Đường dẫn truy cập

TBT Trọng kêu gọi Trung Quốc hợp tác “giải quyết vấn đề” Biển Đông


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa tại Hà Nội hôm 12/9. Ông Trọng kêu gọi hai bên hợp tác trong vấn đề Biển Đông tại cuộc gặp mặt này.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa tại Hà Nội hôm 12/9. Ông Trọng kêu gọi hai bên hợp tác trong vấn đề Biển Đông tại cuộc gặp mặt này.

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 12/9 tiếp Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc và đề nghị quốc gia láng giềng cùng hợp tác để giải quyết các vấn đề trên Biển Đông.

Trong buổi tiếp đón ở Hà Nội mà VOV gọi là ‘thân mật’, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “đề nghị hai bên cần tiếp tục tăng cường tiếp xúc cấp cao, phát huy tốt các cơ chế hiện có, thực hiện tốt những nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, trong đó có ‘Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.’”

Ông Trọng còn kêu gọi Trung Quốc hãy cùng Việt Nam “nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên biển, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình” trong cuộc gặp với ông Hồ Xuân Hoa, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ở Hà Nội để dự hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN.

Bộ Ngoại giao Việt Nam gần đây đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên vùng biển có nhiều tranh chấp.

Gần đây nhất là ngày 23/8 khi phó phát ngôn viên BNG Nguyễn Phương Trà cho biết phản ứng của Hà Nội sau khi có thông tin cho thấy Trung Quốc có thể đã điều động vũ khí hạt nhân tới Biển Đông.

Không nêu tên Trung Quốc, nhưng bà Phương Trà kêu gọi “các bên liên quan” phải có nghĩa vụ đóng góp cho mục tiêu “duy trì hòa bình ổn định, an ninh an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Ngày 10/8, phát ngôn viên BNG Lê Thị Thu Hằng đã nêu đích danh nước láng giềng phương Bắc của Việt Nam khi bà tuyên bố Hà Nội “kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động kỷ niệm sáu năm thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” tại quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong khu vực được coi là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5/2014 đã làm cho mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Trong hơn một năm qua, Trung Quốc còn gây sức ép, buộc Việt Nam hai lần ngừng khoan thăm dò dầu khí với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha trên Biển Đông. Mặc dù vậy, chính phủ Việt Nam chưa bao giờ chính thức lên tiếng trước các thông tin được truyền thông quốc tế đưa ra này.

Tại buổi gặp mặt hôm 12/9, ông Hoa nói Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam củng cố không ngừng và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc,” theo Tân Hoa Xã. Ông Hoa cũng đề nghị hai bên “củng cố tin cậy chính trị” và “thúc đẩy kết nối chiến lược” nhằm “thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, lành mạnh trong thời gian tới.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG