Madrid tin rằng các nhóm có trụ sở ở Nga dùng mạng xã hội mạnh mẽ cổ xúy cho cuộc trưng cầu dân ý đòi ly khai ở Catalonia hồi tháng trước trong một âm mưu gây bất ổn cho Tây Ban Nha.
Bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại giao Tây Ban Nha hôm thứ Hai 13/11 nói họ có bằng chứng cho thấy các nhóm của nhà nước và tư nhân ở Nga, cùng với các nhóm ở Venezuela, sử dụng Twitter, Facebook và các trạng mạng xã hội khác ồ ạt quảng bá cho chủ trương ly khai đã gây ảnh hưởng và làm thay đổi quan điểm của công chúng trước cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10.
Các thủ lãnh đòi ly khai ở Catalonia bác bỏ các buộc Nga đã can thiệp vào cuộc bỏ phiếu để làm lợi cho họ.
Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Maria Dolores de Cospedal nói: “Những gì chúng tôi biết hôm nay là phần lớn việc này xuất phát từ lãnh thổ của Nga. Các nhóm của nhà nước và tư nhân tìm cách gây ảnh hưởng lên tình hình và gây bất ổn cho châu Âu.”
Khi được hỏi liệu Madrid có chắc chắn với những tố cáo đó hay không, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Alfonso Dastis, nói: “Có, chúng tôi có bằng chứng.”
Ngoại trưởng Dastis nói Tây Ban Nha phát hiện những tài khoản giả trên mạng xã hội, và phân nửa trong số đó có dấu tích xuất phát từ Nga, và khoảng 30% từ Venezuela, được lập ra để giúp sức cho những người đòi ly khai.
Ông Ramon Tremosa, một nhà lập pháp của Liên hiệp Âu châu theo đảng PDeCat của thủ lãnh ly khai Carles Puigdemont của Catalonia, hôm thứ Hai lập lại rằng chuyện Nga ca thiệp vào cuộc bỏ phiếu giữ đóng một vài trò gì trong cuộc trưng cầu dân ý.
Ông Tremosa viết trên Twitter: “Những người nói Nga giúp Catalonia chính là những người đã giúp cho hạm đội Nga trong mấy năm qua, bất chấp lệnh tẩy chay của Liên hiệp Âu châu,” ám chỉ các tin tức nói Madrid cho phép các tàu chiến của Nga ghé cảng của Tây Ban Nha để tiếp nhiên liệu.
Đa số những người đi bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý là những người ủng hộ chủ trương ly khai, nhưng số người đi bầu chỉ chiếm 43% dân số Catalonia mà đa số muốn tiếp tục gắn liền với Tây Ban Nha.
Cuộc trưng cầu dân ý đòi ly khai đã đẩy Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (euro), vào cuộc khủng hoảng hiến pháp tồi tệ nhất kể từ khi nước này chuyển sang thể chế dân chủ vào thập niên 1970.