Đường dẫn truy cập

Corona: Tổng thống Trump chỉ trích WHO có đúng không?


Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu WHO.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu WHO.

Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, Donald Trump, vẫn luôn gây sóng trên truyền thông nhưng liệu những chỉ trích của ông đối với Tổ chức Y tế Thế giới có đáng gây tranh cãi?

Mọi lý lẽ không đi kèm với dữ liệu đều chỉ là suy đoán và chủ kiến nên ta hãy xem dữ liệu nói gì về hành động của Tổ chức Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO, trước đại dịch corona.

Đây là nguyên văn thông điệp được WHO đưa ra trên Twitter hôm 14/1/2020, hai tuần sau khi cố bác sỹ Lý Văn Lượng của Trung Quốc toan cảnh báo về nguy cơ của vi rút mới và đã bị trừng trị:

“Các điều tra ban đầu của chính quyền Trung Quốc không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về việc truyền nhiễm từ người sang người của coronavirus mới (2019-nCov) được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc.”

Giờ đọc lại những dòng này tôi mới để ý thấy chuyện họ viết rằng “không tìm thấy bằng chứng rõ ràng”, nguyên văn tiếng Anh là “no clear evidence”, chứ không phải là “không tìm thấy bằng chứng”.

Ai cũng hiểu rằng khi một cuộc khủng hoảng xảy ra, nạn nhân đầu tiên là dữ liệu và thông tin, nhất là tại các quốc gia cộng sản. Do vậy chuyện kiểm chứng thông tin vô cùng quan trọng. Tổ chức Y tế Thế giới đã thực sự nói như một con vẹt của chính quyền Trung Quốc chứ không phải là một chú đại bàng có tầm nhìn bao quát.

Điều này còn đáng trách hơn nữa vì ngay từ ngày 31/12 Đài Loan đã gửi điện thư cho WHO cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm từ người sang người của vi rút corona mới. Đài Bắc cũng lập tức kiểm tra hành khách tới từ Vũ Hán từ hôm đó. Đài Loan không phải là thành viên của WHO do bị Trung Quốc cản trở và cũng có thể điều này khiến WHO không muốn công khai cảnh báo của Đài Loan. Từ năm 2017 tới nay, Đài Loan thậm chí còn không được tham gia cuộc họp thường niên của WHO do sức ép từ Trung Quốc, nước chỉ đóng góp chưa tới 30 triệu đô la tiền hội viên cho năm 2020 so với gần 60 triệu đô la từ Hoa Kỳ.

Hai tuần sau khi phát đi thông điệp trên Twitter, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus của WHO tới Trung Quốc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong thông cáo báo chí sau đó, WHO ca ngợi sự “minh bạch” và “cởi mở” của Trung Quốc trong việc chia sẻ thông tin. Trong lúc đó truyền thông thế giới đã cảnh báo về cố gắng kiểm soát thông tin của Bắc Kinh. Tờ New York Times hôm 27/1 đã đăng bài về sự bất bình của chính người dân Trung Quốc và dẫn lại một phản ứng trên mạng xã hội của Trung Quốc với thị trưởng Vũ Hán: “Nếu vi rút công bằng, hãy đừng tha con người vô dụng này.”

Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus tới từ Ethiopia, một quốc gia đang phát triển tại châu Phi và khó tin ông không hiểu Trung Quốc, nước đã ủng hộ ông trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế cao nhất tại WHO. Người ta cũng đặt câu hỏi phải chăng sự hàm ơn Trung Quốc đã ảnh hưởng tới cách hành xử của vị tổng giám đốc.

Tới ngày 30/1, WHO công bố tình trạng khẩn cấp y tế trên toàn thế giới đối với Covid-19 nhưng trong những ngày đầu tháng Hai đã phản đối khi Hoa Kỳ cấm nhập cảnh với những ai từng tới Trung Quốc trong 14 ngày trước đó. Tổng giám đốc WHO được dẫn lời nói:

“Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi tới tất cả các nước không đưa ra các hạn chế có thể gây cản trở không cần thiết đối với đi lại và thương mại quốc tế. Những hạn chế như thế có thể làm tăng sự sợ hãi và mặc cảm mà đem lại ít lợi ích y tế công cộng.”

Gần một tháng sau vẫn có những tít báo đặt câu hỏi tại sao WHO vẫn chưa tuyên bố đại dịch. Phải tới ngày 11/3 Tổ chức Y tế Thế giới mới công bố đại dịch trên toàn thế giới, điều nhiều chuyên gia nói họ phải làm như vậy sớm hơn nhiều. Có lẽ không phải là nói quá khi tuyên bố rằng WHO đã chỉ huy từ phía sau.

Nói như vậy cũng không có nghĩa là WHO phải chịu trách nhiệm chính trong việc các nước có số ca tử vong vì corona mới lên tới cả vạn. Trách mình bao giờ cũng phải là việc nên làm trước tiên vì trách người bao giờ cũng dễ và cũng là cách để giảm bớt trách nhiệm cá nhân. Những cách làm hiệu quả ban đầu của Đài Loan, Việt Nam và Hàn Quốc cho thấy quyết tâm đúng lúc và sáng tạo có thể giảm thiệt hại về người do Covid-19 gây ra. Còn thiệt hại về kinh tế, và không loại trừ cả nhân mạng, do các biện pháp khắt khe được đưa ra lại là bài toán khác.

Nhưng chuyện người ta đặt câu hỏi liệu Tổ chức Y tế Thế giới chỉ có mỗi nhiệm vụ đặt tên cho con vi rút mới không phải là không có lý do. Mà cho tới giờ người Việt Nam mỗi khi tìm kiếm vẫn dùng corona nhiều hơn Covid-19. Ngay cả việc đặt tên cho con vi rút xuất phát từ Trung Quốc cũng khiến WHO mất quá nhiều thời gian thì nói gì tới chuyện chống nó.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG