Đường dẫn truy cập

Tập Cận Bình gieo gió gặt bão


Sinh viên biểu tình đòi Tập Cận Bình từ chức tại một đại học ở Kuala Lumpur, Malaysia.
Sinh viên biểu tình đòi Tập Cận Bình từ chức tại một đại học ở Kuala Lumpur, Malaysia.

Cảnh bế tắc này do chính Tập Cận Bình tạo ra. Một người tự coi mình là cao nhất đứng đầu 1 tỷ 400 triệu người thì dễ tự tôn, tin rằng các ý kiến của mình là tối hảo.

Trong gần ba năm qua, guồng máy tuyên truyền của Cộng sản Trung Quốc vẫn ca ngợi chính sách phòng chống bệnh dịch Covid của nhà nước, chứng tỏ chế độ độc đảng ưu việt, hơn các nước Tây phương. Số người nhiễm bệnh ít và số người chết cũng rất ít, nếu quý vị tin vào thống kê của Trung Cộng.

Dân Trung Hoa vẫn phải chấp nhận sống giữa những hàng rào kiểm soát được dựng lên bất cứ lúc nào dù chỉ thấy một hai người nhiễm bệnh nhẹ. Họ bị hạn chế di chuyển, không được tụ họp, một gia đình bốn người vào tiệm ăn phải ngồi hai bàn cách ly, đeo mạng che mũi thường xuyên, bị bắt thử test bất cứ lúc nào, v. v.. Nhưng nhờ thế nên họ không chết hàng loạt như trong nhiều nước Âu Mỹ với cảnh tượng, vào đầu năm 2020 khi bệnh dịch mới phát, những nhà thương chật bệnh nhân nằm ở hành lang, và thi hài người chết phải để trong thùng kho lạnh bên đường.

Các báo đài của nhà nước nhất tề chứng minh chế độ dân chủ thất bại trước loài vi khuẩn corona, Trung Cộng đã chiến thắng. Các chế độ độc tài kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông rất dễ lường gạt dân; nhất là khi những điều dối trá làm tăng niềm tự hào chủng tộc: Người Trung Hoa giỏi nhất thế giới!

Nhưng nói dối mãi cũng có ngày “lòi đuôi,” khi người nghe nhìn thấy sự thật. Trong những ngày gần đây, dân Trung Hoa đã nhìn thấy loài người, ở bên ngoài Trung Quốc, họ vẫn sống, sống mạnh khỏe, vui vẻ, vẫn tụ họp đông đảo, ôm nhau reo hò; mà không ai phải đeo mạng cả. Đó là nhờ Giải Đá Banh Thế giới, World Cup.

Hơn một nửa nước Trung Quốc, 700, 800 triệu người, coi World Cup, nhất là hàng trăm triệu người bị cấm cung không được ra ngoài.

Đài Truyền Hình Trung Ương (CCTV) vẫn chiếu cảnh các trận đá banh nhưng cũng kiểm duyệt. Nhật báo Washington Post thuật lời Mark Dreyer, người điều khiển mạng China Sports Insider, kể rằng anh đã coi CCTV trong hai tiếng đồng hồ, trận đấu Brazil-Thụy Sĩ; trong thời gian đó đài CCTV đã cắt 42 lần, không chiếu cảnh nhìn gần, cảnh khán giả vỗ tay hò hét. Nhưng khán giả trong nước Trung Quốc vẫn thấy cảnh vận động trường, với 50,000 tới 60,000 người nhìn từ xa không rõ mặt. Dreyer cho rằng CCTV đã tránh không cho thấy hình đám đông khán giả, vì họ đều được tự do, tất cả không ai bị bịt miệng. Nếu dân trong lục địa thấy cảnh tượng đó, họ sẽ hết tin những lời tuyên truyền của Đảng!

Nhưng các công dân mạng vẫn có cách luồn lách để coi được các đài quốc tế và nhìn thấy sự thật. Họ thấy ở bên ngoài loài người vẫn sống, không chết hàng loạt như nhà nước nói để đe dọa.

Một người Trung Quốc sử dụng mạng WeChat (giống như app điện thoại WhatsApp ở Mỹ) ngạc nhiên khi thấy: “Không một khán giả nào đeo mạng che miệng, không ai phải trình giấy chứng nhận đã chích thuốc ngừa Covid!” Anh đặt câu hỏi: “Chúng ta có sống trên cùng một hành tinh với họ hay không? Có phải covid-19 không làm hại được họ hay không?” Chương mục của người đặt câu hỏi này đã biến mất trên WeChat, theo bản tin mạng China Digital Times.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đánh lừa dân và tự đánh lừa mình, nhưng bây giờ ai cũng thấy sự thật. Đó là lúc đứa bé chỉ tay nói: Ông vua không mặc quần! Đứa bé đó bây giờ là tất cả các mạng xã hội, như WeChat với hơn 1,2 tỷ người sử dụng, hoặc Weibo (giống như Twitter) với gần 600 triệu tham dự.

Khi nhìn thấy sự thật, dân Trung Quốc phản ứng ngay lập tức.

Chiều Chủ nhật vừa qua một thanh niên ở Thượng Hải xuống đường với tấm biểu ngữ cầm tay, viết: “Quý vị biết tôi muôn nói gì rồi.” Gần đó, trên con đường mang tên “Urumqi,” tên thủ phủ tỉnh Tân Cương, một người khác nâng cao một bông hoa. Anh hỏi mấy người xúm lại quay video: “Có gì mà phải sợ?” Mấy phút sau, công an tới, lôi anh lên xe đem đi.

Dân Trung Hoa lục địa đang biểu tình khắp nơi, từ Tân Cương, Thành Đô, Trùng Khánh ở phía Tây qua Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán, Quảng Châu ở phía Đông. Dân biểu tình bắt đầu sử dụng một “vũ khí” mới: Giấy trắng. Họ không nói gì nữa mà chỉ cần nâng cao những biểu ngữ toàn giấy trắng. Họ bắt chước sinh viên ở Hồng Kông đã dùng “biểu ngữ trắng” đi biểu tình năm 2020 chống đạo luật an ninh xiết chặt tự do. Có người giải thích với nhật báo New York Times rằng họ lấy cảm hứng từ một câu chuyện cười từ nước Nga thời Xô Viết: Công an bắt những người đang “rải truyền đơn” ở công viên, dù đó chỉ là những… tờ giấy trắng.

Ngày Thứ Tư 30 tháng 11, nhiều video xuất hiện trên mạng ở Trung Quốc với cảnh dân chúng biểu tình ở Quảng Châu đêm trước. Công nhân trong khu công nghiệp Hải Châu xuống đường chống những lệnh cấm đoán của Tập Cận Bình vì bệnh dịch Covid. Họ ném chai lọ vào đám công an xung phong, phá sập các rào cản bao quanh những khu dân cư, theo báo New York Times.

Làn sóng phản kháng lần này phát khởi từ Urumqi, tỉnh Tân Cương, khi 10 người chết trong một vụ cháy. Người ta coi các video chuyển trên mạng xã hội thấy lính cứu hỏa đã tới quá trễ và khi tới đã hành động chậm chạp. Lý do duy nhất là những lệnh cấm ngặt nghèo không cho dân được di chuyển qua các hàng rào cản đang khóa chặt những khu dân cư có người bị nhiễm bệnh.

Bây giờ, người biểu tình còn lên tiếng yêu cầu Tập Cận Bình từ chức và đòi đảng Cộng sản Trung Quốc ngưng thống trị.

Nhưng Tập Cận Bình không thể bãi bỏ chính sách Zero Covid. Dù các biến thái của vi khuẩn bây giờ không giết nhiều người; nhưng nếu xóa bỏ chính sách cũ, số bệnh nhân sẽ tăng lên rất nhanh, hệ thống y viện trong nước không đủ sức thâu nhận và điều trị. Đặc biệt, những người trên 65 tuổi, phần lớn chưa được chích ngừa đầy đủ sẽ lâm nguy; 90% số người chết vì Covid khắp thế giới ở lớp tuổi trên 65. Vì tự ái Trung Cộng đã từ chối không nhập cảng các thuốc chủng có hiệu quả, Pfizer và BioNTec. Các công ty trên đã “cho không” quyền sản xuất ở Trung Quốc bằng phương pháp mRNA, nhưng còn mất một thời gian mới xong. Trong khi chờ đợi, Trung Cộng vẫn phải tiếp tục cấm đoán, tuy sẽ phải nới lỏng dần dần vì dân tiếp tục phản kháng.

Trong khi đó, ở khắp nơi trên thế giới người ta đang tiến tới tình trạng “miễn nhiễm tập thể.” Khi số người được chủng ngừa hoặc bị nhiễm bệnh lên cao, loài vi khuẩn sẽ khó lan tràn, cả xã hội được miễn nhiễm. Dân Trung Quốc sẽ tiếp tục vất vả vì không thể đạt được miễn nhiễm tập thể bây giờ. Số người Trung Quốc nhiễm bệnh còn rất ít và công hiệu của thuốc chủng thì thấp quá.

Cảnh bế tắc này do chính Tập Cận Bình tạo ra. Một người tự coi mình là cao nhất đứng đầu 1 tỷ 400 triệu người thì dễ tự tôn, tin rằng các ý kiến của mình là tối hảo. Đảng Cộng sản không quen tham khảo ý kiến của dân, kể cả các giới chuyên môn. Trung Quốc không thiếu những chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nhưng các quyết định quan trọng nhất hoàn toàn chỉ theo nhu cầu chính trị của một người! Bây giờ lãnh tụ gieo gió thì gặt bão.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG