Đường dẫn truy cập

Tết, nhớ mẹ


Tết, nhớ mẹ
Tết, nhớ mẹ

Tết năm nay, không hiểu tại sao, tôi cứ bần thần ngồi nhớ đủ thứ. Một trong những nỗi nhớ quay quắt nhất là nhớ mẹ.

Mẹ tôi qua đời ngày 19 tháng 2 năm 2000. Còn nhớ, sáng hôm ấy, tôi ở nhà một mình, ngồi loay hoay sửa lại lần cuối cùng bản thảo cuốn Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại để gửi cho nhà Văn Nghệ ở California in, thì anh tôi gọi, báo tin mẹ tôi vừa mới mất. Tôi ngỡ mình nghe lầm, hỏi lại: “Mẹ mất?” Anh tôi nghẹn ngào xác nhận: “Mẹ mới mất sáng nay.” Sau khi kể thêm vài chi tiết, anh tôi cúp máy. Tôi ngồi khóc, một mình, lặng lẽ. Bình thường, tôi có thói quen đè nén và che giấu cảm xúc của mình. Những người thân của tôi đều chê là tôi lạnh lùng. Hình như không ai thấy tôi chảy nước mắt bao giờ. Thật ra, bản tính tôi vốn yếu đuối. Tôi vốn rất hay khóc. Xem phim, thấy cảnh buồn, tôi cũng có thể ứa nước mắt. Đọc sách, thấy chuyện buồn, tôi cũng ứa nước mắt. Trong quan hệ đời thường, không hiếm lúc tôi từng ứa nước mắt. Nhưng tính tôi vốn hay mắc cỡ. Tôi hay giấu những cảm xúc yếu đuối của mình. Cách giấu giếm dễ nhất là tránh né. Xem phim, thấy cảnh buồn, tôi quay mặt đi, vờ làm một cái gì khác. Xong, quay lại, và… cười. Đọc truyện, thấy chuyện buồn, lật vội sang trang khác, hay tìm chỗ vắng vẻ, đắm mình trong nỗi buồn rầu. Với người thân, cũng vậy, tôi cũng hay giấu cảm xúc. Nếu khóc, chỉ khóc một mình. Nhưng ngay cả khi một mình, như một quán tính, tôi cũng hay kìm cảm xúc lại. Để không bao giờ xảy ra cái cảnh òa lên khóc. Nhưng hôm nghe tin mẹ tôi mất, tôi không kìm giữ gì cả. Tôi ngồi yên, một mình trong nhà, để nước mắt tha hồ trào ra, chảy tràn xuống má.

Sau đó, nhiều đêm, tôi cũng thấy mình khóc. Thường, nửa khuya, thức giấc, nằm mơ mơ màng màng, tôi tưởng tượng nếu mở mắt ra, sẽ thấy mẹ mình ngồi cạnh giường, tóc xõa dài xuống lưng, nhìn tôi. Mở mắt: chẳng thấy gì cả. Lại ứa nước mắt. Lặng lẽ, trong đêm.

Lý do tôi hay tưởng tưởng cảnh mẹ tôi ngồi bên giường là vì chuyện ấy đã xảy ra nhiều lần, hồi nhỏ. Nhà tôi có bảy anh em trai, nhưng tôi có cảm tưởng, hình như ba mẹ tôi thương tôi nhất. Lúc nào cũng chiều tôi. Không bao giờ nặng lời với tôi, ngay cả khi tôi làm những điều rất quái đản. Năm học lớp 11, tôi say mê viết cuốn truyện dài đầu tay mang nhan đề là Thượng đế cũng nói láo, trong đó nội dung chính là trình bày tâm trạng và suy nghĩ của một người đã đánh mất niềm tin. Mẹ tôi biết. Một đêm, nửa khuya, lúc tôi đang ngủ say, mẹ tôi đến bên cạnh và khều tôi dậy. Mở mắt, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một người đàn bà ngồi cạnh giường, tóc xõa dài xuống lưng, và phía sau là cánh cửa sổ mở toang, ánh trăng sáng vằng vặc. Ý nghĩ đầu tiên lóe lên trong óc tôi: Ma! Nhưng dĩ nhiên là không phải. Lúc mẹ tôi lên tiếng, tôi thấy an tâm hẳn. Đêm ấy, mẹ tôi kể là bà không thể nào ngủ được vì lo cho linh hồn của tôi. Bà “van” tôi hãy đốt cuốn truyện đó đi. Thương mẹ, tôi hứa sẽ đốt. Mà thật, ngày hôm sau, tôi đem xấp bản thảo đút vào bếp lửa. Trước mắt mẹ tôi.

Năm sau, tôi lên lớp 12. Thuở ấy, thi tú tài là một chuyện rất quan trọng, thậm chí, có thể nói: sinh tử. Đỗ: học tiếp. Rớt: đi lính. Mà đi lính thì nguy hiểm trùng trùng, tỉ lệ sống và chết ngang ngửa. Bởi thế ba mẹ tôi rất lo. Tôi thì vẫn phây phây. Tối, đi lang thang tán gẫu với bạn; về nhà, ôm thơ hay tiểu thuyết ra đọc. Rồi đi ngủ. Nhiều đêm, bà thức giấc, nhìn sang nhà hàng xóm, thấy mấy đứa bạn tôi vẫn để đèn học bài, riêng tôi thì ngủ ngáy khò khò, bà bèn khều tôi dậy: “Con, con dậy học đi. Năm nay con thi rồi! Mẹ thấy thằng… nó học đến 2, 3 giờ sáng đó. Con rán thức học chút xíu. Sang năm, thi xong, tha hồ ngủ bù!” Thú thực, tôi rất bực. Ở trường, tôi vẫn học giỏi. Tôi thường học bài lúc ngồi trên xe lam từ nhà đến trường và từ trường về nhà, cũng như ngay trong lớp, lúc bài quá dễ hoặc thầy cô giáo giảng dở: thay vì nghe để thấy chán, tôi lôi những bài cần thiết ra xem lại. Vì vậy, bài nào tôi cũng làm tốt. Kết quả hàng tháng cũng rất tốt. Nghĩ đến kỳ thi, tôi chẳng có chút lo lắng gì cả. Nhưng rồi, cuối cùng, cũng vì thương mẹ, tôi lồm cồm ngồi dậy, bật đèn lên, và lôi một tập thơ hay cuốn tiểu thuyết nào đó ra đọc. Mẹ tôi thấy đèn trên bàn sáng là an tâm… ngủ ngon.

Hình ảnh mẹ tôi nửa khuya khều tôi dậy để “năn nỉ” điều này điều nọ như vậy cứ ăn sâu vào tâm khảm tôi mãi. Lâu lâu lại nhớ. Lúc mẹ tôi còn sống, nỗi nhớ thường nhẹ nhàng, vui vui. Lúc mẹ tôi đã qua đời, nỗi nhớ trở thành nặng nề, khắc khoải. Những lúc thức giấc giữa đêm, tôi ao ước mẹ mình hiện về thật, ngồi bên giường, để hai mẹ con cùng tỉ tê tâm sự. Tôi sẽ kể thật với mẹ tôi là những đêm khuya tôi ngồi chong đèn trong phòng là để đọc thơ hay truyện, chứ chẳng học hành gì cả.

Nói đến chuyện học hành, liên quan đến mẹ tôi, tôi nhớ một điều nữa: Giữa năm 1979, tôi tốt nghiệp đại học. Lại là thủ khoa. Mẹ tôi nghe tin, mừng lắm. Bà cầm nón te te đi ra ngoài. Không ai biết bà đi đâu cả. Lát sau, mới biết là bà ra chợ mua quà mừng đứa con trai tốt nghiệp. Món quà là một trái xoài chín. Một trái duy nhất. Mẹ tôi nói: “Quà cho con đó!” Lúc ấy, ông anh cả của tôi đã có gia đình, sống riêng. Còn lại trong nhà là sáu anh em. Cộng ba mẹ là tám. Mà chỉ có một trái xoài. Xin nhớ: năm ấy, 1979, một năm sau trận lụt khủng khiếp ở đồng bằng sông Cửu Long và cũng là một năm sau chiến tranh với Cam Bốt và mấy tháng sau chiến tranh với Trung Quốc. Dân chúng đói đến xanh mặt. Cơm cũng không có mà ăn. Phần lớn là ăn bo bo hoặc bột mì, thứ bột mì vàng khè, nghe đâu do Liên xô viện trợ. Chính giữa lúc đang đói như vậy, mẹ tôi cho tôi một trái xoài làm quà thưởng.

Sau này, mấy chục năm sau, mỗi lần cầm quả xoài trên tay, tôi vẫn thường nhớ đến mẹ.

Tết năm nay, tôi không ăn xoài. Mà vẫn nhớ mẹ đến cồn cào.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG