo của Mỹ ở giai đoạn này hoặc giai đoạn tiếp theo,” ông Thời phát biểu trước một diễn đàn ở Bắc Kinh hôm 16/12.
Thỏa thuận này đã đình chỉ một đợt thuế quan mà Mỹ dọa sẽ đánh vào hàng nhập khẩu trị giá 160 tỷ USD của Trung Quốc vốn dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12. Hoa Kỳ cũng đồng ý giảm một nửa mức thuế suất – xuống còn 7,5% - đối với 120 tỷ đô là hàng tiêu dùng của Trung Quốc bao gồm tai nghe Bluetooth, loa thông minh và TV màn hình phẳng.
Đại diện Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ cho biết các tin tức rằng các nhà đàm phán Mỹ đã đề nghị cắt giảm một nửa thuế suất đối với tất cả 360 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế là ‘hoàn toàn sai’.
“Mỹ không hề đưa ra lời đề nghị nào như thế cho Trung Quốc,” tuyên bố chung của hai cơ quan này cho biết.
Chung cuộc, thỏa thuận chừa lại 250 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc vẫn bị đánh thuế 25%. Điều này đã kiềm hãm sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán hôm 13/12.
Ông Lighthizer nói rằng thành công của thỏa thuận phụ thuộc vào quyết định của các quan chức ở Bắc Kinh.
“Cuối cùng, liệu toàn bộ thỏa thuận này có tác dụng hay không sẽ nằm trong tay những người ra quyết định ở Trung Quốc, chứ không phải ở Hoa Kỳ,” ông Lighthizer nói.
“Nếu phe cứng rắn cầm trịch, chúng ta sẽ cómột kết quả, còn nếu phe cải cách là người quyết định mà vốn là điều chúng tôi mong chờ thì chúng ta sẽ có kết quả khác.”