Công ty vận hành nhà máy hạt nhân Fukushima bị tàn phá của Nhật Bản đã đề nghị được cấp một khoản cứu nguy trị giá 12 tỷ đôla để tiếp tục hoạt động, hành động này khiến chính phủ chính thức kiểm soát công ty tư nhân này.
Ngoài khoản tiền cứu nguy, Công ty Điện lực Tokyo, TEPCO, cũng sẽ đề nghị được cấp một khoản khác trị giá 9 tỷ đôla từ ngân quĩ do chính phủ bảo trợ có thể được dùng để bồi thường cho nạn nhân của vụ thảm họa năm ngoái.
Chủ tịch TEPCO Toshio Nishizawa nói rằng công ty đã phải hành động như vậy vì tình hình tài chính vô cùng yếu kém.
Ông Nishizawa cũng nói rằng công ty sẽ tiếp tục nỗ lực cải cách.
TEPCO đã phải đối mặt với hàng loạt chi phí lớn liên quan đến việc dọn dẹp và làm sạch chất phóng xạ ở nhà máy Fukushima, vốn đã bị tàn phá trong trận động đất và sóng thần hồi tháng 3 năm 2011.
Trận sóng thần đã làm hỏng hệ thống làm nguội của nhà máy khiến 3 lò phản ứng bị tan chảy và dẫn đến vụ rò rỉ phóng xạ lan tràn.
Cuối năm ngoái, chính phủ Nhật Bản loan báo rằng các lò phản ứng của nhà máy đã được ổn định, nhưng phải mất tới 40 năm nhà máy mới có thể dọn dẹp an toàn chất phóng xạ ở nhà máy này.
Công cuộc tái thiết Nhật Bản