Một loạt chiến hạm của các nước đồng minh với Mỹ tới thăm Việt Nam, tham gia nhiều hoạt động hải quân chung, trong đó có cả tập trận trên biển, trong bối cảnh Trung Quốc củng cố chủ quyền ở Biển Đông.
Sau Nhật, Hàn Quốc, Anh, New Zealand, chiến hạm Canada HMCS Calgary cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài 4 ngày từ 26 tới 30/9.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Canada dẫn lời chỉ huy tàu, ông Blair Saltel, nói rằng “Việt Nam là cơ hội cho Calgary làm việc với cộng đồng địa phương và thể hiện cam kết rằng chúng tôi là một đối tác quan trọng”.
Bộ trưởng Quốc phòng lên thay cố Chủ tịch Trần Đại Quang?
Ông Saltel nói thêm rằng “điểm nổi bật trong chuyến cập cảng này là việc chúng tôi sẽ diễn tập trên biển với Hải quân Việt Nam nhằm mở rộng và cải thiện mạng lưới đối tác quốc phòng trong khu vực”.
Trong khi đó, đại biện lâm thời Robert Bissett của Đại sứ quán Canada ở Việt Nam cũng được trích lời nói rằng chuyến thăm của HMCS Calgary cũng góp phần kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Canada và Việt Nam đồng thời “củng cố sự giao tiếp” giữa hai nước.
Tàu chiến Canada thăm Việt Nam trong hành trình tới nhiều nước đồng minh quân sự khác của Mỹ như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và các đảo của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương nhằm “thúc đẩy sự hiện diện hải quân ở khu vực và hỗ trợ các cuộc thao dượt hải quân quốc tế với các nước đối tác”.
“Việc triển khai nhằm củng cố các đối tác quốc phòng hiện có và thiết lập quan hệ đa quốc gia mới nhằm đạt được khả năng tương tác cao hơn và khả năng phòng thủ tăng cường cho các hoạt động trong tương lai”, thông cáo của Bộ Quốc phòng Canada nói về chuyến thăm của tàu HMCS Calgary.
Tàu chiến với khoảng 230 thủy thủ và sĩ quan trên khoang gần đây đã tham dự cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới có tên gọi “Vành đai Thái Bình Dương” ở Hawaii.
Tàu chiến Mỹ tiến gần quần đảo Trường Sa
Hoa Kỳ hồi tháng Năm đã mời Việt Nam lần đầu tiên tham dự cuộc thao dượt với hơn 20 quốc gia khác, nhưng loại Trung Quốc vì các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Một ngày trước khi HMCS Calgary cập cảng Đà Nẵng, hôm 25/9, tàu hải quân New Zealand Te Mana F77 với thủy thủ đoàn gồm 178 người cập Cảng Sài Gòn, bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 4 ngày tại TP HCM.
Trước đó không lâu, một tàu khu trục của hải quân Hàn Quốc với hơn 300 sĩ quan và thủy thủy đã cập cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm TP Đà Nẵng trong 4 ngày.
Sau đó, một đồng minh quân sự của Mỹ là Nhật Bản đã lần đầu tiên triển khai tàu ngầm Kuroshio tới tập trận ở Biển Đông trước khi tới Việt Nam và cập cảng Cam Ranh ở Khánh Hòa.
Cũng trong tháng Chín, tàu tấn công đổ bộ HMS Albion của Hải quân Hoàng gia Anh hôm 3/9 đã cập cảng ở TP HCM nhằm "đóng vai trò tích cực về an ninh khu vực, tự do hàng hải và thúc đẩy hợp tác với Việt Nam". Tin cho hay, chiến hạm này trước khi tới Sài Gòn đã tiến gần tới một quần đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Về động thái này, hôm 20/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói rằng “Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đồng thời đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông”.
Trong một diễn biến liên quan, theo báo chí trong nước, hôm 15/9, tàu hộ vệ tên lửa của Việt Nam là Gepard 015 – Trần Hưng Đạo đã “bắt đầu thực hiện chuyến đi biển xa nhất với hành trình hơn 5 nghìn hải lý”.
Theo kế hoạch, tàu chiến này “thăm và giao lưu với Hải quân Nhật Bản; tham dự Duyệt binh tàu quốc tế tại Căn cứ Hải quân Jeju Hàn Quốc và Diễn tập hàng hải ASEAN - Trung Quốc tại Trạm Giang, Trung Quốc”.