Đường dẫn truy cập

Bà Clinton: Tăng trưởng kinh tế bền vững ở châu Á tùy thuộc vào dân chủ


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton và Tổng thống Mông Cổ Elbegdorj Tsakhia tại Diễn đàn Lãnh đạo của Phụ nữ Quốc tế Ulaanbaatar, ngày 9/7/2012
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton và Tổng thống Mông Cổ Elbegdorj Tsakhia tại Diễn đàn Lãnh đạo của Phụ nữ Quốc tế Ulaanbaatar, ngày 9/7/2012
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton đang đi thăm Mông Cổ, tại đây bà cổ xúy cho những lợi ích kinh tế của dân chủ trong một chuyến công du nhằm cũng cố chính sách của chính quyền Obama chuyển trọng tâm sang châu Á. Từ thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ, Thông tín viên Scott Stearns của đài VOA gởi về bài tường trình sau đây.

Ngoại trưởng Clinton nói chuyến công du của bà phản ánh một ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, đó là sau một khoảng thời gian 10 năm Hoa Kỳ phải tập trung vào các cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan, Washington nay đang tăng cường đầu tư về ngoại giao, kinh tế và chiến lược ở châu Á.

Bà Clinton nói: "Chúng tôi muốn góp phần xây dựng một trật tự khu vực rộng mở và ổn định và chính đáng tại châu Á – Thái Bình Dương dựa vào các nguyên tắc và các cơ chế có lợi cho tất cả các quốc gia và dân tộc."

Chính sách được gọi là chuyển trọng tâm sang châu Á của Washington được Trung Quốc xem xét một cách thận trọng, nhất là việc tái bố trí các lực lượng quân sự và những lời hô hào tự do dân quyền nhiều hơn.

Trong một phát biểu tại Diễn đàn Lãnh đạo của Phụ nữ Quốc tế ở thủ đô Mông Cổ, Ngoại trưởng Clinton không đề cập đích danh Trung Quốc. Thay vào đó bà so sánh chế độ toàn trị với những tiến bộ chính trị ở Ðài Loan, Miến Ðiện, Thái Lan, Philippines và Ðông Timor.

Bà Clinton nói tiếp: "Những tiến bộ đó và những thành tựu khác trên khắp khu vực cho thấy những gì có thể thực hiện được. Và những thành tựu đó ngày tương phản rõ ràng với các chế độ tiếp tục cưỡng lại các cải cách, không ngừng hạn chế quyền của người dân tiếp cận với các ý tưởng và thông tin, bỏ tù họ về tội bày tỏ quan điểm của mình, cướp đi quyền của công dân được chọn người lãnh đạo cho mình, nắm quyền cai trị một cách vô trách nhiệm, phá hoại những tiến bộ kinh tế của đất nước và vơ vét của cải vào cho riêng mình."

Mặc dù Ngoại trưởng Clinton nói rằng có một số nước châu Á đã đạt được tiến bộ kinh tế mà không cởi mở về chính trị, bà gọi đó là những thành tựu nhất thời.

Bà Clinton nói: "Những nước muốn mở cửa cho kinh doanh nhưng lại đóng cửa cho tự do bày tỏ quan điểm sẽ phải trả giá cho những chính sách đó. Cách làm đó triệt tiêu tính sáng tạo và làm nản chí cho giới kinh doanh, yếu tố then chốt cho sự tăng trưởng bền vững."

Ngoại trưởng Clinton nói tất cả những khía cạnh đó hợp lại với nhau, từ an ninh đến phát triển kinh tế và những giá trị chung đều nằm trong viễn kiến của Washington về một khu vực hòa bình và thịnh vượng.

Bà Clinton nói tiếp: "Chúng ta cần phải biến thế kỷ 21 thành một thời điểm trong đó người dân ở khắp châu Á không những chỉ trở nên thịnh vượng mà còn phải có tự do hơn."

Ngay tại Mông Cổ có những lo ngại về vụ cựu tổng thống Nanbaryn Enkhabayar bị bắt giữ hồi tháng tư vì cáo buộc tham nhũng. Ngoại trưởng Clinton có một cuộc họp riêng với tổng thống đương nhiệm Tsakhia Elbegdorj tại Nhà khách Chính phủ ở trung tâm thủ đô.

Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Washington hoan nghênh một loạt các cuộc bầu cử thành công tại Mông Cổ, trong khi vẫn nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế tiếp tục theo dõi cách thức áp dụng chế độ pháp trị tại đây.

Trong các phát biểu trước công chúng, bà Clinton ca ngợi Tổng thống Elbegdorj như là một tấm gương cho khu vực. Bà nói “Nếu qúy vị muốn chứng kiến dân chủ phát triển, nếu qúy vị muốn thấy tiến bộ đang được kiến thiết bởi các nhà lãnh đạo chú tâm vào việc nâng cao cho người dân mình hơn là làm giàu cho chính mình, mới qúy vị đến xem Mông Cổ.”

Sau chặng dừng tại Mông Cổ, Ngoại trưởng Clinton đến thăm Việt Nam, Lào, và Campuchia, tại đó bà sẽ cùng với các vị ngoại trưởng trong khu vực tham dự cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á, tức ASEAN. Theo trù liệu hội nghị sẽ nói về những cải cách chính trị ở Miến Ðiện, và những tranh chấp trên biển Ðông giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG