Đường dẫn truy cập

Tàu thăm dò dầu khí Malaysia rời Biển Đông sau vụ đối đầu với TQ


Tư liệu: Ảnh chụp ngày 13/7/2018 với bản đồ các nước Đông Nam Á ven Biển Đông trưng bày trong một hiệu bán sách Trung Quốc. (AP Photo/Andy Wong)
Tư liệu: Ảnh chụp ngày 13/7/2018 với bản đồ các nước Đông Nam Á ven Biển Đông trưng bày trong một hiệu bán sách Trung Quốc. (AP Photo/Andy Wong)

Một tàu khoan thăm dò đáy biển do Petronas - công ty dầu khí nhà nước Malaysia vận hành, từng đối đầu với tàu khảo sát địa chất Trung Quốc ở Biển Đông, đã rời vùng biển tranh chấp hôm thứ ba 12/5, ba nguồn tin an ninh và công ty vận hành tàu cho biết.

Từ cuối năm ngoái, Petronas đã tiến hành các hoạt động thăm dò gần một khu vực nơi mà Malaysia, Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.

Vào giữa tháng Tư, tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc được hộ tống bởi lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu Dân quân Hàng hải Trung Quốc, bắt đầu hoạt động trong khu vực.

Ba tàu chiến Mỹ và một tàu khu trục Úc đã tiến hành một cuộc tập trận chung gần địa điểm hoạt động của Petronas, trong một cuộc đối đầu hồi tháng trước.

Tàu khoan West Capella, tàu do Petronas vận hành, rời vùng biển vì đã kết thúc các hoạt động thăm dò trong khu vực, các nguồn tin cho biết. Các nguồn tin này không muốn được nêu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông.

Hợp đồng của Petronas với công ty khoan dầu ngoài khơi Seadrill theo kế hoạch sẽ kết thúc vào cuối tháng này. Bộ Ngoại giao Malaysia và tập đoàn Petronas chưa trả lời ngay yêu cầu bình luận.

Giám đốc truyền thông của Seadrill, Iain Cracknell, xác nhận rằng West Capella đã rời khỏi khu vực sau khi hoàn thành công việc theo kế hoạch.

Con tàu Hải Dương 8 của chính phủ Trung Quốc, vẫn còn trong khu vực - khoảng 371 km (230 dặm) ngoài khơi đảo Borneo của Malaysia, theo trang web theo dõi tàu Marine Traffic cho thấy.

Dữ liệu cho thấy con tàu di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, theo mô hình phù hợp với việc thực hiện một cuộc khảo sát, giống như trong một vụ đối đầu căng thẳng trong vùng biển của Việt Nam hồi năm ngoái.

Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) có trụ sở tại Washington nói vụ đối đầu giữa tàu Trung Quốc và tàu Malaysia đã diễn ra trong nhiều tháng.

Trung Quốc bác bỏ các bản tin đề cập tới một vụ đối đầu, và nói rằng Tàu Hải Dương 8 đang tiến hành các hoạt động “bình thường”.

Vụ việc này đã khiến Hoa Kỳ phải lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh hãy ngưng các hành vi bắt nạt trên khu vực tranh chấp.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên vùng biển rộng lớn chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông, nơi có nhiều tài nguyên dầu khí, và cũng là một tuyến hàng hải quan trong cho thương mại quốc tế. Các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên vùng biển này gồm có Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam.

(Reuters)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG