Đường dẫn truy cập

Tập đoàn cầm quyền Thái yêu cầu giới ngoại giao xoa dịu hình ảnh cuộc đảo chính


Biểu tình phản đối vụ đảo chính bên ngoài Đại sứ quán Australia ở Bangkok, Thái Lan
Biểu tình phản đối vụ đảo chính bên ngoài Đại sứ quán Australia ở Bangkok, Thái Lan
Người lãnh đạo tập đoàn cầm quyền Thái Lan hôm thứ Tư ra chỉ thị cho một số nhà ngoại giao hàng đầu mưu tìm sự thông cảm quốc tế về cuộc đảo chính mà ông đã thực hiện trong tháng trước. Thông tín viên VOA Steve Herman tường thuật rằng một phái đoàn các tư lệnh quân đội đã được phái đi Bắc Kinh để dự một hội nghị với các giới chức quân sự cấp cao của Trung Quốc.

Tướng Prayuth Chan-ocha, người nay nắm tất cả quyền hành pháp và lập pháp ở Thái Lan, đã họp tại bản doanh quân đội hôm thứ Tư với 23 trong số các đại sứ và tổng lãnh sự của Thái Lan đang công tác ở 21 quốc gia.

Theo các phát ngôn viên của tập đoàn cầm quyền và bộ ngoại giao, vị tướng lãnh này đã nói với các nhà ngoại giao rằng họ có nghĩa vụ tạo ra sự thông cảm quốc tế về cuộc đảo chính ngày 22 tháng 5 và ông “muốn thấy các vị đại sứ và giới chức chính phủ giúp giải thích điều đó một cách chính thức cũng như không chính thức.”

Phó giáo sư Pavin Chachavalpongpun của trường Ðại học Kyoto khẳng định rằng các nhà ngoại giao Thái Lan cũng đã nhận được những mệnh lệnh mang tính cách đe dọa hơn từ phía quân đội. Ông nói:

“Có một chính sách đối nghịch nhau là sử dụng những vị đại sứ, tổng lãnh sự này để làm áp lực với các nước chủ nhà nhằm bịt miệng giới chỉ trích cuộc đảo chính đang sống ở nước ngoài, cho dù là những người hoạt động chính trị hay những người trong giới học thuật như chính tôi, thậm chí tới mức tìm cách dùng ảnh hưởng của họ để buộc nước chủ nhà trục xuất những người này.”

Ông Pavin gọi những sắc lệnh nhắm mục tiêu vào quyền tự do về học thuật và những hình thức phát biểu khác là một sự vi phạm “các quyền cơ bản của con người.”

Kể từ sau cuộc đảo chính ngày 22 tháng 5 và việc thành lập Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia, còn gọi tắt là NCPO, để điều hành đất nước, mấy trăm người đã bị bắt giữ. Trong số này có các chính trị gia, các nhà hoạt động, các nhà học thuật và các ký giả. Nhiều người đã được phóng thích sau khi bị thẩm vấn và bị cách ly 1 hay 2 tuần trong các trại quân đội.

Một số đã bất chấp các lệnh triệu tập, tiếp tục được ban hành, và không ra trình diện. Trong số này có một số người Thái sống ngoài nước, kể cả ông Pavin ở Nhật Bản.

Trong lúc vị tướng lãnh này họp với các nhà ngoại giao của Thái Lan, một phái đoàn các tư lệnh quân đội Thái đang trên đường đi Trung Quốc. Họ sẽ thảo luận với các giới chức quân đội cấp cao của Trung Quốc về an ninh khu vực và các cuộc tập huấn chung trong tương lai.

Hai nước đã tiến hành các cuộc thao diễn chung trước đây.

Trưởng đoàn đại diện cho Trung Quốc tại Hội nghị này dự kiến sẽ là Trung tướng Vương Quán Trung, phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân.

Tập đoàn cầm quyền Thái Lan nói Trung Quốc đã ủng hộ cuộc đảo chính do tư lệnh quân đội Thái thực hiện.

Thứ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Tướng Surasak Kanjanarat, cho biết các cuộc họp ở Bắc Kinh sẽ phác họa “các kế hoạch hành động trong tương lai” với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Hành động tăng cường quan hệ giữa Bangkok và Bắc Kinh diễn ra sau khi các quốc gia Tây phương, kể cả Hoa Kỳ, một đồng minh lâu đời của Thái Lan, lên tiếng chỉ trích cuộc đảo chính ngày 22 tháng 5. Quân đội Hoa Kỳ đã ngưng các cuộc tập huấn với lực lượng Thái Lan để đáp lại cuộc đảo chính này.

Giáo sư Pavin ở Nhật Bản nói vì sự gần cận về địa lý và các quan hệ kinh tế đang nảy nở, sự tiếp xúc giữa Thái Lan và Trung Quốc là điều thiết thực và một tình hình có lợi cho cả đôi bên. Ông nhận định:

“Áp lực từ các nước Tây phương, nhất là Hoa Kỳ và Australia, có thể đã đóng một vai trò trong việc đẩy Thái Lan lại gần hơn một chút với Trung Quốc và biết rằng dù sao sẽ có rất nhiều lợi ích khi làm như thế.”

Thương mại song phương dự trù sẽ lên đến 100 tỷ đôla vào năm tới, với sự kiện Trung Quốc vốn đã là đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan.

Tập đoàn cầm quyền ở Bangkok nói Trung Quốc nằm trong số nhiều nước đã tỏ ra thông cảm các lý do của việc quân đội lên nắm quyền hồi tháng trước.

Tướng Prayuth đã bày tỏ sự cần thiết phải đem lại “hạnh phúc” cho nhân dân Thái Lan sau một thời kỳ hỗn loạn chính trị bất ổn kéo dài.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA tiếp theo cuộc đảo chính, một phát ngôn viên của tập đoàn cầm quyền nói mục tiêu chính yếu của việc lật đổ chính phủ dân sự tạm quyền là để vĩnh viễn xóa bỏ ảnh hưởng đối với chính sự của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông này bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006 nhưng đảng mà ông ủng hộ đã thắng trong cuộc bầu cử năm 2011 và người em gái của ông Thaksin là bà Yingluck Shinawatra sau đó lên làm thủ tướng.

Các chính đảng được gia đình giàu có này hậu thuẫn đã thắng trong mọi cuộc bầu cử ở Thái Lan từ năm 2001, chủ yếu là nhờ phiếu ủng của giới nghèo ở nông thôn miền bắc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG