Một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế ca ngợi thành công của quy trình cấy ghép tế bào giúp cho một người bị liệt đi lại được là một bước “đột phá.” Họ nói quy trình mang tính bước ngoặt này mở ra cánh cửa cho những người khác có hệ thần kinh bị tổn thương không thể đi lại được do chấn thương tủy sống hoặc đột quỵ. Nhưng theo Jessica Berman ghi nhận, quy trình này còn gây nhiều tranh cãi.
Một người đàn ông từ Bulgaria, bị liệt từ ngực xuống, đã có lại được cảm giác trên đôi chân của ông và có thể đi lại được với sự trợ giúp của đôi nạng và nẹp chân sau khi được cấy ghép tế bào vào tủy sống bị tổn thương. Tin cho hay người đàn ông này còn có thể lái ô tô. Các nhà nghiên cứu nói ông này, trước đây là lính cứu hỏa, đã hồi phục cảm giác khi tiểu tiện và đại tiện, và phần nào một số chức năng tình dục.
Bệnh nhân bị liệt sau khi bị đâm từ sau lưng vào năm 2010. Những tế bào bao quanh khứu giác đặc trưng lấy từ mũi của ông được cấy ghép sau khi được nuôi trong phòng thí nghiệm. Những tế bào này là một phần của khứu giác.
Các tế bào được cấy vào phần trên và bên dưới tủy sống bị cắt đứt bằng 100 mũi tiêm nhỏ, mà các nhà nghiên cứu dùng mô tế bào thần kinh nối lại để lắp lại khoảng cách dài 8mm.
Nhà nghiên cứu dẫn đầu chương trình này, ông Geoffrey Raisman của Viện Thần kinh học của Trường Đại học London nói quy trình này mở đường cho việc cấy ghép thần kinh để điều trị bệnh nhân – những người không thể đi lại được do bị đột quỵ hay các thương tổn khác về thần kinh. Khoảng 3 triệu người trên toàn thế giới đang phải ngồi xe lăn.
Simone di Giovanni, người đứng đầu khoa Khoa học Thần kinh Phục hồi, không tham gia vào nghiên cứu này. Ông Di Giovanni nói chiến lược cấy ghép tế bào có nhiều hứa hẹn, về mặt lý thuyết.
Ông Giovanni cho biết: "Hiện vẫn chưa rõ liệu chiến lược này sẽ hiệu quả như thế nào cho việc phục hồi chức năng, ngay cả trên các động vật thí nghiệm trong các nghiên cứu tiền lâm sàng. Thế cho nên, vẫn còn một số thách thức trong việc diễn giải mức thành công của 1 trường hợp duy nhất này".
Ông Di Giovanni nói các thử nghiệm trên động vật đã được tiến hành trong 30 năm qua với kết quả khác nhau. Các chuyên gia nói các tế bào thần kinh trong cột sống không thể tái tạo. Tuy nhiên, hành khứu giác là một nơi có nhiều tế bào thần kinh có thể được tái tạo trong đĩa nuôi cấy ở phòng thí nghiệm.
Tuy vậy ông Di Giovanni vẫn tỏ ra thận trọng về những kết quả mà các nhà nghiên cứu của Anh và Ba Lan báo cáo, và đăng tải trên tạp chí y học Cấy ghép Tế bào.
Ông Giovanni nói: "Tôi cho rằng đây là một báo cáo y học có tiềm năng gây chú ý. Tuy nhiên đây chỉ là báo cáo về một trường hợp duy nhất, và rất khó có thể rút ra một kết luận gì từ một trường hợp này".
Các nhà nghiên cứu không muốn nâng quá cao kỳ vọng đối với hàng triệu người bị bại liệt trên khắp thế giới. Trong khi họ nói các kết quả còn rất hạn chế thì các nhà nghiên cứu đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng với sự tham gia của 10 bệnh nhân trong một quy trình mà họ tin có khả năng tiềm tàng có thể đảo ngược hậu quả của chứng bệnh liệt.